14 tuổi nghiện rượu, nam thanh niên luôn ám ảnh bị quái vật đuổi giết

Ngày 03/11/2016 18:00 PM (GMT+7)

Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sảng rượu, run rẩy chân tay, loạn thần…và luôn có ảo ác bị quái vật đuổi giết.

Thời gian gần đây khoa Cấp cứu – Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương liên tục tiếp nhận các trường hợp ngộ độc do rượu. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu cho biết, trong số các bệnh nhân cấp cứu tại khoa, có đến 25% số ca nhập viện do nghiện rượu.

Các bệnh nhân dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã có thâm niên hàng chục năm nghiện rượu. Ví dụ như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Thành (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), mới 24 tuổi nhưng đã nghiện rượu 10 năm.

Qua tìm hiểu từ phía gia đình, bệnh nhân này nghỉ học đi phụ hồ từ năm 14 tuổi và cũng từ đó bệnh nhân thường xuyên uống rượu cùng với các thành viên lớn tuổi ở tổ xây.

Bệnh nhân Thành nghiện rượu nặng đến mức sốt vẫn uống rượu và chỉ dừng lại khi xuất hiện hội chứng mê sảng, run rẩy chân tay, loạn thần, nói lảm nhảm, thường xuyên nhìn thấy những hình ảnh quái vật dị thường đuổi giết.

14 tuổi nghiện rượu, nam thanh niên luôn ám ảnh bị quái vật đuổi giết - 1

Bệnh nhân nghiện rượu nhập viện đa phần là bệnh nhân nặng, đã có biến chứng.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Nguyễn Văn Đậu, ở Hưng Yên, bị chứng viêm phổi do nghiện rượu. Được biết, năm nay bệnh nhân Đậu mới 39 tuổi, nhưng đã nghiện rượu hơn 15 năm. Khi vào viện, bệnh nhân trong tình trạng tổn thương phổi, suy hô hấp nặng và có sốc nhiễm trùng. Hiện, anh Đậu vẫn phải điều trị hồi sức tích cực.

BS Cấp cho biết, những trường hợp như trên không phải là hiếm gặp. Đối với những bệnh nhân này, khi đã bị sảng rượu nếu không được điều trị đúng có thể tử vong đến 10-20% hoặc nhiều người sau điều trị hết sảng rượu vẫn còn những rối loạn tâm thần, thần kinh.

Ngoài ra, BS Cấp cảnh báo, khi nghiện rượu, uống rượu lâu năm ngoài chứng xơ gan rồi dẫn đến ung thư gan do rượu. Không chỉ có vậy, những người uống rượu còn dễ bị viêm phổi, mà việc điều trị bệnh viêm phổi ở người nghiện rượu khá khó khăn và tốn kém.

Hơn nữa, nghiện rượu lâu năm làm nhiều cơ quan phủ tạng bị tổn thương nên điều trị rất khó khăn. Vi khuẩn do rượu kháng thuốc nên phải sử dụng nhiều loại kháng sinh mạnh, đắt tiền.

Chính vì thế, để hạn chế bệnh tật do rượu gây ra, các bác sĩ khuyến cáo tốt nhất là không nên uống rượu. Trong trường hợp, vì lý do nào đó bắt buộc phải uống thì không nên uống quá 1 đơn vị cồn /1 ngày.

Được biết, một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai, lon bia 330 ml (5%); một ly rượu vang 100 ml (13,5%); một cốc bia hơi 330 ml hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự