Theo tính toán, sẽ có hàng triệu người chịu hậu quả và ít nhất thêm 529.000 ca tử vong vào năm 2050 do tác động của biến đổi khí hậu với sản xuất lương thực.
Các nhà khoa học mới đây cảnh báo rằng đến năm 2050, biến đổi khí hậu sẽ tác động xấu lên sản phẩm nông nghiệp và khoảng nửa triệu người sẽ chết.
Dự báo ảm đạm này cho biết thực tế đáng buồn xảy ra do những thay đổi không mong muốn trong chế độ ăn uống và năng suất cây trồng giảm mạnh gây ra bởi biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu dẫn đến nguy cơ giảm lượng lương thực và ảnh hưởng đến sức khỏe toàn cầu - Ảnh: Corbis
Tuy rằng tác động khắp địa cầu nhưng hầu hết các trường hợp tử vong do suy dinh dưỡng sẽ ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nước nghèo, dân cư thu nhập thấp khác ở khu vực Thái Bình Dương, Châu Á. Phần lớn người chết do tác động của thiếu trái cây, rau củ tập trung ở các nước có thu nhập cao như Châu Âu và Bắc Mỹ.
Tiến sĩ Marco Springmann, từ Chương trình Martin Oxford Tương lai thực phẩm tại Đại học Oxford (Anh) viết trên tạp chí The Lancet rằng thay đổi khí hậu có thể làm giảm sản lượng lương thực vào năm 2050. Điều này dẫn đến việc thực phẩm cung cấp cho mỗi người trung bình/ngày sẽ ít hơn khoảng 3,2% (99kcal/ngày), lượng trái rái cây, rau củ giảm 4% (14,9g/ngày), thịt đỏ 0,7% (0,5g/ngày).
Tiến sĩ này lo ngại những thay đổi trong vấn đề thực phẩm sẽ tăng các ca bệnh mạn tính không lây (Non Communicable Disease – NCD) như tim, đột quỵ và ung thư.
Các mô hình dự báo tác động của biến đổi khí hậu với sản xuất lương thực có thể cho thấy đây là nguyên nhân khiến 529.000 ca tử vong vào năm 2050. Việc giảm lượng lương thực đưa đến dự đoán về việc giảm tỉ lệ tử vong ở người béo phì xuống khoảng 260.000 ca.
Tuy nhiên, số người quá gầy bị chết dự đoán lại vào khoảng 266.000 ca. Việc giảm thịt đỏ ngăn chặn 29.000 ca tử vong mỗi năm nhưng giảm cả lượng rau, hoa quả dẫn đến việc 534.000 trường hợp tử vong bù lại…
Việc giảm lượng lương thực do biến đổi khí hậu đưa đến dự đoán về việc giảm tỉ lệ tử vong ở người béo phì nhưng làm tăng số người chết do quá gầy và thiếu rau củ quả - Ảnh: Corbis
“Nhiều nghiên cứu đã xem xét đến vấn đề an ninh lương thực, nhưng ít nghiên cứu tập trung vào những ảnh hưởng sức khỏe rộng lớn hơn liên quan đến sản xuất nông nghiệp... Thay đổi lượng lương thực sẵn có cũng tác động đến chế độ ăn uống và thể trọng như ít rau củ, hoa quả, nhiều thịt đỏ dẫn đến trọng lượng cơ thể cao và nguy cơ tương ứng.
Ngay cả việc giảm một phần khiêm tốn lượng thực phẩm sẵn có cũng dễ dẫn đến thay đổi năng lượng và thành phần chế độ ăn uống mà những thay đổi này lại có hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe”, Springmann giải thích.
Springmann và các đồng nghiệp đã sử dụng một mô hình kinh tế nông nghiệp với các dữ liệu dựa trên các dự đoán khí thải, và phản ứng khác nhau của môi trường về biến đổi khí hậu để đánh giá những tác động về sản xuất toàn cầu thực phẩm, thương mại, và tiêu thụ cho năm 2050.
Họ tính toán thêm số lượng các ca tử vong liên quan đến chế độ ăn uống và trọng lượng cơ thể theo một kịch bản phát triển trung bình và 4 kịch bản biến đổi khí hậu rồi so sánh với thế giới khi không có sự biến đổi khí hậu.
Giáo sư Andrew Challinor, giáo sư về Tác động khí hậu tại Đại học Leeds (Anh) cho biết: “Đây là một cố gắng dũng cảm để định lượng các tác động của biến đổi khí hậu đối với tương lai của sản xuất lương thực. Các tác giả nhấn mạnh một số vấn đề quan trọng tiềm năng về tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe tương lai chúng ta.
Tất nhiên là rất khó để ước tính chính xác những tác động nói trên, nhưng chúng ta có thể chắc chắn là những áp lực về sản xuất nông nghiệp sẽ lớn hơn do biến đổi khí hậu.
Năm này qua năm khác, thay đổi trong sản xuất lương thực càng lớn hơn, sẽ làm cho thị trường lương thực toàn cầu khó đoán trước. Và các sự kiện khí hậu cực đoan sẽ trở nên phổ biến hơn, chẳng hạn như sự thất thu lúa mì ở Nga vào năm 2010, ảnh hưởng đến giá thực phẩm Anh.
Những tác động của những sự kiện tương tự vào khả năng cung ứng lương thực toàn cầu và giá cả sẽ dễ thấy ở Anh và trên thế giới”.