3 giả thuyết vụ trẻ tử vong sau tiêm tại Quảng Trị

Ngày 22/07/2013 10:12 AM (GMT+7)

Bộ Y tế đưa ra 3 giả thuyết cần làm sáng tỏ xem đâu là thủ phạm gây ra cái chết của 3 trẻ ở Quảng Trị sau tiêm vắc xin gồm: chất lượng vắc xin, chất lượng dịch vụ tiêm và bệnh lý trùng hợp ngẫu nhiên ở trẻ.

Bộ Y tế đưa ra 3 giả thuyết vụ trẻ tử vong sau tiêm tại Quảng Trị

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương là một trong những thành viên có mặt trong đoàn chuyên gia về Quảng Trị điều tra nguyên nhân 3 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B.

GS Hiển cho biết, đến thời điểm này, đoàn chuyên gia đưa ra 3 giả thuyết gây tử vong ở trẻ ở Quảng Trị gồm: chất lượng vắc xin, chất lượng dịch vụ tiêm chủng (bao gồm vận chuyển, bảo quản vắc xin, quy trình tiêm chủng) và bệnh lý trùng hợp ngẫu nhiên của trẻ.

Hiện tại, đoàn chuyên gia đang làm việc tiến hành điều tra, xác minh nên chưa thể đưa ra kết luận 3 trẻ tử vong sau tiêm là giả thuyết nào. Thời gian xác minh, đưa ra kết luận sớm hay muốn tùy thuộc vào mức độ, chất lượng các thông tin bằng chứng liên quan đến các nguyên nhân gây tai biến sau tiêm chủng.

GS Hiển cho biết, lô vắc xin gây tử vong cho 3 trẻ ở Quảng Trị là do Công ty vắc xin và sinh phẩm số 1 sản xuất, cung cấp sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia từ năm 1997 ở một số tỉnh và sau đó mở rộng ra toàn quốc vào năm 2003. Tính từ năm 2007 đến nay đã có 4,5-5 triệu liều trước khi sử dụng vắc xin Quinvaxem và  1,2 triệu liều sau khi sử dụng vắc xin Quinvaxem.

3 giả thuyết vụ trẻ tử vong sau tiêm tại Quảng Trị - 1

GS.TS Nguyễn Trần Hiển khẳng định việc tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24h đầu sau sinh là cần thiết (Ảnh MH)

VN đã từng ghi nhận trẻ tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B

GS Hiển cũng thừa nhận, đây không phải lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận các trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B. Gần đây nhất vào năm 2007-2008, đã có 10 trường hợp tử vong sau tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24h đầu sau sinh. Thời điểm đó, Bộ Y tế đã mời các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều tra đánh giá nguyên nhân 10 ca phản ứng nặng sau tiêm vắc xin trên. Kết quả là các chuyên gia của WHO cũng không tìm thấy bằng chứng tử vong là do chất lượng vắc xin và dịch vụ tiêm chủng. Đa số các trường hợp này liên quan đến việc trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý sẵn có của trẻ như bệnh tim bẩm sinh, viêm phế quản, sặc sữa, đẻ non, suy hô hấp…

 Trước câu hỏi có nên duy trì việc tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ ngay trong vòng 24h đầu sau sinh, GS Hiển khẳng định “Việc tiêm tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh là rất quan trọng vì nó sẽ phòng được 85-90% các trường hợp lây nhiễm vi rút viêm gan B từ mẹ sang con. Càng tiêm muộn, tỷ lệ này càng giảm đi”.

Việc tiêm phòng 24 giờ sau sinh thực sự đã góp phần giảm tỉ lệ nhiễm virus viêm gan B ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam, từ 15-20% vào những năm 1990 xuống còn 2% vào năm 2010, đạt mục tiêu của Tổ chức y tế thế giới khu vực Tây thái Bình Dương, và đang tiến tới khống chế tỷ lệ này xuống dưới 1% vào năm 2007, góp phần giảm tỷ lệ viêm gan mãn, xơ gan và ung thư gan ở Việt nam trong tương lai. Kinh nghiệm của các nước trong khu vực như Trung quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... cho thấy bằng việc triển khai tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh, họ đã khống chế thành công tỷ lệ viêm gan B xuống dưới 1%.

“Sau sự cố đáng tiếc xảy ra tại Quảng Trị, tôi lo sợ “lịch sử” sẽ lặp lại như năm 2007-2008, thời điểm này xảy ra các ca tai biến, lòng tin của người dân, thậm chí cả cán bộ y tế về tiêm chủng đã giảm đi. Tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24h đầu sau sinh năm 2008 chỉ còn 24%. Sau khi có kết luận của các hội đồng khoa học về nguyên nhân của các phản ứng sau tiêm nặng là không có liên quan đến vắc xin và dịch vụ tiêm chủng, mà đa số là có liên quanđến các bệnh lý trùng hợp ngẫu nhiên, Bộ y tế vẫn quyết định và tiến hành các biện pháp để nâng tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh. Kết quả tỷ lệ này đã tăng lên đáng kể, lên đến 75,5% vào năm 2012”, GS Hiển cho biết.

 Theo GS Hiển, không có vắc xin nào an toàn 100%, vẫn có một tỷ lệ rất nhỏ có phản ứng nặng sau tiêm  Phản ứng này có thể là nhẹ hay nặng tùy từng trường hợp và tùy loại VX. Những trường hợp phản ứng thông thường như sốt nhẹ, sưng, đau là những biểu hiện hay gặp phải. Tỉ lệ phản ứng nặng, gây nguy hiểm cho tính mạng, phải nhập viện thường rất thấp, ít xảy ra. Phản ứng sốc nặng cũng có thể qua khỏi nếu được điều trị thích hợp. Tuy vậy cũng có nhiều trường hợp tử vong vì một lý do khác như trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh khác của trẻ tại thời điểm tiêm chủng. Vắc xin viêm gan B là một trong những  vắc xin an toàn nhất và ít phản ứng phụ nhất vì nó là vắc xin tinh chế

“Đoàn chuyên gia sẽ sớm đưa ra kết luận nguyên nhân gây tử vong cho 3 cháu bé tại Quảng Trị sau tiêm vắc xin viêm gan B. Tuy nhiên, tôi khẳng định việc tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ ngay trong vòng 24h đầu sau sinh là cần thiết”, GS Hiển nói.

Mai Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan