Theo nguồn tin riêng của Infonet, chiều nay (16/4) xảy ra một tai nạn máy bay tại đảo Phú Quý (Bình Thuận). Thông tin ban đầu có 2 chiếc Su-22 gặp nạn, hiện các lực lượng cứu hộ đang tiếp cận...
Trao đổi với PV Infonet qua điện thoại, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân cho biết, thông tin máy bay Su 22 gặp nạn tại Phú Quý, Bình Thuận là thông tin có thật, tuy nhiên cụ thể thế nào thì chưa nắm được. Hiện tại ông đang hội ý cùng Bộ Tư lệnh quân chủng.
Một chiếc Su-22 của Không quân Việt Nam (Ảnh minh họa)
Infonet cũng đã tìm cách liên lạc với ông Võ Văn Tuấn - Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam để tìm hiểu về thông tin này thì được biết, hiện ông Tuấn đang công tác tại LB Nga.
Hai chiếc tiêm kích bom Su - 22M4 này thuộc Trung đoàn 937, sư đoàn 320, chuyên bảo vệ Trường Sa.
Trong tai nạn đau buồn này, thông tin ban đầu cho hay phi công số 1 tên Nghĩa, phi công còn lại tên là Tú. Hai máy bay này khi đang tập luyện bổ nhào ngoài biển, lúc lao lên thì va vào nhau và rơi tại khu vực tỉnh Bình Thuận, cách khu vực đảo Phú Quý chừng 6 hải lý.
Máy bay trực thăng của Trung đoàn 917 đã bay ra hiện trường và đã tìm thấy vết dầu loang.
Báo VnExpress đưa tin, ông Nguyễn Hùng Tân - Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Bình Thuận - cho biết, lúc 11h35 ngày 16/4, trong lúc diễn tập, liên đội Su-22 gồm hai chiếc 58- 57; 58- 63 của sư đoàn Không quân 370 đã va chạm nhau tại khu vực cách Tây Bắc đảo Phú Quý 8 hải lý. Hai phi công nhảy dù xuống biển.
Nhận được tin báo, lực lượng biên phòng tỉnh Bình Thuận gồm 19 chiến sĩ đóng tại Phú Quý đã đến hiện trường tìm kiếm các phi công, đồng thời kêu gọi các tàu cá trên biển cùng tìm kiếm nhưng hiện chưa thấy.
Thông tin đang tiếp tục được cập nhật...
Sukhoi Su-17/Su-22 (NATO định danh: Fitter) là loại máy bay cường kích cánh cụp cánh xòe phát triển từ Su-7. Su-17/22 thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 2/8/1966, chính thức giới thiệu năm 1970 và sản xuất hàng loạt trong giai đoạn 1969 - 1990 với tổng số 2.867 chiếc xuất xưởng. Dòng máy bay này được Liên Xô xuất khẩu rộng rãi tới 33 nước đồng minh Đông Âu, Châu Á và Trung Đông. Hiện tại, sau 48 năm tung cánh trên bầu trời, Su-22 chỉ còn trong biên chế chiến đấu của 5 quốc gia. |