3 trẻ tử vong sau khi tiêm: Không thể mập mờ đổ lỗi

Ngày 31/03/2014 20:40 PM (GMT+7)

Công an tỉnh Quảng Trị vừa thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với y tá Thuận để điều tra, làm rõ hành vi “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” trong vụ tiêm vắc xin làm ba trẻ sơ sinh tử vong vào tháng 7/2013 tại Quảng Trị.

Từ trước đến nay, đã có rất nhiều trường hợp trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin tương tự như vụ việc này  nhưng nguyên nhân chưa được đào sâu làm rõ, hoặc mập mờ quy trách nhiệm cho vắc xin có vấn đề. Phải chăng đã đến lúc những “thiên thần áo trắng” tắc trách gây chết người cũng cần chịu trách nhiệm hình sự?

3 trẻ tử vong sau khi tiêm: Không thể mập mờ đổ lỗi - 1

Nữ y tá Thuận (ảnh lớn) và những thân nhân có con em tử vong sau khi tiêm vắc xin (ảnh nhỏ).

Vô ý hay tắc trách?

Trưa 26/3, Công an tỉnh Quảng Trị đã khởi tố, bắt tạm giam y tá Nguyễn Thị Thuận (thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), cán bộ tại bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, người trực tiếp tiêm vắc xin viêm gan B khiến ba trẻ sơ sinh tử vong. Trước đó, vào tháng 7/2013, y tá Thuận và một nữ y tá khác đã trực tiếp khám, tiêm vắc xin viêm gan B cho ba trẻ sơ sinh tại bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa. Sau khi tiêm vắc xin, ba trẻ sơ sinh bao gồm hai bé gái và một bé trai có dấu hiệu tím tái và suy hô hấp nặng rồi tử vong ngay sau đó.

Sau vụ việc đáng tiếc trên, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác của bà Thuận và nữ y tá còn lại với lý do hai cán bộ này đã có sai sót trong quá trình thực hiện tiêm chủng. Trong khoảng thời gian này, báo chí và dư luận xôn xao nghi vấn cán bộ tiêm phòng đã tiêm nhầm thuốc gây co tử cung Oxytocin cho ba trẻ sơ sinh. Cơ quan công an tỉnh cũng như lãnh đạo bệnh viện đã một mực bác bỏ nghi vấn này và cho rằng không có cơ sở để kết luận. Mặc dù, cơ quan điều tra chưa kết luận sai phạm cụ thể nhưng vẫn quyết định khởi tố vụ án “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” vào ngày 10/10/2013.

Tuy nhiên, sau 4 tháng khởi tố vụ án, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị lại tiến hành hủy quyết định tạm đình chỉ và phục hồi công tác cho bộ phận trực tiếp tiêm phòng cho ba trẻ sơ sinh vào tháng 7/2013. Đến nay, cơ quan điều tra lại ra quyết định tạm giam đối với y tá Thuận và tiến hành khám xét nhà riêng, thu giữ một số nữ trang và hai sổ tiết kiệm. Nhiều người cho rằng cơ quan điều tra chưa có cơ sở để bắt giữ y tá Thuận. Nhận định về các động thái của cơ quan điều tra, luật sư Cồ Lê Huy (Công ty luật Đại Việt, Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: “Tôi thiết nghĩ bên cơ quan điều tra đã có được những dấu hiệu rõ ràng nên mới tiến hành bắt tạm giam đối với cán bộ y tế của bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa. Bởi trước một quyết định bắt tạm giam, cơ quan điều tra phải chịu sự giám sát của Viện Kiểm sát và các bên liên quan”.

“Trước đây, việc xử lý các sai phạm của y, bác sỹ còn mờ nhạt, không rõ ràng, đa phần đều được đưa về dạng giải quyết dân sự, tự thỏa thuận bồi thường nên có phần không đúng với các quy định của pháp luật. Hầu như, các sai phạm của họ đều được quy ra lỗi chứ không xác định cụ thể là vô ý hay do cẩu thả, thiếu trách nhiệm gây chết người. Việc xử lý mạnh tay của cơ quan điều tra tỉnh Quảng Trị là một việc làm đúng, nhằm chấn chỉnh lại hoạt động y tế của các cán bộ ngành này”, luật sư Cồ Lê Huy cho biết thêm.

Xử lý đúng người đúng tội

Theo thống kê, cả nước có hơn 20 trường hợp trẻ tử vong sau khi tiêm phòng. Trong đó, nhiều trường hợp trẻ bị tai biến nghiêm trọng dẫn đến tử vong đã xảy ra sau khi tiêm vắc xin 5 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B và viêm màng não mủ do HIB. Vào giữa tháng 1/2014, một bé trai 3 tháng tuổi (ngụ phường 7, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã tử vong một ngày sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem tại trạm y tế phường. Ngay sau đó, Sở Y tế Lâm Đồng đã đình chỉ tất cả các hoạt động liên quan đến tiêm chủng tại trạm Y tế phường 7, đồng thời ngưng sử dụng vắc xin Quinvaxem trên toàn tỉnh Lâm Đồng, mà không có truy cứu về trách nhiệm của cán bộ tiêm phòng.

Tháng 1/2013, một bé trai 3 tháng tuổi ở xã Yên Thường, Gia Lâm, Hà Nội, đã qua đời sau khi tiêm phòng vắc xin 5 trong 1 và uống thuốc ngừa bại liệt. Bé đã được tiêm vắc xin viêm gan B 24 giờ sau sinh và một mũi phòng lao. Trước khi tiêm mũi 5 trong 1, bé được cán bộ y tế khám sàng lọc, không sốt nên chỉ định chích. Nhưng đến sáng hôm sau, bé bú ít, có biểu hiện lả đi, gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu, 20 phút sau thì bé tử vong. Nguyên nhân bé qua đời không được xác định rõ ràng. Gia đình từ chối khám nghiệm tử thi. Điều đáng lưu ý, 121 trẻ khác tiêm cùng đợt với bé này sức khỏe vẫn bình thường.

Hành động lần này của cơ quan điều tra tỉnh Quảng Trị cho thấy sự quyết tâm làm rõ nguyên nhân gây ra cái chết cho ba trẻ sơ sinh, chứ không thể mập mờ đổ lỗi cho vắc xin. Giáo sư -Tiến sỹ Vũ Gia Hiền, chuyên gia tâm lý thuộc trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hóa - Du lịch đánh giá: “Trong thời gian vừa qua, tôi nhận thấy có rất nhiều vụ việc các trẻ sơ sinh chết sau khi tiêm vắc xin. Điều này dẫn đến một sự bất an lớn đối với xã hội và lòng tin của người dân dành cho ngành y sụt giảm nghiêm trọng. Thế nhưng, ngành y thì cho rằng những sai sót trên nằm trong ngưỡng cho phép”.

“Thực tế cho thấy, thời gian gần đây có quá nhiều vụ việc đau lòng xảy ra đối với bệnh nhân, tác động xấu đến niềm tin của người dân đối với ngành y, đặc biệt trong khâu tiêm phòng. Người dân không dám mang con em đến trạm y tế, bệnh viện để tiêm phòng cho trẻ, gây khó khăn trong công tác điều trị sau này. Hơn thế, nó tạo bức xúc trong dư luận, hoang mang cho người dân. Thế nên, ngành y cần có một sự đánh giá chặt chẽ, khách quan để tìm ra nguyên nhân gây nên những sự việc đáng tiếc trên và cho dư luận một câu trả lời thỏa đáng”.

Không thể có sai phạm trong lĩnh vực y tế

Trao đổi về vấn đề này, Tiến sỹ, bác sỹ Tạ Khánh Vân (Trưởng khoa Điều trị tự nguyện bệnh viện Nhi Trung Ương) cho biết: “Làm việc trong ngành y nên tôi hiểu những áp lực mà các cán bộ, y, bác sỹ phải gánh chịu trong quá trình công tác. Tuy nhiên, không phải vì thế mà y, bác sỹ cho phép bản thân mình sai phạm. Việc các y tá, hộ sinh có những biểu hiện tắc trách trong công tác, trong khi làm việc là hết sức nguy hiểm. Bệnh nhi cần được chăm sóc tận tình và kỹ lưỡng hơn. Người chịu trách nhiệm tiêm phòng cần tìm hiểu kỹ sức khỏe, khả năng phản ứng của các cháu với thuốc trước khi tiêm phòng. Việc này đòi hỏi sự tập trung cao độ của người làm công tác chăm sóc sức khỏe”.

Theo NGỌC LÀI - HÀ NGUYỄN
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tử vong sau tiêm vắc xin