Chỉ riêng trong tháng 2 cả nước đã ghi nhận 3.640 ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 3 trường hợp tử vong tại Đồng Nai và Long An.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 5.200 trường hợp mắc sốt xuyết tại 38 tỉnh thành, trong đó có 3 ca tử vong. Như vậy, so với cùng thời kỳ năm 2014, số mắc tăng 27%, tử vong tăng 2 ca. Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cũng ghi nhận rải rác mỗi tháng 3-4 ca sốt xuất huyết.
TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì dịch sốt xuất có xu hướng tăng, chủ yếu ở khu vực phía nam; nhưng nếu so với giai đoạn 5 năm trước đó thì giảm đến hơn 50%. Dù vậy, tháng 7-8 mới là đỉnh của dịch, sốt xuất huyết thường bùng phát trong điều kiện thời tiết nóng nắng kèm theo mưa.
Bệnh xảy ra ở các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, bệnh lưu hành rất phổ biến, ở cả Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên, kể cả ở thành thị và vùng nông thôn. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7, 8, 9, 10.
Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 5.200 trường hợp mắc sốt xuyết tại 38 tỉnh thành
“Đỉnh dịch có sự thay đổi, năm ngoái dịch sốt xuất huyết kéo dài đến tận tháng 12 trong khi mọi năm đến tháng 10 là bắt đầu có xu hướng giảm. Việc dịch bệnh có bùng phát hay không phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân. Bệnh sốt xuất huyết đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt”, TS Phu nhấn mạnh.
Do đó để phòng bệnh, người dân cần lưu ý đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thay rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Đồng thời loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Cũng theo tiến sĩ Phu, các dịch bệnh khác tương đối ổn định, chưa có gì bất thường. Từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận hơn 5.300 trường hợp mắc tay chân miệng với 2 trẻ tử vong tại Đồng Tháp và Hậu Giang. So với cùng kỳ năm 2014, số mắc cả nước giảm 11 %, tử vong tăng 1 trường hợp.
Tương tự tại Hà Nội, các dịch bệnh như quai bị, thủy đậu, rubella đều có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chuyên gia khuyến cáo với những bệnh có dự phòng bằng văcxin người dân nên chủ động đưa con đi tiêm đúng lịch, đủ mũi. Nếu cứ thấy có dịch mới đưa con đi tiêm thì không kịp, thậm chí dẫn đến tình trạng thiếu cục bộ. Với những bệnh liên quan đến môi trường như sốt xuất huyết, tay chân miệng thì cần quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường.