15 ngày cách ly toàn xã hội và những điều chưa từng có ở Việt Nam

Ngày 15/04/2020 08:24 AM (GMT+7)

Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Những đáp ứng phòng dịch COVID-19 ở Việt Nam trong thời gian qua, chưa từng có tiền lệ, trong đó cách ly xã hội, giãn cách xã hội là biện pháp mạnh nhất".

Việt Nam đã trải qua 15 ngày “chưa từng có”, khi toàn dân thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ cách ly xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Đã có nhiều kết quả khả quan công tác phòng chống dịch khi người dân đồng lòng ủng hộ Chính phủ cũng “ở nhà”.

Nhận định về tình hình dịch Covid-19 trong thời gian này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ, với dân số đông, đường biên giới với Trung Quốc dài và là một trong những nước đầu tiên có ca Covid-19, Việt Nam được đánh giá là nước có nguy cơ cao bùng phát dịch Covid-19. Nhưng đến nay, chúng ta là nước đứng thứ 103 trong tổng số gần 212 nước và vùng lãnh thổ có ca mắc Covid-19 và là 1 trong 3 nước có số ca trên 200 mà chưa có người tử vong.

“Đây là những con số “biết nói” cho thấy sự lãnh đạo đúng, sự thực thi đúng trong phòng chống dịch Covid-19 hiện nay. Và khi đã đúng thì chúng ta có lòng tin trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

15 ngày cách ly toàn xã hội và những điều chưa từng có ở Việt Nam - 1

Tính đến nay 18h ngày 14/4, Việt Nam có 266 ca mắc Covid-19. trong đó 160 người từ nước ngoài chiếm 60,2%; 106 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 39,8%.

Trong giai đoạn 2, xuất hiện nhiều ổ dịch lớn, có thể kể đến ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) với 45 ca mắc, ổ dịch quán bar Buddha (TP.HCM) với 18 ca mắc. Hiện đang có ổ dịch phức tạp tại thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) với 10 ca Covid-19 đã được ghi nhận, kéo theo nhiều ổ dịch nhỏ liên quan như chợ hoa Mê Linh, Công ty Samsung.

Giai đoạn 2, tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam cũng có nhiều thay đổi. Nếu giai đoạn trước là người nhập cảnh ở Vũ Hán (Trung Quốc) thì nay nguồn lây đã thay đổi. Một “làn sóng” những bệnh nhân Covid-19 được phát hiện từ những người nhập cảnh là khách nước ngoài, du học sinh, lao động Việt Nam, người Việt đi du lịch đến (trở về) từ các nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Mỹ...), châu Á (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Campuchia...).

Đặc biệt, chúng ta đã có nhiều ca lây nhiễm ra cộng đồng, mất dấu F0. Việt Nam đối mặt với nguy cơ dịch bệnh lan rộng nếu không có các giải pháp ứng phó kịp thời.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính Phủ đã ra Chỉ thị 16/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ thị 16 có yêu cầu toàn dân “thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày ¼ (đến hết ngày 15/4) trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh”.

Trong giai đoạn này, Thủ tướng yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác; thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.

15 ngày cách ly toàn xã hội và những điều chưa từng có ở Việt Nam - 2

- Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Trong lịch sử loài người chưa bao giờ xuất hiện dịch bệnh nào có sức tấn công mãnh liệt như đại dịch Covid-19. Đây là dịch bệnh điển hình trong một thế giới phát triển, tốc độ lây lan rất nhanh, chỉ trong một thời gian ngắn đã có hơn gần 2 triệu người mắc bệnh, gần 120.000 người tử vong.

"Quan điểm phòng chống dịch như phòng chống giặc đã giúp chúng ta nâng cao cảnh giác dịch bệnh ngay từ những ngày đầu khi dịch mới chỉ bùng phát ở Trung Quốc", Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Hiện nay đáp ứng toàn cầu để phòng chống dịch Covid-19, kể cả ở Việt Nam, chưa từng có trong tiền lệ. Vì tất cả các hoạt động phòng chống dịch ở tất cả các nước trên thế giới hiện nay đều ở mức độ cao nhất.

Đối với Việt Nam, chúng ta đã chủ động áp dụng một loạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh chưa có trong tiền lệ với quy mô lớn. Cụ thể là, lần đầu tiên chúng ta áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội. Ngay từ đầu, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo áp dụng các biện pháp phải cao hơn 1 mức so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO)…

Đặc biệt, virus gây bệnh Covid-19 cũng có rất nhiều điểm bí ẩn, do đó ngay từ đầu giới khoa học toàn cầu đã đồng loạt bắt tay vào nghiên cứu, chỉ sau 14 ngày đã có bản đồ gen, tuy nhiên vẫn còn nhiều câu hỏi về sản xuất vắc xin, thuốc đặc trị hiện vẫn chưa có lời giải…

Biện pháp phòng dịch Covid-19 của Việt Nam đã đưa lại những kết quả khả quan khi chúng ta hạn chế được các ca bệnh. Ông nhận định sao về chiến lược phòng dịch của chúng ta?

- Nhiều bài học, nhiều quan điểm, chiến lược phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam được thế giới đã có những lời khen.

Tôi có thể tóm lại các điểm lớn: Vấn đề thứ nhất chính là sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, của Nhà nước.

Khi dịch mới xảy ra thì Ban Bí Thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã chỉ đạo rất quyết liệt. Chưa bao giờ một sự kiện y tế mà cứ 4 ngày Thường trực Chính phủ họp 1 lần, 2 ngày Ban Chỉ đạo họp 1 lần và hàng ngày có báo cáo dịch, tất cả các thông tin dịch đều được cập nhật mỗi ngày vài lần.

Chúng ta đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị tham gia vào phòng chống dịch, đặt trách nhiệm cho người đứng đầu cấp Ủy và các cấp, các đơn vị. Đây là một điều rất quan trọng, vì người đứng đầu cấp Ủy phải thấy được trách nhiệm của mình để trực tiếp chỉ đạo điều hành việc này.

Vấn đề thứ 2: Chúng ta huy động được toàn dân tham gia chống dịch. Điều này có ý nghĩa để đạt được những thành quả rõ rệt. Trong công văn 79 của Ban Bí thư ngay thời đầu 30/1 đã nói rất rõ, toàn Đảng, toàn Quân, toàn dân tham gia vào công cuộc chống dịch Covid-19. Lúc đó còn chưa có tên Covdi-19. Chúng ta đã huy động ngay lực lượng quân đội tham gia vào chống dịch. Việt Nam là một ít quốc gia đã đưa lực lượng quân đội ngay vào trận chiến phòng dịch Covid-19 từ những ngày đầu.

Vấn đề thứ 3: Chúng ta đã áp dụng triệt để các biện pháp cần thiết trong vấn đề đối phó với dịch bệnh. Chiến lược phòng dịch chúng ta đã đặt rõ ngay từ đầu: “Ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị”. Đây là chiến lược bất di bất dịch mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại, là chiến lược chúng ta kiên định để thực hiện.

“Dĩ bất biến, ứng vạn biến, về biện pháp có thể linh hoạt, uyển chuyển để phù hợp với tình hình thức tế nhưng nguyên tắc chiến lược sẽ nhất quán, không thay đổi.

15 ngày cách ly toàn xã hội và những điều chưa từng có ở Việt Nam - 3

Ông có thể phân tích cụ thể hơn về nguyên tắc chiến lược phòng dịch” “Ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị” bất di bất dịch của Việt Nam?

- Ngăn chặn là ngay từ đầu chúng ta đã ngăn chặn nguồn dịch xâm nhập từ nước ngoài. Chúng ta ngăn chặn triệt để, cách ly triệt để những người nhập cảnh. Lúc đầu chỉ cách ly người từ vùng dịch về, về sau này chúng ta nâng dần từng mức độ cho từng nước, từng khu vực và đến giờ là cách ly toàn bộ người nhập cảnh. Chiến lược này rất quan trọng.

Tiếp theo là toàn bộ lực lượng y tế của Việt Nam đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo triển khai rất bài bản, từ vấn đề giám sát, cho đến phát hiện, điều trị, phân tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19…

Chúng ta đã liên tục cập nhật các tình huống, phác đồ điều trị theo kinh nghiệm điều trị của thế giới. Và mới đây, chúng ta đã ban hành kế hoạch có tất cả các tình huống ướng phó cấp độ 3 (khi có hơn 1000 ca vào cộng đồng). Chúng ta liên tục bổ sung, sửa đổi cho phù hợp thực tế, các ngành các cấp có thể triển khai phù hợp, hiệu quả.

Riêng về điều trị, chúng ta đã có một mạng lưới điều trị nối mạng với tất cả các bệnh viện chính trong vấn đề điều trị để trao đổi, chia sẻ, hội chẩn cho tất cả các người bệnh. Đó là lý do tại sao những người bệnh nặng vẫn đang điều trị tích cực. Cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có trường hợp tử vong vì Covid-19, là 1 trong 3 nước có trên 200 ca Covid-19 mà chưa có ca tử vong.

Thêm 1 ca nhiễm COVID-19 ở ổ dịch Hạ Lôi, một gia đình có 3 người cùng dương tính
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Y tế, Việt Nam vừa ghi nhận thêm 01 ca mới nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại Việt Nam lên 267 người.
Theo Diệu Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h