Theo quy định hiện hành, những cán bộ bị phơi nhiễm HIV do rủi ro nghề nghiệp được nghỉ 20 ngày hưởng lương để điều trị.
Sự việc 18 nhân viên y tế tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có nguy cơ phơi nhiễm HIV sau khi cấp cứu một ca bệnh đặc biệt đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Vấn đề dư luận quan tâm nhiều nhất đó chính là việc liệu khả năng phơi nhiễm của các y bác sĩ này đến đâu? Và họ được hưởng chế độ gì sau khi bị “tai nạn” nghề nghiệp?
Trước những câu hỏi trên, sáng 9/7 phóng viên đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Cục phòng chống HIV/AIDS về vấn đề này. Khẳng định với phóng viên, TS Hoàng Đình Cảnh – Cục Phó Cục phòng chống HIV/AIDS cho biết, nguy cơ lây nhiễm HIV đối với các y, bác sĩ trong ca cấp cứu đặc biệt tại BV Phụ sản Hà Nội là rất thấp.
“Hàng năm có hàng trăm cán bộ, y tế và công an tiếp xúc với người bị nhiễm HIV. Thậm chí có những chiến sĩ bị kim tiêm đâm vào người, nhưng khả năng lây nhiễm là rất thấp. Trong trường hợp bị kim tiêm có virus đâm vào người, khả năng lây nhiễm HIV chỉ là 0,3%, còn trường hợp máu của người nhiễm HIV bắn vào niêm mạc mắt thì khả năng lây nhiễm chỉ là 0,1%”, TS Cảnh cho biết.
Một vấn đề mà nhiều người bệnh quan tâm đó là việc, các bác sĩ đang bị phơi nhiễm HIV khi làm công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân liệu có gây nguy hiểm (lây nhiễm) cho các bệnh nhân? Về vấn đề này, TS Cảnh cho biết, HIV hoàn toàn không lây nhiễm qua tiếp xúc thông thường, nên việc các bác sĩ có nguy cơ phơi nhiễm HIV khám chữa bệnh cho bệnh nhân hoàn toàn an toàn, không có nguy cơ lây nhiễm.
Tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh
Riêng về vấn đề chế độ cho các bác sĩ, y tá bị phơi nhiễm HIV trong quá trình chữa bệnh có được hưởng chế độ nào từ nhà nước không? TS Cảnh khẳng định: “Hiện tại Chính phủ đã có những quy định rất rõ ràng về vấn đề này. Theo đó, những bác sĩ bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp, phơi nhiễm HIV trong quá trình khám chữa bệnh cho bệnh nhân sẽ được xét nghiệm miễn phí, uống thuốc dự phòng miễn phí, được nghỉ việc 20 ngày và hưởng nguyên lương để điều trị …
Còn đối với những người bị nhiễm HIV trong quá trình làm nhiệm vụ sẽ được hưởng trợ cấp 1 lần ít nhất = 30 tháng lương, được hưởng chế độ nghỉ hưu khi làm việc 20 năm. Nếu tử vong, gia đình được hưởng tử tuất, theo quy định”.
Một vấn đề nữa cũng được dư luận hết sức quan tâm đó là việc, dù đã biết bệnh nhân bị nhiễm HIV nhưng gia đình bệnh nhân không thông báo ngay cho y, bác sĩ để họ có biện pháp phòng ngừa và cẩn trọng hơn khi cấp cứu, phẫu thuật. Vậy, thái độ xử lý của người nhà bệnh nhân như thế này có phải là thiếu trách nhiệm hay không?
Về vấn đề này, ông Bùi Đức Dương, Cục phó Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, trong tình huống cụ thể này, chúng ta cũng chưa thể trách được người nhà bệnh nhân bởi khi đưa vào cấp cứu, người nhà đã rất bối rối, họ có thể không đủ sáng suốt để nghĩ tới việc thông báo; các nhân viên y tế thì phải lập tức cứu người bệnh nên không còn đủ thời gian để hỏi người nhà. Vì vậy, cả hai phía đều không có thời gian để trao đổi.
BS Khải đang thăm khám, dặn dò bệnh nhân trước khi ra viện.
Mặt khác, chúng ta vẫn phải tôn trọng sự bảo mật đối với những người bị nhiễm HIV. Theo luật của Việt Nam hiện nay, đối với trường hợp cấp cứu dù là HIV hay HIV thì đều được hưởng quyền lợi cấp cứu như nhau. Pháp luật Việt Nam bảo vệ người bệnh, cho phép người bệnh có quyền không cung cấp thông tin này. Mặc dù chúng ta biết, đối tượng nhân viên y tế là đối tượng rất dễ bị nhiễm HIV trong lúc cấp cứu.
“Theo tôi, phía người nhà bệnh nhân nếu biết thì cũng nên cung cấp thông tin để cán bộ y tế có biện pháp phù hợp hơn để phòng tránh nhiễm bệnh. Đây là lời khuyên không chỉ với trường hợp này mà đối với tất cả những ca bệnh khác”, ông Dương chia sẻ.
Trước đó, ngày 4/7, chị N.T.H cùng con trai 12 tuổi đi ô tô khách từ Quảng Ninh (nơi chị đang sống cùng nhà chồng) về Hương Sơn, Mỹ Đức (Hà Nội) thăm quê ngoại. Đi tới đoạn Phố Nối, Hưng Yên, chị thấy có hiện tượng xuất huyết âm đạo và bị ngất xỉu.
Con trai chị vội gọi điện báo cho cô ruột của cháu đang làm tại Hà Nội. Khi xe khách tới Hà Nội, chị được con và em chồng đưa ngay vào phòng Cấp cứu của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân, khi vào viện, bệnh nhân H. đã ngất lịm, người xanh tái, không biết gì, máu từ đường âm đạo chảy ra xối xả, ướt đẫm quần áo.