Hằng năm, cứ vào ngày lễ Tết Độc lập 2/9, người H'Mông lại rộn ràng tục lệ đi chơi chợ tình "bắt vợ".
Dịp lễ Quốc khánh 2/9 hằng năm, Mộc Châu luôn là điểm đến thú vị của nhiều người với phiên chợ tình với Tết của người Mông. Theo truyền thống, Tết Độc lập của người Mông ra đời từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước để tỏ lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ, Chính phủ đã đem lại độc lập tự do cho đồng bào cả nước nói chung và người H’Mông nói riêng.
Vào ngày lễ, sẽ có những phiên chợ mua bán quần áo diễn ra. Đây còn là nơi để những đôi trai gái hẹn hò, tán tỉnh và kết thành đôi lứa.
Những người thời xưa yêu nhau nhưng không đến được với nhau thì có thể hẹn hò để tâm sự về cuộc sống của mỗi người, sau đó họ lại quay trở lại với với cuộc sống hàng ngày.
Vài tháng trước khi phiên chợ tình diễn ra, những cô gái độ tuổi xuân thì chuẩn bị cho mình những bộ váy xinh đẹp và rực rỡ nhất còn các chàng trai thì chăm chỉ tập luyện những điệu khèn.
Tại chợ tình cũng diễn ra phong tục bắt vợ như một nét văn hóa đẹp với mục đích tích cực, đó được coi là một giải pháp khá hiệu quả cho những đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng lại gặp phải trở ngại từ phía gia đình. Thực chất, kế hoạch bắt vợ đã được bàn bạc bí mật, có sự hỗ trợ của anh em, bạn bè, cô bác. Cô gái đi làm nương, chàng trai bất ngờ xuất hiện cùng bạn bè ra sức kéo cô gái về làm vợ.
Dù tất cả đều “nằm trong kế hoạch” nhưng cô gái vẫn cố gắng la hét, kêu cứu. Sau đó phía nhà trai sẽ bắt gà làm phép theo như truyền thống rồi đưa cô gái vừa bị “bắt” vào nhà.
Ngày nay, tục lệ này đã trở nên mai một dần vì quyền lựa chọn hạnh phúc riêng của mỗi người nhưng truyền thống mặc đẹp vẫn được lưu giữ. Phụ nữ dân tộc Mông có những bộ trang phục vô cùng cầu kì với các đường nét, hoa văn độc đáo và mang nhiều ý nghĩa đối với cuộc sống hàng ngày, đời sống tâm linh. Các đường nét trên trang phục của người Mông không chỉ là họa tiết thông thường để trang trí, nó còn có ý nghĩa kết nối quá khứ với hiện tại và những ước vọng cuộc sống. Từ đó, nhắc nhở nhau nhớ về lịch sử, văn hoá truyền thống của dân tộc.
Các du khách từ các tỉnh đến cũng phải thuê cho bằng được trang phục dân tộc nhưng ít ai biết đến ý nghĩa thực sự của nó. Người Mông thường sống trên những triền núi cao nên họ chọn gam màu sắc sặc sỡ như xanh, đỏ, tím, vàng.
Họ coi những màu sắc này sẽ mang đến may mắn, ấm no, hạnh phúc. Họa tiết trong trang phục của người Mông chủ yếu là hoa văn hình xoắn ốc, trái tim, hình vuông, chữ nhật, zích zắc và một số biểu tượng gắn liền với cuộc sống như: sấm chớp, dụng cụ lao động, con vật, các loài hoa… được thể hiện qua từng đường nét uốn lượn trên thân áo, váy nhằm thể hiện sùng bái vạn vật bao quanh, mùa màng thuận lợi, sung túc.
Trên địa bàn tỉnh có dân tộc Mông xanh, Mông trắng, Mông hoa hay còn gọi Mông đỏ và Mông đen. Đối với trang phục của phụ nữ Mông xanh và Mông trắng, các họa tiết nổi bật trên lưng, cổ áo, phía trước ngực; trang phục của phụ nữ Mông đen và Mông đỏ, các họa tiết trang trí chủ yếu tập trung trên hai ống tay áo, yếm và trên váy.
Mặc dù chọn các gam màu khác nhau nhưng đường nét, hoa văn được thêu trên áo, váy vẫn mang chung quan niệm ý nghĩa như nhau.
Trước đây, đi trẩy hội, chơi Tết, người Mông thường nhìn các họa tiết trên trang phục để biết được cuộc sống, cảm xúc hiện tại. Nếu trên trang phục của phụ nữ đang mặc có thêu hình xoắn ốc là đang cô đơn cần tìm bạn; nếu hình trái tim là đang có người yêu, còn 2 hình trái tim là họ đã lập gia đình, 4 trái tim là phụ nữ có đại gia đình sống hạnh phúc... Do đó, du khách các tỉnh lân cận có ý định lên chợ tình chơi và thuê trang phục dân tộc mặc, hãy lưu ý đặc điểm trang phục này kẻo bị trai bản bắt về làm vợ đấy!
Khác với các dân tộc khác, trang phục cổ truyền của phụ nữ Mông gồm rất nhiều bộ phận cầu kì hợp thành như khăn đội đầu hoặc mũ, áo, váy và thắt lưng.
Váy được xếp thành ly khi bước đi tạo sự nhịp nhàng, đong đưa. Người Mông thường quan niệm, các khối hình càng thêu tỉ mỉ, càng chắc tay thì càng thể hiện được sự khéo léo trong việc vun vén hạnh phúc cũng như sự giàu sang, sung túc của gia đình.
Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, các bé gái người Mông đã được bà, mẹ dạy cách thêu thùa, để có những bộ trang phục luôn được thêu tỉ mỉ và đẹp mắt trong các ngày hội. Ngày nay, nhu cầu của giới trẻ về “gu” thời trang có nhiều đổi mới, các đường nét trên trang phục của người Mông ngày càng đa đạng, hiện đại hơn. Tuy nhiên, vẫn giữ được giá trị đặc sắc, không làm mất đi khuôn mẫu trang phục truyền thống của dân tộc.
Đối với người Mông, trang phục của phụ nữ có ý nghĩa không chỉ bảo vệ sức khỏe, che thân mà còn ẩn chứa nét riêng để làm đẹp và phân loại các dân tộc Mông khác.