Hôn nhân của họ đều rất đặc biệt khi có nhiều vợ, nhiều con nhất nhì Việt Nam.
Người đàn ông Hà Giang có 7 người vợ, 21 người con
Ở vùng núi Hoàng Su Phì (Hà Giang) có một người đàn ông nhiều vợ nhất vùng: 7 người vợ, 21 người con cùng các cháu nội ngoại. Đó là anh Thò Mí Chứ, hiện tại sinh sống cùng người vợ thứ 4 và thứ 6.
“Một người vợ đã bỏ tôi đi rồi! 4 người còn lại sống ở bên kia dãy núi cùng các con trai của tôi. Thực sự tôi không muốn tách khỏi vợ nhưng đám nhỏ nói rằng: “Chúng con lớn rồi! Bố hãy để mẹ ở cùng để giúp chúng con nữa”. Khi ấy 4 người vợ của tôi cũng đồng ý nên tôi chẳng thể nào làm khác được”, người đàn ông nói về 5 người vợ còn lại.
Thi thoảng nhớ chồng hoặc nhà có công việc gì, bốn người vợ cùng các con của anh Thò Mí Chứ lại “rủ nhau” về thăm gia đình, quây quần bên mâm cơm đặc mèn mén và chút rau rừng. Chứng kiến cảnh vợ con sum vầy, anh luôn cảm thấy ấm áp và hạnh phúc khi càng về già con cháu càng hiếu thuận, cư xử đầy nghĩa tình anh em.
Anh Thò Mí Chứ và 6 người vợ.
“Ở cái vùng này, nhà nào cũng nghèo. Tất cả làm được gì thì ăn nấy và gia đình tôi cũng vậy thôi. Tôi nghèo nhưng nhiều vợ, nhiều con – cái đó cũng được coi là phúc phần của tôi rồi! Bình thường, tôi cùng người vợ thứ sáu đi làm kiếm tiền mua cái ăn cái mặc cho đám nhỏ, còn người vợ thứ tư đã lớn tuổi lại gầy gò nên ở nhà chăm nom các con, lo việc đồng áng, nuôi gà lợn”, người đàn ông nói
Nhắc đến chuyện nhiều vợ là vi phạm pháp luật về hôn nhân, anh Thò Mí Chứ nói: “Tôi biết mình cưới nhiều vợ, có nhiều con là không đúng. Nhưng số rồi, tôi biết phải làm sao. Tất cả đều yêu thương tôi và tôi cũng thương họ thì về ở với nhau thôi. Hơn nữa, các vợ của tôi sống rất hoà hợp, chẳng có cãi vã hay ganh tị gì cả. Họ thường bảo ban nhau làm ăn, nuôi con…”.
Hiện tại anh Thò Mí Chứ có 21 người con. Tất cả đều chung sống với mẹ, duy chỉ có con của hai người phụ nữ sống cùng anh thì ở với anh. “Chúng ở quanh đây, có việc gì là sẽ chạy về nhà ngay. Ví dụ như bây giờ, tôi gọi điện cho mẹ con họ về nhà là sẽ dừng tay mọi công việc ngay. Tôi là trụ cột gia đình, tôi nói gì họ phải lắng nghe và tiếp thu”, người đàn ông dân tộc Mông nói.
Người đàn ông có 3 vợ, 7 đứa con
Tại thị trấn Đồng Văn (Hà Giang) có người đàn ông có đến 3 người vợ, 7 đứa con. Anh Sò – nhân vật chính trong câu chuyện trên thành thật cho biết: “Hơn một năm qua, gia đình tôi đã có sự thay đổi: kinh tế khấm khá; 3 người vợ hòa thuận và biết bảo ban nhau làm ăn; các con đã lập gia đình, thi thoảng đưa cháu nội cháu ngoại về thăm ông bà. Tôi mừng vì điều đó bởi ngày xưa 3 bà vợ thường xuyên xảy ra xô xát”.
Anh Sò cho biết trong mọi cuộc tranh luận của vợ, anh luôn là người đứng ra giảng hòa cho các vợ, đồng thời giải thích cho họ hiểu đã là một gia đình phải sống như thế nào. “Tôi biết mình nhiều vợ, là trụ cột gia đình mà để các vợ tranh cãi nhau như vậy là lỗi của chính mình. Tôi đã có một cuộc họp gia đình, phân công công việc cho 3 người phụ nữ.
Tôi cũng nói rõ mình luôn yêu thương cả 3 như nhau, không có sự phân biệt giữa bà cả, bà hai hay bà ba. Họ nghe xong thấy có lý nên từ đó yêu thương, giúp đỡ nhau lắm”, anh Sò tâm sự.
Anh Sò có tới 3 người vợ ở chung cùng một nhà.
Hằng ngày, anh Sò cùng chị Dính – người vợ cả sẽ chở rau củ nhà trồng được đem ra chợ bán. Còn chị Lúa – vợ hai và chị Cáy – vợ ba sẽ ở nhà đi nương rẫy, kiếm rau dại cho bò, lợn… Trưa đến, cả 3 người vợ cùng nhau chuẩn bị bữa ăn, mỗi người một việc khiến ngôi nhà trở nên ấm cúng và vui vẻ hơn rất nhiều.
“Chứng kiến cảnh đó, tôi hạnh phúc lắm. Có lúc chúng tôi cũng xảy ra cãi vã vì bất đồng quan điểm sống. Song chỉ vài hôm tất cả lại trò chuyện, cùng nhau làm việc một cách vui vẻ. Tôi luôn nghĩ đó là thành công của người giữ lửa hạnh phúc gia đình.
Còn các con đã lập gia đình, mỗi đứa ở một nơi riêng. Thi thoảng chúng lại cho đám nhỏ về nội, ngoại chơi hoặc đứa nào bận quá sẽ gửi con sang để các vợ tôi trông giùm. Tôi động viên các con trai rằng tuyệt đối không được lấy nhiều vợ, đẻ nhiều con vì đó là vi phạm pháp luật cũng như vi phạm kế hoạch hóa dân số.
Chúng nghe lời lắm vì phần nào thấu hiểu được cảnh nhà đông con, nhiều vợ như thế nào. Giờ tôi chỉ hi vọng mọi chuyện cứ êm đềm như thế này”, người đàn ông dân tộc H’mông bộc bạch.
Nhắc đến chuyện vì sao nhiều vợ như thế, anh Sò tiết lộ dù pháp luật không cho phép đa thê, tôn trọng chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Tuy nhiên ở vùng núi giáp biên giới như quê anh, vài chục năm về trước chuyện này còn khá lạ lẫm và mới mẻ. Do vậy người đàn ông nào đến tuổi trưởng thành cũng phải có 2-3 người vợ.
Người đàn ông gốc An Giang có 4 vợ, 12 đứa con
Về huyện nghèo của Campuchia – nơi có nhiều người Việt sinh sống, hỏi thăm vợ chồng chú Quốc (62 tuổi) – chị Thảo (34 tuổi) ai cũng hay biết. Thậm chí bà con có thể kể vanh vách về mối tình bị ngăn cấm cũng như cuộc sống thiếu thốn đủ thứ nhưng luôn tràn ngập tiếng cười trẻ thơ.
Chú Quốc tự giới thiệu bản thân và gia đình: “Tôi là người Việt, quê ở Long Xuyên (An Giang). Còn bà xã có cha mẹ là người Việt nhưng sanh ở đây nên quốc tịch Campuchia. Giờ 4 đứa con của chúng tôi cũng mang quốc tịch giống mẹ bởi đều chào đời trên vùng đất này.
Vợ chồng tôi thường hay giỡn nhau rằng trong nhà chỉ có mình tôi “khác biệt” vì là người Việt Nam. Song không vì thế mà đám trẻ không biết cội nguồn và quê hương. Chúng biết cả tiếng Việt lẫn tiếng Campuchia, biết hết văn hoá của cả hai đất nước”.
Sau đó chúng tôi liền gặng: “Tại sao chú lại sang đây làm việc rồi quen với chị Thảo?”, chú Quốc cười: “Xưa ở An Giang nghèo đói quá, làm hoài chẳng đủ ăn. Thế là tôi theo đám thanh niên trong vùng sang đây làm thuê cuốc mướn với hi vọng được đổi đời.
Quả thực tôi qua đây kiếm đồng tiền dễ hơn thật nhưng cũng ham chơi bời vì chẳng có ai quản. Vì thế mà tôi mới quen được bà xã”.
Cách đây hơn chục năm – thời điểm chú Quốc sang Campuchia “khởi nghiệp” được một thời gian dài, chú đi hát karaoke cùng đám bạn vô tình thấy cô gái gốc Việt xinh đẹp lại duyên dáng nên lại gần làm quen. Khi ấy chú đã xưng “chú” và gọi bằng “cháu” bởi biết cô nàng đáng tuổi con mình.
Chú Quốc chia sẻ về cuộc đời.
Dần dần chú Quốc và chị Thảo bén thân, giống như bạn bè tri kỷ, tâm sự đủ chuyện trên đời. Một ngày chú quyết định lấy hết can đảm tỏ tình với cô gái mặc dù trong thâm tâm biết rõ “phần thắng” nhất nhỏ. Ngờ đâu chị đã gật đầu đồng ý làm vợ của chú.
“Thế là tôi có vợ ở bên này. Ngày đó bà xã xinh đẹp, có nhiều trai trẻ nhòm ngó lắm. Vậy mà cô ấy lại lựa chọn người đàn ông già, có đến 3 vợ cũ và 8 đứa con riêng. Có lẽ là duyên nợ đời nên buộc phải gắn kết bên nhau”, chú Quốc thẳng thắn nói.
Lúc này chúng tôi “mắt chữ A miệng chữ O”, người đàn ông 62 tuổi như hiểu ra điều gì đó liền lên tiếng giải thích: “Thảo là vợ thứ 4 của tôi, trước đó tôi có 3 người vợ bên Việt Nam, vợ cả chỉ thua tôi 2 tuổi.
Cái này ít ai ở đây biết vì tôi không có kể ra. Song tôi xin khẳng định tôi ly hôn vợ này mới đến vợ kia, chứ không phải “đa thê” cùng một lúc. Hiện tại tôi có tổng 12 đứa con: 4 đứa sống tại Việt Nam, 8 đứa ở bên này. Hơn phân nửa đám con đã có gia đình. Thi thoảng chúng lại sang đây thăm tôi rồi nhận anh nhận em".
Chú Quốc không tiết lộ chuyện có 3 đời vợ trước khi quen chị Thảo nhưng chị và gia đình đều biết rõ. Đây chính là lý do khiến gia đình chị phản đối, không chấp nhận có con rể lớn tuổi.
Đám cưới của chú Quốc và chị Thảo không có sự xuất hiện của bên ngoại nên chỉ có vài mâm cỗ thiết đãi bạn bè và đồng nghiệp. Khoảnh khắc ấy chú rất thương vợ bởi biết sẽ tủi thân, buồn chán. Chú tự nhủ sẽ cố gắng làm lụng để vợ không chịu thiệt thòi, không ân hận khi cưới mình làm chồng.
“Hơn chục năm lấy nhau, dù cuộc sống còn khó khăn nhưng mẹ con tôi chưa phải chịu khổ lần nào cả. Vì thế tôi không hề ân hận khi cưới anh Quốc làm chồng. Tôi chỉ có một nỗi niềm trăn trở, mong cha mẹ hãy tha thứ và chấp nhận con rể, cháu ngoại. Mọi chuyện đã qua lâu rồi, tôi cũng không khổ sở gì cả”, chị Thảo chia sẻ.
Hiện tại, chú Quốc mưu sinh bằng công việc thợ hồ với thu nhập 500.000 đồng/ngày, còn chị Thảo ở nhà nội trợ. Số tiền đó chỉ đủ để gia đình 6 miệng ăn chi trả phí sinh hoạt, tiền học hành… Vì thế chú không thể thực hiện được ước mơ quay trở về Việt Nam sinh sống.