4 người phụ nữ miền Tây sở hữu thú cưng độc lạ, chiều hết mực và nhất định không bán dù giá cao

NGỌC HÀ - Ngày 28/01/2024 14:30 PM (GMT+7)

Cả 4 người phụ nữ miền Tây đều cưng chiều thú cưng, chăm sóc kỹ càng và không tiếc tiền mua đồ ăn cho chúng.

Người phụ nữ xây phòng ngủ, đầu tư trang sức cho... heo

Chị Thắm (SN 1985, Đồng Nai) nổi tiếng trong vùng bởi sở thích đặc biệt – nuôi và coi heo như con ruột. Chị mưu sinh bằng nghề bán cơm, cá viên chiên ở khu tái định cư tại Trảng Bom. Chị có chồng và 3 người con nhưng luôn khao khát một ngày nó đó có thể nuôi một chú heo trong nhà.

Hôm đó, chị Thắm đi chợ tình cờ thấy bầy heo sữa được người ta rao bán. Chị liền nảy ra ý định chọn lựa một con về nuôi. “Tôi không có ý định mua con này đâu vì nó nằm ở xa, phía bên trong lận. Tôi chuẩn bị lựa thì nó phóng ra, đưa ánh mắt nhìn tôi giống như muốn thuộc về tôi. Vì thế tôi quyết định chọn nó”, người phụ nữ 38 tuổi nhớ lại.

Rước chú heo sữa về nhà, chị Thắm đã đặt tên cúng cơm là Đen, thậm chí còn lấy họ Phan của chị và lót là Văn. Chị bắt đầu yêu thương và chăm sóc nó như chính 3 đứa con của mình. Chị cho ăn, tắm rửa, thậm chí xây dựng cả phòng riêng có đầy đủ giường nệm, chăn và nhà vệ sinh.

Có lẽ người ta bảo tôi gàn dở khi làm phòng ngủ riêng cho Đen. Song ai nuôi thú cưng sẽ hiểu được cảm giác của tôi, luôn muốn dành điều tốt nhất cho nó. Giống như các bạn nuôi chó mèo vậy, cần có chuồng để chúng ngủ chứ”, chị Thắm nói.

Thú cưng của chị Thắm.​​​​​​

Thú cưng của chị Thắm.​​​​​​

Nếu xây phòng cho Đen ngủ, chỉ cần vào mét vuông là ổn. Vậy tại sao chị làm lớn như thế?”, khi được hỏi, chị Thắm thật thà cho biết đôi khi quá nhớ nó, có thể xin chồng sang ngủ cùng. Khi ấy chị nằm ngủ trên chiếc giường gỗ, còn nó nằm dưới nệm. “Hai mẹ con cứ thế ngủ ngon, cảm giác thật tình cảm. Đôi lúc tôi thấy mình cưng chiều nó hơn cả ba đứa con vậy á. Chồng tôi cũng đùa rằng tôi yêu nó hơn anh”, chị cười.

Không chỉ xây phòng riêng cho heo ngủ, chị Thắm còn đầu tư trang sức để Đen “diện” cho đẹp. Chị đã sắm một chiếc dây chuyền để đeo vô cổ nó, tạo cảm giác thân thuộc giống như một người bạn, người con của chị.

Nhắc đến chuyện có thường xuyên tắm cho Đen hay không, chị Thắm cho hay ngày nào cũng tắm bằng sữa tắm riêng biệt. Sau đó chị dùng khăn bông làm khô nó rồi xịt nước hoa cho thơm phức. Khi ấy nó sẽ không bao giờ tỏa ra mùi hôi giống như đồng loại ở trong chuồng.

Về chuyện ăn uống, chú heo này được chủ “cưng chiều” hết mực. Nó không phải ăn cám hay rau chuối, ngược lại ăn chay: cơm rưới nước tương và rau củ muối chua. Thi thoảng chị Thắm lại đổi bữa bằng cách cho ăn bắp ngô sống.

Nó còn ăn được cả bánh kẹo nữa. Ngày đón về nuôi, nó nặng chừng hơn 1 ký thôi. Giờ mới 8 tháng mà nặng 100 ký rồi. Nó to lớn đến độ tôi ôm một vòng tay không xuể, vì thế lâu lắm rồi có được ôm ấp gì đâu, chỉ dám hôn thôi”, chị Thắm chia sẻ.

Người phụ nữ tắm cho Đen.

Người phụ nữ tắm cho Đen.

Nhiều người thấy chị Thắm nuôi Đen, độc mồm độc miệng nói “quay thì ngon”, “giết thịt chắc thơm”… Điều đó khiến chị cảm thấy buồn một chút và tự nhủ sẽ nuôi nó đến khi nào chết thì chôn hoặc đen thiêu, chứ nhất định không chịu mổ lấy thịt.

Từ ngày nuôi Đen, chị Thắm cũng từ bỏ việc ăn thịt heo và thịt gà. Chị bộc bạch: “Xưa tôi vẫn ăn thịt heo đó! Song từ lúc nuôi nó, tôi không ăn nữa vì cảm giác nếu ăn sẽ thấy tội lỗi, giống như ăn thịt của chính con mình. Giờ tôi chỉ ăn rau quả và cá thôi. Hôm bữa tôi tâm sự với nó rằng “con hãy giúp mẹ có tiền mua mảnh đất”. Chắc mọi người sẽ thắc mắc vì sao tôi muốn mua đất nhỉ? Vì tôi muốn sau này nó chết, chôn ở đó rồi xây ngôi mộ, có tấm bia hẳn hoi”.

Người phụ nữ cưng chiều vịt hơn cả con gái

Ở ngã tư Hưng Long (Lai Cậy, Tiền Giang) có một người phụ nữ ngoài 60 tuổi cưng chiều một “cô bé” vịt như chính con ruột. Đó là bà Tư – chuyên bán đồ chay ở miền sông nước, được người dân mệnh danh là bà chủ của Mickey.

Mở đầu câu chuyện, bà Tư giải thích lý do vì sao lại sở hữu biệt danh trên: “Sở dĩ người ta gọi tôi là bà chủ của Mickey bởi tôi có nuôi một bé vịt cái và đặt tên là Mickey. Đối với tôi, bé vịt này giống như thú cưng trong nhà, tựa một số bạn trẻ nuôi chó mèo và cưng chiều nó”.

Trong một lần đi chợ bán đồ chay, bà Tư tình cờ thấy một rổ hột vịt lộn đã nở thành con. Bà say sưa nhìn chúng rồi nảy sinh tình cảm nên bỏ tiền rước một chú về nuôi. “Về nhà tôi được 2 ngày, bé vịt tỏ ra rất khôn ngoan và sạch sẽ. Nó đã nhận được rất nhiều cảm tình từ các thành viên trong gia đình tôi. Nhờ đó tôi càng trở nên yêu mến và tự hào khi đã lựa chọn được thú cưng đúng ý mình. Tôi quyết định coi và chăm sóc nó như con gái”, người phụ nữ có sở thích độc lạ nói.

Chú vịt đáng yêu nhất Tiền Giang.

Chú vịt đáng yêu nhất Tiền Giang.

Bà Tư cưng chiều bé vịt đến mức cho ngủ chung giường, sắm chăn ga và cả gối ôm để tạo cảm giác thoải mái. Đặc biệt bà sẵn sàng bật điều hoà 24/24 để bé vịt có giấc ngủ ngon. Con gái của bà Tư cho hay: “Mẹ mình còn chưng chiều Mickey bằng việc thường xuyên tắm rửa, chải lông sạch sẽ. Mẹ cũng sắm sửa quần áo, giày dép cho bé vịt nên nhìn nó như siêu mẫu ấy. Thi thoảng mình hay trêu: “Mẹ thương Mickey hơn cả con gái”".

Được chủ chiều chuộng là thế, song Mickey chưa bao giờ “hư hỏng”. Ngược lại bé luôn khiến bà Tư cảm thấy tự hào khi không bao giờ ăn đồ mặn, mỗi lần được bón đồ ăn là biết cúi đầu cảm ơn. 

Bà Tư nuôi Mickey từ thuở mới nở đến tận giờ nên nó rất bám bà. Cứ có người lạ tới chơi, nó sẽ cảnh giác hoặc chạy vào trong để trú ẩn. “Giờ không có tôi nó không chịu ăn ngủ luôn. Hơn năm qua tôi có đi được đâu lâu lâu. Bạn bè tôi bảo gửi nó cho ai đó chăm giúp rồi đi du lịch nghỉ dưỡng. Song tôi chẳng gửi ai được, kể cả con gái ruột.

Thi thoảng nhà có việc cần đi vắng trong ngày, tôi phải chuẩn bị sẵn thức ăn và nước, để một góc cho nó ăn. Sau đó tối 20h tôi phải có mặt ở nhà, hát ru thì nó mới chịu đi ngủ… Nói chung tôi thấy nuôi nó không khác gì chăm con mọn", bà Tư kể.

Nhiều người ở xa nghe được thông tin về chú vịt “độc lạ Tiền Giang” đã tò mò tìm đến để mục sở thị. Một số người đã trả giá cao để có thể sở hữu nó. Song bà Tư từ chối bán bởi đã coi nó là thú cưng thân thiết trong nhà. Bà bảo nếu nó ốm hoặc già chết đi cũng không thịt ăn, đem chôn cất đàng hoàng.

Người phụ nữ bỏ số tiền lớn mua sữa cho bê uống

Tại miền Tây, có một người phụ nữ tên Sáu (63 tuổi) nuôi dưỡng con bê giống như một đứa trẻ nhỏ. Hơn cả bản thân nó cũng khá lạ kỳ, chỉ đi theo chủ, chứ không hề thiết tha gì bò mẹ.

Bà Sáu cho biết, chú bê trên hạ sinh vào đúng Rằm tháng 7 Âm lịch. Lúc đầu bà sai con trai chạy ra vắt sữa mẹ cho bê uống sữa. Ngờ đâu chú bê con uống đúng một đợt đã từ chối, nhất định không chịu uống tiếp.

Người phụ nữ vốn gắn bó với con bò con bê cả một đời nên không khỏi xót xa. Bà đành chạy đi mua sữa tươi cho chú bê uống với hi vọng nó có thể cầm cự được chút ít. “Từ thời ông bà – bố mẹ tôi, cả nhà đã sống dựa vào con bò con bê. Đến đời tôi cũng vậy, nó chính là vật nuôi quý giá nhất trong nhà, tạo ra nhiều tiền nhất… Nói thẳng gia đình tôi sống được đều dựa vào nó. Vì thế khi con bò đẻ con, tôi mừng rỡ lắm bởi chỉ cần nuôi vài ba tháng là xuất chuồng được.

Vậy mà, con bê đó lại dị, không chịu uống sữa mẹ. Tôi xót xa nên đã mua sữa tươi về cho nó uống. Từ hôm ấy nó chỉ uống sữa tươi thôi”, người phụ nữ 63 tuổi nói.

Chú bê suốt ngày lẽo đeo theo bà Sáu.

Chú bê suốt ngày lẽo đeo theo bà Sáu.

Không chỉ uống sữa tươi, chú bê của bà Sáu có một thói quen rất lạ mà đến giờ vẫn chưa có ai có thể lý giải được. Đó là thay vì theo bò mẹ, chú bê chỉ thích đi theo bà, bất kể sáng hay chiều.

Nó hay lắm nhen. Tôi cứ đi đâu là nó theo sau không hà! Nhiều lúc tôi cũng muốn “cắt đuôi” nó để làm việc này việc kia ấy nhưng mà không được. Người ta bảo con bê này do một người thân trong nhà hoá kiếp nên cứ thích theo chủ. Tôi không mê tín đâu nhưng đôi lúc cũng muốn tin đó là một người nào đó. Hơn nữa, nó sinh vào đúng ngày tháng mà mẹ chồng của tôi qua đời đó. Thật trùng hợp!”, bà Sáu nói.

Thời gian đầu, bà Sáu chật vật khi phải nuôi con bê này. Bà bảo cứ 5 ngày, nó sẽ uống hết 1 thùng sữa tươi trị giá 300.000 đồng. “Tôi đã chi gần 4 triệu đồng để mua sữa cho nó uống trong thời gian dài! Vì thế tôi cũng chẳng còn khả năng để tiếp tục nuôi dưỡng nữa. Song tôi không muốn dựa dẫm vào các con nên đã đi làm mướn, gieo đậu cho người ta lấy tiền mua sữa”, bà Sáu bộc bạch.

Khi nhắc đến chuyện bán con bê đi, bà Sáu thành thật nói rằng sẽ chẳng có ai mua lại nó. Bởi mục đích của người ta mua về là thả ra đồng, đợi ngày lớn sẽ bán hoặc sử dụng sức lao động của nó, chứ không ai mua về rồi nuôi bằng sữa tươi cả. Hơn nữa bà không có ý định bán bởi luôn có cảm giác thân thuộc với nó.

Người phụ nữ sở hữu con cua đinh siêu khủng

Ở Phong Điền (Tp Cần Thơ), có một người phụ nữ vô cùng đặc biệt: ở biệt thự, sống giản dị và sở hữu con cua đinh “siêu khủng” – được người dân mệnh danh là con cua đinh lớn nhất nhì Việt Nam.

Và người phụ nữ được nhắc đến là chị Huê - chủ của căn biệt thự rộng hàng nghìn mét vuông, chủ nhân của con cua to khủng nhất vùng. Chị cho biết: “Năm 1990, anh tôi có mua lại của người dân một con cua đinh chừng nửa ký. Tôi thấy bảo họ vừa đánh bắt lên bờ thì anh mua với giá 500.000 đồng/con, trong khi giá vàng tại thời điểm đó chỉ 300.000 đồng/chỉ. Có nghĩa, loài cua đó rất giá trị, đắt hơn cả vàng.

Anh mua về nuôi nhằm phục vụ cho mục đích phối giống, sinh sản của đinh con để bán ra thị trường, phục vụ nhu cầu ăn thịt của người dân”.

Cách đây chục năm, con cua khổng lồ đã không còn khả năng phối giống. Lúc này vợ chồng chị Huê quyết định giữ lại nuôi bảo tồn và làm cảnh, thả trong hồ để chúng được vùng vẫy giống như đàn con đàn cháu của mình.

Con cua đinh khổng lồ.

Con cua đinh khổng lồ.

Gần đây, tôi mới quyết định xây cho nó “ngôi nhà” trên mặt đất rồi bơm nước sạch, thả vào trong đó. Nó được chăm sóc chu đáo, ngày ăn mấy lận liền.

Thức ăn của nó là ức gà, ốc, cá hoặc cua... chừng 200 gram/ngày. Nó cứ ăn no là thả mình trong dòng nước. Tôi nhìn mà thấy cuộc sống cũng ung dung ghê”, người phụ nữ tâm sự.

Trước câu hỏi vì sao cua lại giống ba ba và to khủng như vậy, chị Huê từ từ giải thích về loài này. Chị cho biết cua đinh là động vật thuộc lớp bò sát, họ Ba ba, bộ Rùa, có tên khoa học là Tryonychidae. Chúng phân bố ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ, có chất lượng thịt rất ngon, ngọt, thơm và thường dùng để chiêu đãi khách quý hoặc trong buổi tiệc sang trọng.

Về con cua đinh có tuổi thọ lên tới hơn 30 năm, chị Huê tiết lộ có cân nặng gấp mấy chục lần cua đinh khác. “Cua đinh sau 3 năm nuôi, trọng lượng đạt từ 4 – 5 kg/con. Còn con kia cũng không rõ bao kg nữa vì lâu rồi gia đình tôi không cân. Nhưng tôi phỏng đoán nó phải cỡ cân của tôi, khoảng 50 đến 60 kg vì trông to thế kia mà”, chị Huê cho hay.

Đám cưới độc nhất vô nhị tại Phú Thọ: Hai anh em ruột tổ chức lễ cưới cùng ngày, mẹ chồng dắt 2 con dâu vào lễ đường
Được biết, đám cưới có 1-0-2 này được tổ chức vào ngày 20, 21/1 vừa qua tại Đoan Hùng (Phú Thọ).

Đám cưới

Theo NGỌC HÀ
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Độc lạ Việt Nam