4 người nghèo bỗng dưng trúng độc đắc, có tiền tỷ trong tay và cách chi tiêu chẳng thể ngờ

NGỌC HÀ - Ngày 22/04/2023 14:30 PM (GMT+7)

Khi lĩnh tiền tiền thưởng lại biết cách chi tiêu, những người này trở thành tấm gương sáng cho bao người đang và sắp được thần may mắn gõ cửa.

Trúng số là niềm mong ước của rất nhiều người. Thực tế, khi có tiền tỷ trong tay nhờ "lộc trời", rất nhiều người không biết sử dụng đúng mục đích, ăn chơi trác táng, lao vào các tệ nạn xã hội khiến dư luận phải thốt lên: "trúng số làm gì cho khổ".

Nhưng cũng có không ít cá nhân khi lĩnh tiền tiền thưởng lại biết cách chi tiêu, trở thành tấm gương sáng cho bao người đang và sắp được thần may mắn gõ cửa.

Người phụ nữ trúng số vẫn duy trì nếp sống cũ, thường xuyên làm từ thiện

Cách đây gần chục năm, dư luận cả nước không khỏi ngỡ ngàng trước thông tin hàng loạt gia đình tại làng Đông Phước, xã An Hoà (Phú Hoà, Phú Yên) trúng độc đắc. Và khoản “lộc trời” ấy đã giúp người dân miền quê nghèo đổi đời trong phút chốc. Song họ không vì thế mà thay đổi, sống theo cách của người giàu, ngược lại vẫn giữ nguyên nếp sống giản dị, sử dụng số tiền trúng số để dựng xây gia đình cũng như quê hương.

Điển hình phải kể đến vợ chồng chị Đỗ Thị Phương và anh Phan Kiểm – người trúng liền 8 tờ vé độc đắc. Anh chị vốn thuộc hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất nhì trong làng. Ngôi nhà đang ở cũng phải gán nợ cho người khác. “Lúc lĩnh tiền thưởng hơn một tỷ đồng, vợ chồng tôi mới có tiền để chuộc nhà rồi xây dựng cho khang trang và bề thế.

Còn mấy đứa nhỏ tưởng phải nghỉ học giữa chừng để phụ giúp chúng tôi kiếm tiền thì cũng không phải lo lắng nữa! Chúng tiếp tục được đến trường học cái chữ cùng chúng bạn”, chị Phương cho hay.

Người dân ở làng nghèo miền Trung trúng độc đắc.

Người dân ở làng nghèo miền Trung trúng độc đắc.

Sau đó người phụ nữ miền Trung giới thiệu căn nhà ba tầng khang trang, có đủ đầy tiện nghi. Lúc này thấy chị Phương vẫn mặc chiếc áo cũ kỹ, mọi người liền thắc mắc. Chị cười: “Giàu vì trúng số càng phải trân trọng đồng tiền hơn. Tôi không muốn mặc đẹp ăn diện để khoe khoang cái sự giàu có đó. Tôi muốn mình vẫn là mình, vẫn giản dị và chân chất như chính là gốc gác vốn có”.

Có trong tay bạc tỷ, chị Phương đã có cuộc sống khấm khá nhưng vẫn chăm chỉ lao động. Hằng ngày chị đi bán thịt lợn ở chợ, còn anh Kiểm cần mẫn đi làm phụ hồ, rảnh lại giúp vợ.

Ngoài duy trì nếp sống cũ, chị Phương còn thường xuyên đi làm việc thiện. Chị giúp đỡ và động viên nhiều gia đình trong làng có hoàn cảnh khó khăn và hoạn nạn.

“Không chỉ riêng gia đình tôi, nhiều hộ dân trúng số trong làng sau khi có tiền đều sống giản dị và chăm làm việc thiện, không có ai tiêu xài hoang phí cả. Chúng tôi – những người trúng số mỗi khi có đợt nguyên góp hay ủng hộ tiền cho người nghèo là tiên phong đầu tiên, tự nguyện đóng góp. Tôi chỉ mong góp một chút sức lực để cứu đời cứu người, mong không ai phải chịu đói chịu khát”, người phụ nữ bộc bạch.

Người đàn ông trúng độc đắc chỉ mua một miếng thịt về chiêu đãi vợ con

Năm 1984, Công ty Xổ số kiến thiết Sông Bé phát hành vé số. Lúc đó, ông T (SN 1950, TP.HCM) thất nghiệp liền lấy vé số đi bán dạo kết hợp với nghề bơm ga bật lửa mưu sinh qua ngày. Ông và vợ ngày ngày đi rong ruổi khắp các con đường ngõ hẻm mời chào người mua. Chập choạng tối, họ lại quay trở về căn nhà mục nát được cất dựng trên thửa ruộng cha mẹ để lại.

“Hồi ấy, vé số còn khá mới mẻ đối với người dân nên tôi bán chậm lắm, đến mức chẳng đủ ăn đủ uống. Vì thế, tôi đành phải vay mượn hàng xóm, họ hàng tiền để chi trả phí sinh hoạt hàng ngày”, ông T tâm sự.

Đương lúc nợ nần chồng chất, ông bỗng trở thành đại gia vé số trong sự ngỡ ngàng của bao người. “Hôm đó, tôi đi bán vé số về muộn hơn mọi ngày vì vắng khách, còn nguyên tệp vé hồi sáng lấy ở đại lý. Tôi chán nản nhưng vẫn phải lết dậy đem chúng ra đại lý trả trước giờ quay bóng. Nghĩ thế nào, tôi bỏ tiền ra mua mấy tờ coi như thử vận may của bản thân”, ông T nhớ lại.

Khi có kết quả, ông T không kìm nén nổi sung sướng khi biết mình vừa trúng 2 giải độc đắc. Song vé số nhận thưởng của giải cao nhất chỉ 65 triệu đồng – không đủ để vợ chồng ông chi trả nợ nần. Vì thế ông chẳng dám mở tiệc chiêu đãi vợ con, thậm chí lĩnh tiền xong vẫn đi làm vé số và bơm ga bật lửa.

Thấu hiểu hoàn cảnh của người đàn ông ki cóp này, trời thương tiếp tục cho ông trúng thêm 6 giải độc đắc liền một lúc với tổng giá trị giải thưởng lên tới 1.5 tỷ đồng. Lúc này người dân nghèo trong xã đều hi vọng được một bữa no khi ông mở tiệc chiêu đãi. Ngờ đâu ai cũng thất vọng bởi chẳng có buổi tiệc linh đình nào cả. Thay vào đó họ thấy cảnh vợ ông đạp chiếc xe cà tàng ra chợ mua một miếng thịt lợn nướng sẵn để thiết đãi cả nhà.

Ngôi nhà của vợ chồng ông T.

Ngôi nhà của vợ chồng ông T.

“Là sự thật, chứ không phải mọi người thêu dệt lên đâu. Ngày đó tôi vừa nhận tiền tỷ xong liền đưa cho bà xã vài trăm ra chợ mua miếng thịt nướng về làm lễ cảm tạ trời đất. Đó là lần đầu tiên tôi được chứng kiến các con được ăn một bữa ngon đến vậy”, ông T tâm sự.

Nhắc đến việc vì sao lại tằn tiện như vậy, ông T cười bảo xưa cha mẹ ông cũng thuộc diện giàu có trong xã. Song so với anh em trong nhà, ông phải chịu nhiều thiệt thòi về thể xác. “Hồi nhỏ, tôi lên cơn sốt cao rồi bị co giật, đôi chân bị liệt và cứ dần teo tóp. Tôi đã không khuất phục, tập đi bằng sự giúp sức của đôi bàn tay chống vào đầu gối.

Còn về cách chi tiêu, ba tôi đã dạy anh em tôi rằng phải chi tiêu hợp lý, biết chắt chiu từng đồng từng hào lúc khỏe mạnh để khi ốm đau có chỗ “nương nhờ”. Vì thế đi ngoài đường thấy cái chai hay đồ gì dùng được bị vứt bỏ sẽ thu gom lại để đến lúc cần sẽ đem gia dùng”, ông T nói.

Nhờ đức tính “siêu tiết kiệm” và nghĩ xa, ông T đã gửi toàn bộ số tiền trúng số vào ngân hàng. Vì thế các con của ông đã được học hành đầy đủ, thậm chí còn có người còn được sang Nhật học tập và làm việc.

Anh “khờ” trúng độc đắc khiến cả vùng ngỡ ngàng

Hứa Hoàng Hôn (SN 1982, Cần Thơ) vốn không được thông minh lanh lẹ như bạn bè cùng trang lứa nhưng rất chăm chỉ làm lụng kiếm tiền phụ giúp cha mẹ nghèo. Anh đã chọn cái nghề bán vé số, ngày ngày đi khắp quận Cái Răng mời chào người ta mua giúp với hi vọng lãi được đồng nào hay đồng đó, chỉ cần đủ ăn cũng được.

Một buổi chiều giữa tháng 1/2013, trời nổi cơn dông và mưa trắng trời, Hôn cầm tệp vé số với tâm trạng buồn rầu vì chẳng có ai ra đường để... mời mua cho hết. Lúc đó giờ quay thưởng cũng sắp đến, không kịp đem về đại lý trả, anh đành ngậm ngùi đem về nhà giữ làm kỷ niệm.

“May mắn, trên đường đi tôi bán thêm được 3 vé cho 2 người hàng xóm, còn 2 tấm cuối tôi giữ cho mẹ ruột và bà ngoại lấy hên. Tối đó, sau bữa cơm, tôi nằm ở vòng xem ti vi như thường ngày rồi chợt thấy 2 tấm vé số đặt trên bàn. Tôi chẳng nghĩ gì nhiều, liền lại gần tò mò dò thử xem sao? Khi bấm điện thoại xem kết quả, tôi thấy dãy số nhà đài thông báo trùng khớp với số 625644 trên tấm vé. Tôi cứ ngỡ mình bị hoa mắt, dụi đi dụi lại nhiều lần và tra trên những trang mạng khác để kiểm chứng thì kết quả đều như vậy”, Hôn nhớ lại.

Dù kết quả đã mồn một song Hôn vẫn không tin vào điều mình thấy. Anh quyết định chạy ra đại lý vé số tra rõ rừng con số rồi vỡ òa sung sướng khi chắc chắn trúng giải độc đắc. Ngoài ra, 2 vị khách ủng hộ hồi chiều cũng trúng giải như anh.

Chàng khờ Hứa Hoàng Hôn.

Chàng khờ Hứa Hoàng Hôn.

Sáng hôm sau, mọi người hay tin tôi trúng số đã lên nhà chung vui. Ba mẹ tôi quyết định mua gạo, thịt, cá về thiết đãi bà con và những người khổ cực cùng cảnh ngộ”, anh “khờ” tâm sự.

Sau khi lĩnh thưởng, Hôn đưa hết tiền cho bố mẹ giữ và được mua cho chiếc xe ga đời mới nhất để đi bán vé số, đỡ phải lặn lội cuốc bộ. Còn ba mẹ anh thay vì ở nhà hưởng thụ cuộc sống giàu sang vẫn tiếp tục công việc bán thịt lợn ngoài chợ.

“Bố mẹ tôi bán thịt heo tại khu vực chợ Cái Răng. Cứ tầm 4h là mọi người thức dậy, bố chở mẹ đến chợ đầu mối nhận hàng rồi đi bán ngay, còn tôi ở nhà thu dọn các thứ đợi sáng đi bán vé số.

Khi trúng độc đắc, gia đình tôi vẫn theo nghề cũ. Người ta bảo chúng tôi tham công tiếc việc nhưng thực sự ngoài kia còn có nhiều người giàu hơn mình mấy chục lần. Nếu cả nhà cứ ăn chơi thì núi cũng phải lở, vì thế số tiền có được phải để dành dùng cho những việc khác”, Hôn trải lòng.

Nhắc đến số tiền gần 3 tỷ đồng, Hôn cho biết gia đình thống nhất góp tiền vào gửi ngân hàng lấy lãi để sau này có khoản tiết kiệm đưa em trai của Hôn đi học nghề với hi vọng tương lai không phải vất vả đi bán vé số. Còn một phần tiền họ trích nhà để mua đất xây nhà.

Bản thân Hôn, anh vốn mắc chứng bệnh liên quan đến thần kinh, không bình thường trong giao tiếp. Ông Hương – bố của anh cho biết, anh bị bệnh từ nhỏ nhưng gia đình nghèo túng không có tiền chạy chữa, vì thế càng ngày càng nặng lên. “Người ta cũng bất ngờ khi vợ chồng tôi không cho nó đi học nghề, để tiếp tục bán vé số bởi đó là nguyện vọng của nó. Nó bảo đi bán vé số đơn giản, lại quen rất nhiều người. Chúng tôi đành làm theo nguyện vọng chứ không hề có chuyện phân biệt con này con kia”, ông Hương bày tỏ.

Người đàn ông trúng số ôm tiền đi mua đất ruộng

Một buổi chiều cách đây 10 năm, anh Bạch thấy ông lão bán vé số nghèo đi khắp xã Tân Phú (Châu Thành, An Giang) nài nỉ khách mua. Anh cùng bà con trong xóm rủ lòng thương mua giùm vài tờ dù bản thân chẳng mấy khá giả. Nào ngờ tệp vé số của ông lão có đến 7 tờ trúng độc đắc trị giá tiền tỷ và vài chục tờ với giải thưởng hàng trăm triệu.

Nhờ buổi chiều định mệnh ấy, xã Tân Phú đã có rất nhiều gia đình đổi đời, trở thành đại gia tiền trăm tiền tỷ. Họ bắt đầu lười làm, lao vào các cuộc ăn chơi, tiêu xài hoang phí rồi rơi vào cảnh nghèo lại hoàn nghèo. Nhưng riêng anh Bạch lại có số phận khác: đầu tư làm ăn, giúp gia đình thoát khỏi cái nghèo cái đói.

Nói về hoàn cảnh của mình, anh Bạch cho hay, gia đình anh vốn nghèo lại đông anh em, chẳng có ai được học hành tử tế nên đi làm mướn rất sớm. Khi đến Tân Phú lập nghiệp, anh chỉ có 2 bàn tay trắng, quanh năm đi ở đợ rồi làm mướn cho người giàu.

Vợ chồng anh Bạch.

Vợ chồng anh Bạch.

Nhắc đến chuyện “đổi đời” nhờ trúng số, anh Bạch hân hoan: “Nhờ may mắn mà tôi có nhà mới, được làm chủ những mảnh ruộng mà bao năm phải nai lưng làm thuê. Nhưng cũng nhờ “kinh nghiệm” làm mướn mà tôi biết trân trọng từng đồng tiền, hạt gạo và giá trị của người được làm chủ".

Có tiền tỷ trong tay, vợ chồng anh Bạch thức trắng mấy đêm vạch ra “con đường” làm ăn. Cuối cùng với sự tư vấn của cha mẹ cùng kinh nghiệm đi làm mướn, anh quyết định dùng toàn bộ số tiền vào việc mua đất ruộng.

Nghĩ là làm, vợ chồng anh Bạch ôm tiền đi mua đất. Anh kể, sau khi lĩnh thưởng trừ thuế và trả nợ trước đó, làm từ thiện, cho người thân thì chỉ còn 1 tỷ đồng. Nhưng số đất anh mua có giá lên tới 1,1 tỷ, vì thế anh đành vay đến 100 triệu đồng từ ngân hàng rồi trả dần dần khi thu hoạch lúa gạo.

Thấy anh Bạch ôm tiền tỷ đi mua ruộng, nhiều người ở xã Tân Phú đã mỉa mai bảo anh muốn làm địa chủ. Thậm chí người ta còn nhận xét đó là suy nghĩ của nông dân quèn bởi cuộc đời thuần nông đã khổ, có tiền phải xây nhà lớn, mua xe máy hoặc ô tô để đi, gửi tiền trong ngân hàng lấy lãi hưởng thụ. Song anh không hề bận tâm vì quan điểm của anh khác họ. Anh nghĩ việc mua xe xịn, ở nhà đẹp chính là tiêu sản, tiền không sinh ra được tiền.

4 người đàn ông miền Tây bỗng dưng trúng số độc đắc nhưng không được lĩnh tiền vì lý do chẳng thể ngờ
Họ trúng độc đắc lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng nhưng lại không được lĩnh tiền thưởng.

Tin tức 24h

Theo NGỌC HÀ (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Xổ số