Họ đều được người thân đặt cho cái tên đặc biệt, gửi gắm ước vọng tương lai.
Chàng trai An Giang được bà nội đặt cho cái tên quý giá
Gần chục năm trước, dư luận được phen xôn xao trước chuyện nam sinh ngành nuôi trồng thủy sản của Đại học An Giang sở hữu cái tên độc, lạ và hiếm lên nhận giải thưởng Sinh viên 5 tốt cấp Trung ương. Đó là chàng trai Nguyễn Văn Ru By – quê An Giang.
Nguyễn Văn Ru By tiết lộ, cha của anh cũng có cái tên độc lạ và hiếm không hề thua kém anh chút nào – Nguyễn Văn Ru Be. “Tên của mình do chính bà nội đặt cho. Mình là đứa cháu trai đầu tiên của bà nên được yêu thương và quý mến vô cùng. Bà quyết định đặt luôn là Ru By, có nghĩa là hồng ngọc, đá quý. Đặc biệt, nó cũng khá hợp vần với tên của ba mình – Ru Be”, chàng trai miền Tây thật thà chia sẻ.
Có lẽ bà nội của Ru By muốn cháu trai lớn lên sẽ sống đẹp như những viên đá quý! Và không phụ công mong mỏi của bà nội, anh chàng luôn dốc hết sức mình cho tập thể và cống hiến cho quê hương.
Anh chàng từng tâm sự, bản thân luôn mong muốn được đóng góp một phần công sức cho ngành thủy hải sản của địa phương, giúp bà con bớt khó khăn, có kinh nghiệm hơn trong việc đánh bắt, chăm nuôi thủy hải sản... Vì thế anh đã chọn ngành nuôi trong thủy sản của Đại học An Giang để theo học
Chàng trai Nguyễn Văn Ru By.
Năm 2014, Ru By đã trăn trở làm đề tài nghiên cứu khoa học về: Khảo sát các chỉ tiêu sinh lý của cá he đỏ giai đoạn giống. Bởi phần lớn con giống cá he đỏ được khai thác và thu gom từ các thủy vực tự nhiên, từ mùa nước nổi về. Vì thế chất lượng, số lượng cá giống không đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật. Khi nuôi thì cá có tỷ lệ sống thấp, kích cỡ không đồng đều, khó khăn khi bà con tìm mua được con giống chất lượng cao.
Hiểu những khó khăn đó, Ru By đã làm đề tài này để giúp bà con nông dân giải quyết các vấn đề, tránh những rủi ro và biết được ngưỡng sinh lý nào là thích hợp cho sự phát triển của cá và ngưỡng sinh lý nào nguy hại đến cá. Qua đó có những điều chỉnh cho thích hợp nhằm đem lại hiệu quả sản xuất cao nhất.
Sau 4 tháng miệt mài tìm hiểu, đề tài này đã khiến Hội đồng Khoa học và Đào tạo thông qua, đánh giá cao sau khi nghiệm thu với số điểm là 85,5/100.
Không chỉ học giỏi, chàng trai miền Tây còn khiến người đối diện thấy thích thú vì tài hoạt ngôn. Bạn bè thường hay trêu đùa, gọi anh bằng biệt danh “bà tám”. “Mình là bí thư chi đoàn ở trường, khi nhận thông tin ở đoàn cấp trên, triển khai các phong trào và đặc thù công tác đoàn là phải nói rất nhiều, khích lệ các bạn cùng tham gia. Vì thế mình phải nói rất nhiều và mỗi lần mình phát biểu là các bạn đều hứa sẽ tham gia”, Ru By nói.
Ngoài các hoạt động ở trường, Ru By còn thích đi tình nguyện, đi nhiều nơi xa, ở qua đêm tại các hộ dân, đi đào kênh, loại bỏ rác ở rạch… Anh chàng bảo đó là cơ hội để bản thân tận mắt nhìn thấy những người có hoàn cảnh khó khăn, tận tay mình được giúp đỡ họ.
Nhắc đến gia đình, Ru By chia sẻ: “Gia đình mình thuộc diện nghèo khó ở quê, ba mẹ đều rất vất vả làm lụng để lo cho anh em mình được đi học. Khi đêm xuống, ba mẹ thay vì nghỉ ngơi lại chuẩn bị thùng, xô đi mua cá ở chợ huyện về để bán.
Thấy ba mẹ cặm cụi làm việc từ đêm đến sáng, mình đã rơi nước mắt rồi tự hứa sẽ cố gắng học tập để hoàn thiện bản thân có thể giúp ba mẹ đỡ khổ đỡ nghèo”.
Người đàn ông Hà Tĩnh được bố đặt cho tên đầy ý nghĩa
Anh Lê Téc Nen (SN 198, Hà Tĩnh) từng khẳng định gia đình anh là người Việt chính gốc, còn cái tên xuất phát từ tình thương yêu, mong muốn của cha anh.
Hồi nhỏ, anh Nen bị còi xương và chậm lớn nên 3 tuổi mới biết đi. Vì thế ở nhà đã gọi anh bằng cái tên vô cùng thân quen: Cu Tí. Sau đó anh được cha “cải tên” bằng tiếng Pháp. “Bố tôi từng tham gia công tác giảng dạy, lại được học bài bản nên biết đến 5 thứ tiếng, trong đó bố đam mê nhất là tiếng Pháp.
Bố thấy tôi còi cọc, chậm phát triển, sợ khó nuôi nên đã tìm một cái tên bằng tiếng Pháp để thay thế cho tên Cu Tí. Bố suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng chọn cái tên Lê Téc Nen với tên gốc tiếng Pháp là L'eternel, có nghĩa là trường tồn, vĩnh cửu. Và mong muốn của bố khi đặt tên này cho tôi đã thành sự thật. Bởi từ lúc lớn, tôi không phải vào bệnh viện vì những bệnh nọ, bệnh kia”, người đàn ông miền Trung tự hào.
Gia đình nhỏ của anh Nen.
Không chỉ riêng Nen, 4/6 anh chị trong nhà đều được cha anh đặt cho những cái tên rất lạ theo tiếng nước ngoài. Theo đó, anh chị em của anh có tên lần lượt là là Lê Puya, Yvôn, Téc Nen, Rô to. Đặc biệt mỗi tên này đều mang những ý nghĩa, gắn với những điển tích của Pháp cũng như mong muốn kỳ vọng của người cha.
“Tất cả mong muốn của bố gửi gắm vào anh chị em chúng tôi đều thành sự thật. Chúng tôi đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, luôn đoàn kết và hòa thuận”, anh Téc Nen tâm sự.
Mang cái tên khác người, anh Nen cũng không tránh khỏi những rắc rối khi đi học. Anh kể ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, anh thường xuyên được các thầy cô giáo chú ý, nhất là hay được mời lên bảng kiểm tra bài cũ hoặc làm bài tập.
Chưa dừng ở đó, anh Nen gặp không ít khó khăn khi làm chứng minh thư chỉ vì có cái tên phiên âm… quá lạ. Anh kể lần thứ nhất và thứ hai đi làm, do viết tên chỉ bằng chữ thường do đó, thay vì là Lê Téc Nen thì lại bị đánh nhầm thành Lê Tú Nam và Lê Tu Nên. Đến lần thứ 3, rút kinh nghiệm từ các lần trước, anh phải viết in hoa tên của mình thì cán bộ làm chứng minh thư mới đánh đúng tên là Lê Téc Nen.
Đến khi đi học Đại học tại Đại học Bách Khoa, cái tên lạ cũng khiến cho anh Nen gặp phải không ít những câu chuyện dở khóc dở cười. Anh nhớ lại: “Vào giờ học tiếng Pháp, khi tôi giới thiệu tên mình, cô giáo cứ tưởng là tôi đùa. Sau đó, cô hỏi đi hỏi lại xem chính xác tên tôi là Vĩnh hay Cửu. Khi biết chính xác tên của tôi, cả cô lẫn trò đều cười”.
Về nhà vợ ra mắt, anh giới thiệu với gia đình mình tên Lê Téc Nen khiến tất cả đều lạ và ngạc nhiên. Sau đó mọi chuyện diễn ra bình thường. “Gia đình vợ tôi gốc Trung nên cách đặt tên cũng có phần nào đó lạ lẫm. Mọi người trong gia đình tôi luôn yêu thương, đùm bọc nhau và thay vì gọi tên đúng là Téc Nen thì đôi lúc, vợ tôi lại quay về gọi là Cu Tí…”, anh Nen vui vẻ nói.
Chàng trai Đồng Tháp có tên lạ, gửi gắm ước vọng của cha
Ông Hảo (Hồng Ngự, Đồng Tháp) vốn là người thích đọc nên hiểu biết rất nhiều về các vĩ nhân trong và ngoài nước. Ông thích nhất cố Chủ tịch nước Cuba – Phidel Castro. Ông bảo bản thân “khoái” vị lãnh tụ Cuba bởi tình tình trung can và nghĩa khí, tư tưởng giỏi giang hơn người. “Hồi chưa có con, tôi luôn hi vọng sau này con được như ngài ấy, không thì chỉ cần bằng một nửa cũng toại nguyện rồi”, người đàn ông miền Tây từng cho hay.
Năm 30 tuổi, ông Hảo lập gia đình rồi người con trai đầu lòng chào đời. Ông hạnh phúc đến ủy ban xã làm giấy khai sinh cho con với cái tên Đỗ Phi ĐenCacstrô. Ông kể: “Lẽ ra tên của con trai tôi phải viết là Phiden Castro mới đúng. Song cán bộ tư pháp không biết phải viết như thế nào nên viết thành Cacstrô. Họ thêm chữ “c” vào nên nhìn mất hay nhưng lúc đó tôi không để ý tới, sau này biết thì không sửa được nữa rồi”.
Cũng theo ông Hảo, vợ ông không hề biết Phidel Castro là ai, chỉ biết đó là một vị lãnh tụ vĩ đại ở nước ngoài. Khi thấy ông cương quyết đặt tên con là vậy bà buộc phải đồng ý với hi vọng sau này con lớn khôn thành tài là vui!
Ông Hảo và con trai.
Từ lúc khai sinh cho con, vợ chồng ông Hảo đã gọi tên con trai theo đúng tên gốc “Các trô”. “Ban đầu bà con hàng xóm ai cũng tò mò rồi bàn tán xôn xao về cái tên của con trai tôi. Tôi kệ để họ nói chán thì thôi, dần dần cũng quen. Thậm chí có người cũng gọi nó là “Các trô” nhưng không hề biết cái tên này có ý nghĩa gì”, ông Hảo tâm sự.
Sinh ra với cái tên độc và vô cùng ý nghĩa, con trai của ông Hảo nay đã trưởng thành và có thành tựu đáng kể trong sự nghiệp để cha tự hào. Anh tâm sự lúc nhỏ không mấy bận tâm đến tên “Các trô” của mình cho lắm. Song đến lớp 3, thầy cô giáo thắc mắc – bạn bè tò mò nhiều thì anh mới biết cái tên của mình thật lạ. Anh đã đem nỗi băn khoăn về cái tên để hỏi cha.
“Ba đã kể cho mình nghe về vị lãnh tụ vĩ đại ấy và bày tỏ ước nguyện muốn gửi gắm tất cả ước mơ của ba vào mình. Khi lớn lên, mình đã tự tìm sách báo để đọc về ông Phidel Castro và vô cùng thích cũng như tự hào tên của mình”, chàng trai nói.