Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Những đáp ứng phòng dịch COVID-19 ở Việt Nam trong thời gian qua, chưa từng có tiền lệ, trong đó cách ly xã hội, giãn cách xã hội là biện pháp mạnh nhất".
Cuộc cách mạng trong ứng dụng công nghệ thông tin
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói tiếp:
- Vấn đề nữa là ứng dụng triệt để khoa học công nghệ vào trong lĩnh vực phòng chống dịch. Chúng ta đã phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu… chính điều này tạo ra sự chủ động lớn.
Chúng tôi nghiên cứu, phát triển đầu tư cho một số cái sản xuất trang thiết bị phòng hộ, kể cả máy thở là một trong những cái công nghệ rất cao hiện nay, chúng ta cũng đã bắt đầu sản xuất.
Vấn đề nữa mà chúng tôi cho rằng rất mới so với trước đây là chúng ta đã ứng dụng triệt để về công nghệ thông tin. Chúng ta đã sử dụng thông tin trong vấn đề báo cáo, hội chẩn, họp hành, phổ biến thông tin, theo dõi giám sát bệnh nhân, kể cả vấn đề điều trị. Chúng tôi cho rằng đây là cuộc cách mạng thay đổi trong ứng dụng thông tin, đặc biệt trong lĩnh vực y tế.
Chúng ta phải truy vết người từ máy bay về, theo tôi không có công nghệ thông tin thì không thể làm được, vì có người vào không hề địa chỉ, chỉ là khách du lịch balo nhưng chúng ta đã truy được.
Chúng ta cũng là một trong ít nước áp dụng ngay tờ khai điện tử ngay ngày đầu chống dịch. Tớ khai y tế điện tử rất quan trọng . Nhìn vào đó chúng ta biết ngay có bao nhiều người nhập cảnh, cư trú ở đâu, ai đến từ vùng dịch, ai có nguy cơ mắc bệnh. Về sau này chúng ta phát triển app NCOVI để tiến hành khai báo sức khỏe toàn dân.
Đó là tổng quan các biện pháp phòng dịch nổi bật mà Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua. Các chính sách của chúng ta liên tục được cập nhật, được nâng cao và liên tục có sự chỉ đạo từ cấp cao nhất.
Từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam – Trưởng Ban Chỉ đạo trực tiếp điều hành công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua.
Mỗi ngày chúng tôi đều trao đổi rất nhiều các tình huống cụ thể về tình hình dịch bệnh, các diễn biến mới phát sinh, các vấn đề rất nhỏ để kịp thời ứng phó. Ví dụ như chuyến máy bay này nên dừng ở thời điểm nào, nên dừng ở chỗ này, chuyến bay này nên hạ cánh ở đâu.
Mỗi ngày có 7.000-8000 người nhập cảnh vào Việt Nam chúng ta phải điều hành thông suốt để không được ùn ứ ở chỗ nào, như thế mới tránh nhiễm chéo, tránh rối ren. Và hiện tại, chúng ta thành công.
Đến thời điểm này, chúng ta tự tin rằng các biện pháp của Việt Nam đã có hiệu quả và thời gian tới chúng ta tự tin kiên trì với các biện pháp này.
Còn điều gì ông ấn tượng về “trận chiến” phòng chống dịch Covid-19 của chúng ta trong thời gian qua?
- Phải thấy rằng, chưa bao giờ việc tuyên truyền về phòng dịch lại mạnh mẽ như trong đại dịch Covid-19. Các tin bài về tình hình dịch bệnh xuất hiện với tần suất lớn trên tất cả các báo hình, điện tử, phát thanh, báo giấy, mạng xã hội. Những thông tin lan tỏa này đã giúp nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống dịch Covid-19.
Thời gian qua, Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông và các đơn vị báo chí đã phối hợp rất chặt chẽ. Bộ Y tế liên tục mở các kênh tuyên truyền trên mạng xã hội, qua Zalo, Lotus, các tổng đài nhắn tin… để truyền thông các thông điệp phòng chống dịch Covid-19 tới người dân. Thời điểm hiện nay, các tin nhắn của các nhà mạng lên tới gần 2 tỷ lượt tin nhắn.
Phải khẳng định, ít có đất nước nào làm được điều này như chúng ta, hơn nữa, chúng ta đã đẩy mạnh tuyên truyền ngay từ đầu mùa dịch. Các nhà mạng hiện nay cũng bắt tay với nhau làm nhiệm vụ phòng chống dịch.
Về thông tin dịch bệnh, Ban Chỉ đạo khẳng định, Việt Nam công khai, minh bạch, không giấu diếm, vì có dấu cũng không được. Ban Chỉ đạo đã công khai, minh bạch, cập nhật kịp thời từng ca bệnh, diễn biến sức khỏe của bệnh nhân nặng, các biện pháp, giải pháp phòng dịch từng giờ, từng ngày để người dân nắm được.
Thời gian qua cũng có một số thông tin fake, đồn thổi sai sự thật về dịch bệnh và đã được xử lý nghiêm minh. Chúng ta hãy mạnh mẽ lên án các hành vi tung tin đồn sai lệch, gây hoang mang dư luận để các lực lượng trên tuyến đầu yên tâm dành thời gian, sức lực cho công tác phòng, chống đại dịch thay vì phải “chống giặc trên mạng”…
Cho đến giờ phút này, khi các ca Covid-19 đã giảm dần từ hơn 10 ca mỗi ngày xuống 1-4 ca/ngày, thậm chí có nhiều ngày chỉ có 1-2 ca, ông đánh giá thế nào về hiệu quả trong giãn cách cách hội?
- Những biện pháp chúng ta thực hiện thời gian qua có thể khẳng định là đúng đắn. Cách ly toàn xã hội là một trong những giải pháp mạnh mẽ nhất mà chúng ta đang thực hiện để phòng chống dịch Covid-19.
Người dân cần thực hiện nghiêm túc yêu cầu giãn cách xã hội, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho bản thân. “Đeo khẩu trang, rửa tay” chính là vắc xin phòng virus SARS-CoV-2 hiệu quả nhất hiện nay.
Vài ngày qua, quả thật có xu hướng các ca mắc mới đã xuất hiện ít đi, mỗi ngày còn 1-4 ca, nhưng chúng ta tuyệt đối không được chủ quan. Vì hiện nay, qua phân tích dịch tễ, theo dõi các yếu tố liên quan, chúng tôi nhận định có 1 số ca Covid-19 đã lọt ra ngoài cộng đồng, lây lan trong cộng đồng.
Do đó, nếu người dân thấy ca bệnh có xu hướng giảm bớt mà chủ quan, lơ là phòng chống dịch thì sẽ rất dễ mắc bệnh từ ca Covid-19 “chưa lộ mặt” trong cộng đồng.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam chuẩn bị tất cả các kịch bản, kể cả những kịch bản xấu hơn thực tế hiện nay. Chúng ta liên tục cập nhật các tình huống, tất cả đang trong thái chuẩn bị kỹ lưỡng, khi có tình huống xảy ra lập tức có thể triển khai. Chúng ta vẫn chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp, không thể bị động, hoàn toàn chủ động trong vấn đề phòng chống dịch.
Kiên trì thực hiện nguyên tắc chống dịch từ ban đầu (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, điều trị, dập dịch); truy vết ca bệnh kết hợp với các biện pháp cách ly xã hội vẫn là những giải pháp hiệu quả nhất trong phòng, chống Covid-19 cho tới thời điểm này.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!