Nhiều mục tiêu đổi mới giáo dục đã được UBND TP.HCM đề ra trong năm 2015, đang hứa hẹn mang lại những chuyển biến bất ngờ cho ngành giáo dục.
Theo đó, ở bậc mầm non, mục tiêu năm 2015 là có 90% trẻ 3-4 tuổi học mẫu giáo, 100% trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo; đảm bảo 98% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non không bị suy dinh dưỡng. Đặc biệt thành phố sẽ miễn học phí và hỗ trợ bữa ăn trưa cho toàn bộ trẻ học mầm non 5 tuổi ở các huyện ngoại thành và trẻ em vùng tái định cư.
Trẻ mầm non khu vực ngoại thành sẽ được miễn học phí và hỗ trợ ăn trưa.
Ở bậc tiểu học và THPT, mục tiêu năm 2015 là 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; 90% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, 50% học sinh THCS và 30% học sinh THPT được học 2 buổi/ngày; 99% số người trong độ tuổi 11-14 tuổi được học THCS; 100% học sinh từ 8 tuổi được học tiếng Anh; 100% học sinh phổ thông biết sử dụng máy tính và đạt được trình độ theo chuẩn quốc tế; thu hút 20% số học sinh tốt nghiệp THCS vào giáo dục nghề nghiệp.
Về các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 70% người lao động đã qua đào tạo; trình độ học vấn bình quân của người dân là lớp 9,5; tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi 15-60 là 99%; 100% số xã - phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng…
Tuy vậy, khó khăn hàng đầu mà ngành giáo dục TP.HCM vẫn sẽ gặp phải trong năm 2015 là tốc độ xây dựng trường lớp không kịp trước áp lực gia tăng dân số cơ học. Ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM cho biết: “Tốc độ dân số cơ học tại TP.HCM tăng nhanh là bài toán khó giải của cả thành phố chứ không riêng gì với ngành giáo dục. Chính vì vậy, tuy tốc độ xây dựng trường lớp hiện nay tăng khá nhanh nhưng vẫn chưa thể đảm bảo được quy định về sĩ số ở bậc tiểu học không quá 35 học sinh/lớp và THCS không quá 45 học sinh/lớp ở một số quận, huyện như: Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Chánh…”.
Cũng theo ông Sơn, hiện nay thành phố đang đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp để hướng đến mục tiêu năm 2018 (muộn nhất đến năm 2020) đạt chỉ tiêu 3 phòng học trên tổng số 100 người dân trong độ tuổi đến trường, kể cả không có hộ khẩu thành phố.
Được biết, năm học 2014-2015, TP.HCM đã đưa vào sử dụng trên 1.520 phòng học mới. Trong đó mầm non là 156 phòng học, tiểu học 620 phòng, THCS 461 phòng và THPT 235 phòng. Dự kiến, sắp tới quy mô trường lớp của thành phố sẽ tăng thêm 195 trường học, trong đó bậc mầm non sẽ có thêm 90 trường.