Sở hữu khối tài sản kếch xù cùng nhiều xế hộp siêu sang, nhưng những đại gia này lại phải đi tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Nguyễn Đức Kiên, thành viên Hội đồng sáng lập ACB
Ngày 21/8/2012, thị trường tài chính trong nước rúng động trước thông tin ông Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên), thành viên Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) bị cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam về hành vi "kinh doanh trái phép".
Bầu Kiên tại các phiên tòa xét xử.
Sau thời gian bị tạm giam, tòa đã tiến hành hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đối với các tội danh của bầu Kiên. Cụ thể, bầu Kiên bị tòa tuyên án 30 năm tù giam, trong đó 20 tháng tù về tội "Kinh doanh trái phép"; 6 năm 6 tháng tù về tội "Trốn thuế", áp dụng hình phạt bổ sung bồi thường thêm hơn 75 tỷ đồng.
Chiếc Bentley Continental Flying Spur của bầu Kiên mang biển số 56P-5888 rất quen thuộc với cổ động viên và các cầu thủ của CLB Hà Nội vì thường xuyên xuất hiện tại sân vận động Hàng Đẫy.
Theo báo cáo vào năm 2010 của nhà băng, bầu Kiên không còn có tên trong Hội đồng quản trị. Nhưng ông được cho là “cổ đông chính” của nhiều ngân hàng lớn.
Trong lĩnh vực thể thao, ông Nguyễn Đức Kiên từng là Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - VPF, Chủ tịch Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội và thường được gọi là "bầu Kiên".
Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp
Bà Dương Thị Bạch Diệp (SN 1948, Bình Định) bắt đầu sự nghiệp ở vị trí công chức, ban đầu tại Chi nhánh Thủ công Mỹ nghệ Hải Phòng, sau đó về An Giang rồi Công ty Bao bì xuất khẩu của Bộ Ngoại thương (thời điểm đó), tại TP.HCM.
Năm 1984, bà bắt đầu dấn thân vào bất động sản, từ một căn chung cư tại số 72 Ký Con, phường 19 (nay là phường Nguyễn Thái Bình, quận 1). Bà mua chung cư cũ rồi cải tạo lại và bán với giá cao hơn.
Sau khi đã tích lũy được số vốn đủ lớn, bà Diệp không chỉ mua bán chung cư cũ mà bắt đầu lấn sang những sản phẩm lớn hơn như trung tâm thương mại, văn phòng làm việc… Bà Diệp từng là người đại diện theo pháp luật của 4 công ty, trong đó 2 doanh nghiệp đã dừng hoạt động, chỉ còn lại 2 đơn vị là: Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương và Công ty TNHH Nam Nam Phương.
Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp.
Năm 2014, bà từng chia sẻ với báo chí giá trị tài sản của mình có thời điểm lên mức xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, thông qua các bất động sản nắm giữ và tài sản cá nhân. Cái tên Dương Thị Bạch Diệp chỉ được dư luận biết đến rộng rãi khi bà chi gần 1.4 triệu USD để mua chiếc xe siêu sang Rolls Royce Phantom biển số 77L-7777 vào năm 2008. Thời điểm đó, đây là chiếc thứ 6 được nhập về Việt Nam và có giá trị cao nhất.
Trị giá của chiếc xe siêu sang Rolls Royce Phantom tại thời điểm năm 2008 là 1,3 triệu USD (khoảng 26 tỷ đồng).
Tháng 1/2019, Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước...", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty BĐS Diệp Bạch Dương. Nữ đại gia bị bắt tạm giam phục vụ quá trình điều tra.
Đại gia thủy sản Phan Bá Tòng
Phan Bá Tòng (SN 1975, Cà Mau) sinh ra trong một gia đình khá giả, được học hành chu đáo và rất giỏi tiếng Anh. Thời trẻ, anh rời quê lên Cần Thơ làm tiếp tân ở khách sạn, sau đó mở đại lý cung cấp hàng thủy sản sang Mỹ, chủ yếu là cá tra, basa phi lê.
Năm 2005, anh tách ra thành lập Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã. Biệt danh Tòng Thiên Mã cũng xuất phát từ đây. Thời gian sau, ông chủ trẻ lần lượt xây 3 nhà máy chế biến thủy sản; 12 trang trại nuôi trồng khép kín quy mô 100 ha,…
Tòng “Thiên mã” là người được cho là sở hữu chiếc siêu xe Hummer H2 với giá 4 tỷ đồng từ Mỹ, mang biển số tứ quý 3333 và chiếc ôtô Camry biển tứ quý 9999. Vị đại gia còn nổi tiếng ở xứ Tây Đô khi xài tiền như nước.
Tòng “Thiên mã” là người được cho là sở hữu chiếc siêu xe Hummer H2 với giá 4 tỷ đồng từ Mỹ, mang biển số tứ quý 3333.
Thậm chí, để đón tiếp một doanh nghiệp, Tòng “Thiên mã” còn chịu chơi khi cho xe ô tô, điều ca sĩ đến phục vụ hát hò và được đại gia này “típ” hậu hĩnh. Tòng từng muốn chính quyền địa phương cho phép qua Mỹ học làm phi công và mua máy bay.
Ngày 31/3/2016, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an phối hợp với Công an TP Cần Thơ tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt giữ và khám xét nơi làm việc, nơi ở của Tòng để điều tra hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 11/9/2018, TAND TP Cần Thơ đã tuyên án 18 năm tù đối với Tòng “Thiên Mã”.
Chủ tịch Alibaba Nguyễn Thái Luyện
Tối 24/9, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cho biết đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thái Luyện (34 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty địa ốc Alibaba) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nguyễn Thái Luyện là người chỉ đạo em trai là Nguyễn Thái Lĩnh cùng nhiều nhân viên lừa đảo khách hàng.
Nguyễn Thái Luyện được xác định là chủ mưu, người chỉ đạo Nguyễn Thái Lĩnh (30 tuổi, em ruột Luyện, TGĐ Công ty Alibaba) đứng tên cá nhân nhận chuyển nhượng một số lượng lớn đất nông nghiệp.
Sau đó dùng pháp nhân của công ty và các công ty con khác cùng hệ thống, tự ý lập hàng loạt dự án khu dân cư không có thật, phân lô trái luật, quảng cáo gian dối để lừa hàng khách hàng ký hợp đồng thỏa thuận, chuyển nhượng nền đất dưới dạng thổ cư, thu một số lượng tiền đặc biệt lớn từ khách hàng.
Xế hộp siêu sang Range Rover thường được Nguyễn Thái Luyện dùng làm phương tiện di chuyển.
Công ty Alibaba có 3 cổ đông gồm Nguyễn Thái Lĩnh ( giữ chức vụ Tổng giám đốc) là đại diện pháp luật, góp 10% vốn điều lệ; ông Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT) góp 80% vốn điều lệ; bà Võ Thị Thanh Mai, góp 10% vốn điều lệ.
Công ty này đăng ký kinh doanh lần đầy vào tháng 5/2016 với vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Sau 7 tháng, công ty đăng ký thay đổi lần thứ 1 tăng vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Tháng 9/2017, công ty tiếp tục đăng ký thay đổi lần thứ 3 với vốn điều lệ lên đến 1.600 tỷ đồng.
Công ty của Luyện từng quảng cáo dự kiến cuối năm 2019 sẽ bước lên sàn chứng khoán và nâng mức vốn điều lệ lên đến 5.600 tỷ. Trước thời điểm Luyện bị tạm giữ hình sự, công ty này có 24 công ty con với các tên gọi khác nhau ở những chi nhánh tại TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, có 2.600 nhân viên.