Linh cữu đồng chí Đức và Chính sẽ được đưa đi an táng tại Củ Chi. Linh cữu đồng chí Cường sẽ đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Linh cữu đồng chí Quân sẽ được đưa về Nghệ An theo nguyện vọng của gia đình.
Ngày 30/1/2015, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân đã làm tang lễ cho bốn chiến sĩ hy sinh trong tai nạn trên chuyến trực thăng UH-1 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (quận Gò Vấp, TP.HCM).
Nhiều lẵng hoa được lãnh đạo Nhà nước, Bộ Quốc phòng gửi đến chia buồn cùng tang quyến bốn gia đình. Trong đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có lẵng hoa chia buồn. Hàng ngàn đồng đội cũng có mặt để đưa các anh về với đất mẹ.
Nhiều đồng đội có mặt từ sớm để đưa tiễn các anh
Tham dự lễ viếng sáng nay có Thượng tướng Nguyễn Thành Cung (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), Trung tướng Võ Văn Tuấn (Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam), Trung Tướng Phương Minh Hòa (Tư lệnh quân chủng Phòng không – Không quân)…
Trong cáo phó ghi, các đồng chí hy sinh đã được thăng cấp. Cụ thể, thượng tá Trần Văn Đức được thăng cấp lên đại tá, thiếu tá Lê Hồng Quân lên trung tá, trung úy Nguyễn Việt Cường lên thượng úy. Đồng chí Đỗ Văn Chính là thượng tá quân nhân chuyên nghiệp.
Các đồng chí hy sinh được tổ chức tang lễ một cách trang trọng
Nhiều đồng đội của bốn tử sĩ đến viếng cho biết, cả bốn chiến sĩ hy sinh đều là những người rất vui vẻ, hòa đồng, chưa bao giờ làm mất lòng, xích mích với đồng đội.
"Họ luôn làm tròn nhiệm vụ. Tai nạn xảy ra là nỗi đau vô cùng lớn không chỉ cho gia đình mà còn cho tất cả các đồng đội. Hy vọng, các anh được yên nghỉ”, Trung tá Phan Văn Thuận cho biết.
Trong điếu văn, Thiếu tướng Nguyễn Kim Cách (Ủy viên thường vụ Đảng ủy, Phó chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân) đọc có đoạn: “Trong lúc làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, máy bay UH-1 đã gặp sự cố. Mặc dù đã cố gắng khắc phục, nhưng do trần bay thấp, điều kiện thời tiết xấu nên tai nạn đáng tiếc đã xảy ra. Bốn đồng chí trên máy bay đã hy sinh dũng cảm. Họ ra đi để lại sự mất mát, đau thương không gì có thể bù đắp được. Từ đây, Không quân Việt Nam mất đi bốn phi công ưu tú, đơn vị mất đi bốn đồng đội tốt, gia đình mất đi người chồng, người cha, người con mẫu mực”.
Điếu văn được đọc lên, những người có mặt trong lễ truy điệu không kìm nổi nước mắt.
Đây không chỉ là nỗi đau, mất mát của gia đình mà còn là nỗi đau, mất mát của cả đất nước
Vợ đồng chí Lê Hồng Quân xót xa cho biết, hai vợ chồng cưới nhau từ năm 2007. Đến năm 2008, chị sinh hạ đứa con đầu tiên. Đứa con nhỏ của anh chị hiện nay chưa tròn 2 tuổi. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ đó đến nay, gia đình chị vẫn phải ở nhà thuê. Chị làm nghề bảo mẫu nhưng chỉ là hợp đồng. Nỗi đau mất chồng chưa ráo, chị không khỏi lo tương lai cho hai đứa con thơ. “Gia đình ở Nghệ An nên chúng tôi mong muốn thi hài anh được chôn ở quê nhà. Ở gần, người thân có thể dễ dàng hương khói cho anh”, chị nói.
Nhiều vòng hoa được gửi đến viếng các anh
Có mặt tại lễ tang, anh Nguyễn Thanh Tùng (con trai thượng tá Đỗ Văn Chính) nghẹn ngào, cha là con thứ ba trong gia đình có bốn người con. Trong mắt anh, ông Chính luôn là người cha, người chồng tốt. Cũng vì có cha làm phi công nên anh Tùng cảm thấy yêu nghề này. Anh định trong kỳ thi sắp tới sẽ thi và tiếp nối nghề của cha. Hiện tại, cha không còn nên quyết tâm của anh lại càng vững chãi hơn.
Anh nhớ lại, hôm 28/1, đang đi học thì nghe bạn bè bảo trên báo mạng có đưa thông tin máy bay nổ. Anh vội vàng lên xem và thấy chiếc máy bay đó trong đội của cha. Tuy nhiên, anh không hề nghĩ cha gặp tai nạn. Anh cầu khấn cho cha được bình yên. Ngay lúc đó, anh trở về nhà và nhận được hung tin. Anh rất buồn, nhưng không thể gục ngã trong lúc này. Anh phải là bờ vai cho người thân tựa vào.
Vòng hoa của Chủ tịch nước gửi đến viếng
Ông Nguyễn Hữu Dũng (cha thượng tá Nguyễn Việt Cường) nước mắt dàn dụa cho biết, Cường là con út trong gia đình. Ngay từ hồi còn nhỏ, Cường đã mê mẩn máy bay. Hễ thấy máy bay ở trên trời là Cường lại thích thú nhìn. Lớn lên, gia đình không đồng ý nhưng Cường vẫn bí mật đi khám tuyển phi công. Khi biết con trai trúng tuyển, trong lòng người cha luôn lo lắng bởi ông biết đây là một nghề rất nguy hiểm. Ông không ngờ, sự lo lắng của mình lại trở thành hiện thực.
Ông nội của đồng chí Cường đang bị ung thư ở giai đoạn cuối. Do đó, khi vụ tai nạn xảy ra, ông Dũng đang ở nhà tại tỉnh Phú Thọ chăm sóc cho cha. Nhận được tin báo con trai hy sinh, ông Dũng không thể tin nổi. Ông hỏi đi, hỏi lại nhiều lần nhưng đều nhận được một câu trả lời duy nhất.
Nhiều người chia sẻ đau thương, mất mát trong "sổ tang chung"
Ông cho biết, cách vụ tai nạn xảy ra nửa tháng, đồng chí Cường đi hội thảo, đi ngang nhà nên ghé vào nghỉ phép. Khi đó, anh đưa cho cha một ít tiền và nói: “Con ở xa, không thể chăm sóc cho ông nội được. Tuy nhiên, con chi tiêu tằn tiện, tiết kiệm được một ít tiền. Con nhờ cha mua thuốc cho ông nội”. Ông Dũng từ chối và khuyên nên cất để tiêu nhưng con trai không đồng ý. Đó cũng là lần cuối cùng gia đình được gặp Cường.
Trưa cùng ngày, sau lễ truy điệu, linh cữu cả bốn tử sĩ đã được đưa lên xe về nơi an táng. Trong đó, linh cữu đồng chí Đức và Chính sẽ được đưa đi an táng tại Củ Chi. Linh cữu đồng chí Cường sẽ đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa. Linh cửu đồng chí Quân sẽ được đưa về Nghệ An theo nguyện vọng của gia đình.
Tất cả mọi người đều cúi đầu đưa tiễn bốn người con ưu tú của đất nước
Tiểu sử bốn chiến sĩ hy sinh:
1. Thượng tá phi công Trần Văn Đức, sinh năm 1961.
Quê quán: Nhân Thắng, Gia Bình, Bắc Ninh. Hiện thường trú tại Tân Bình, TPHCM.
Nhập ngũ tháng 1/1980, cấp bậc thượng tá, chức vụ: Chủ nhiệm bay Trung đoàn Không quân 917 (10/2014), phi công cấp 1 (1998), lái chính UH-1, lái phụ Mi-8, giờ bay tích lũy 1.392 giờ 30 phút. Giờ bay năm 2015: 1 giờ 20 phút.
Thượng tá Trần Văn Đức có vợ là chị Nguyễn Thị Tân, sinh năm 1970, là hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, Tân Bình. Anh chị có hai con trai, cháu lớn đã tốt nghiệp đại học, hiện làm kế toán cho một công ty liên doanh tại quận 2, TPHCM. Cháu nhỏ đang học phổ thông.
Thượng tá Trần Văn Đức là một phi công kỳ cựu có nhiều kinh nghiệm trận mạc tại Trung đoàn Không quân 370, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia những năm 1986-1989, lập nhiều chiến công. Thời gian này sĩ quan trẻ Trần Văn Đức được thăng hàm từ trung úy lên thượng úy.
Tháng 4/1999-8/2001 là phi công lái chính UH-1 với cấp hàm đại úy rồi thăng thiếu tá.
Tháng 9/2001 – 3/2003 là biên đội trưởng thuộc Phi đội 2.
Tháng 4/2003-9/2004 là Phó Phi đội trưởng, cấp hàm trung tá.
Tháng 10/2004-4/2009 là phi đội trưởng Phi đội 2 Trung đoàn Không quân 917.
Tháng 4/2009-1/2010 là Chủ nhiệm bay thuộc Phòng quân huấn Sư đoàn Không quân 370, cấp hàm thượng tá.
Tháng 2/2010-9/2014 giữ chức Phó tham mưu trưởng Trung đoàn Không quân 917.
Từ tháng 9/2014 đến nay thượng tá Trần Văn Đức giữ chức Chủ nhiệm bay Trung đoàn Không quân 917.
Linh cữu được di chuyển khỏi nhà tang lễ
2. Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp Đỗ Văn Chính, sinh năm 1963.
Quê quán: Thanh Sơn, Kiến Thụy, Hải Phòng. Hiện thường trú tại Tân Bình, TPHCM.
Nhập ngũ tháng 9/1982, cấp bậc thượng tá quân nhân chuyên nghiệp, chức vụ: Cơ giới trên không máy bay UH-1, Phi đội 2 Trung đoàn Không quân 917 (10/2014), Học viên bay Trường kỹ thuật quân sự Prunde (Liên Xô cũ), giờ bay tích lũy 1.037 giờ 10 phút. Giờ bay năm 2015: 10 giờ 45 phút.
Thượng tá Đỗ Văn Chính có vợ là chị Phạm Thị Hồng Thủy, sinh năm 1964, là điều dưỡng tại Bệnh viện quân y 175. Anh chị hai con, một trai một gái. Con gái đầu hiện theo nghiệp mẹ, cùng làm việc tại Bệnh viện quân y 175, con trai vừa tốt nghiệp trung học phổ thông. Con rể của thượng tá Chính là Thượng úy Lê Duy Cường, dẫn đường kiêm phi công, cùng công tác tại Phi đội 2 Trung đoàn Không quân 917. Bố vợ và con rể ngoài quan hệ gia đình còn thường xuyên làm việc cùng nhau trong những chuyến công tác của đơn vị.
Các linh cữu được đưa lên xe
3. Thiếu tá Lê Hồng Quân, sinh năm 1973.
Quê quán: Thanh Ngọc, Thanh Chương, Nghệ An. Hiện thường trú tại Quận 12, TPHCM.
Nhập ngũ tháng 9/1993, cấp bậc thiếu tá (năm 2012), chức vụ: lái phụ- dẫn đường UH-1, Phi đội 2 Trung đoàn Không quân 917 (4/2004), giờ bay tích lũy 518 giờ. Ngày bay gần nhất 18/11/2014; đêm bay gần nhất: 9/12/2014.
Thiếu tá Lê Hồng Quân có vợ là chị Đinh Thị Hiền, sinh năm 1980, là nhân viên hợp đồng bảo mẫu Trường tiểu học Nguyễn Du, quận 12, TPHCM. Anh chị có hai con nhỏ, một cháu sinh năm 2008 và một cháu sinh năm 2013. Hoàn cảnh gia đình Thiếu tá Lê Hồng Quân gặp nhiều khó khăn khi hiện nay anh chị vẫn phải ở nhà thuê. Sinh thời, lương sĩ quan cấp bậc thiếu tá của anh phải chu cấp cho cả gia đình vì lương bảo mẫu của chị không được bao nhiêu. Nay Thiếu tá Quân hy sinh, khó khăn của gia đình càng đè nặng lên vai người vợ trẻ.
Xe di chuyển đưa linh cữu các anh về nơi an nghỉ cuối cùng
4. Trung úy phi công Nguyễn Việt Cường, sinh năm 1989.
Quê quán: Sơn Dương, Lâm Thao, Phú Thọ. Hiện thường trú tại Nha Trang, Khánh Hòa.
Nhập ngũ năm 2007, cấp bậc trung úy (năm 2012), chức vụ: phi công chuyển loại UH-1, Phi đội 2 Trung đoàn Không quân 917, giờ bay tích lũy 135 giờ 45 phút. Ngày bay gần nhất 28/10/2014.
Trung úy Nguyễn Việt Cường có vợ là chị Lưu Ngọc Khánh Vân, sinh năm 1989, là nhân viên lễ tân Khách sạn Novotel, Nha Trang, Khánh Hòa. Hai anh chị mới lấy nhau năm 2014, hiện chưa có con, vợ chồng vẫn một chốn đôi nơi, anh vẫn ở ngay tại đơn vị.