Giáp Tết, những chiêu thức lừa đảo qua mạng khiến người dân dễ bị mất số tiền lớn. Các đối tượng thực hiện nhiều hành vi đánh vào tâm lý nhẹ dạ cả tin và tò mò như quét mã QR nhận quà trúng thưởng, đổi tiền lì xì, dịch vụ tâm linh…
Quét mã QR nhận quà trúng thưởng
Dù việc chuyển khoản ngân hàng đã trở nên nghiêm ngặt hơn, nhưng hiện tượng lừa đảo thông qua hình thức này vẫn diễn ra, đặc biệt là thanh toán qua mã QR.
Hiện đang có tình trạng mã QR gửi kèm hoá đơn từ tin nhắn, email, Facebook, Zalo… thông báo khách hàng trúng thưởng, nhận quà tặng khuyến mại. Khi quét mã QR, người dùng sẽ bị chuyển đến một website lừa đảo để đánh cắp thông tin hoặc bị cài đặt phần mềm độc hại.
Cẩn thận với những bưu phẩm, tin nhắn thông báo quét mã QR để đổi quà trúng thưởng
Ngoài ra, một số đối tượng còn xây dựng cửa hàng ảo trên các sàn thương mại điện tử, tạo vẻ ngoài uy tín. Khi có khách muốn mua hàng sẽ gửi mã QR để thanh toán, nhưng thực chất đây là mã độc, nếu quét dễ bị đánh cắp thông tin riêng tư hoặc điều hướng chuyển tiền vào tài khoản lừa đảo.
Anh Nam (TP.HCM) cho biết anh từng nhận được bưu phẩm gửi đến nhà ghi “quà tặng cảm ơn” nhưng không rõ người gửi. Thông tin ghi được tặng 1 thiết bị gia dụng và giấy cào trúng thưởng. Vì cũng hay mua hàng online, lại thấy đúng địa chỉ nhà nên anh mở ra xem.
Trên thẻ cào ghi phần quà trị giá 10 triệu đồng. Để đổi thưởng cần quét mã QR in trên giấy. Khi quét mã, anh được hướng dẫn đi đến yêu cầu tải xuống một phần mềm. Vì nghi ngờ lừa đảo, anh không làm theo nên tránh mất oan chục triệu.
Tuyệt đối không quét các mã QR lạ, tải về những ứng dụng từ đường link được giới thiệu
Để tránh bị mất thông tin lẫn tiền bạc, cần đề phòng khi bỗng dưng nhận được bưu phẩm quà tặng 0 đồng, phiếu cào dự thưởng. Khi đổi quà tặng thường phải quét mã QR, rất dễ bị đưa tới đường link lạ từ đó điện thoại bị xâm nhập, lấy tiền trong tài khoản.
Khi quét mã QR code có đưa tới đường link lạ, cần phải kiểm tra kỹ mới quyết định thực hiện các thao tác tiếp theo. Đặc biệt trong tất cả trường hợp liên quan đến tài khoản ngân hàng thì nên đến quầy giao dịch trực tiếp, không nên tin vào bất kỳ cá nhân nào để cung cấp mật khẩu, OTP...
Đổi tiền lì xì Tết
Cận Tết, cơ quan chức năng cảnh báo về bẫy lừa đảo từ dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới thông qua mạng xã hội. Nhiều hội nhóm được lập ra, quảng cáo có thể đổi được số lượng lớn tiền lẻ, tiền mới, tiền seri số đẹp.
Nhiều người khi liên hệ đổi thì nhận lại không đủ tiền như đã chuyển khoản, thậm chí bị nhận lại tiền giả. Không ít trường hợp chuyển khoản xong thì bên kia chặn liên lạc, mất tích, bùng tiền cọc của khách.
Thông thường những người sập bẫy lừa đảo này không dám trình báo cơ quan chức năng. Theo quy định, mọi hành vi thu, đổi tiền mới, tiền lẻ của cá nhân, tổ chức khác nhằm hưởng chênh lệch và trao đổi tiền trên mạng là trái với quy định của pháp luật, phải bị ngăn chặn và xử lý nghiêm.
Hoạt động đổi tiền lẻ, tiền mới trên mạng xã hội có hưởng chênh lệch là hành vi vi phạm pháp luật
Để tránh rủi ro, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân tuyệt đối không đổi tiền qua mạng xã hội. Chỉ nên sử dụng dịch vụ đổi tiền của ngân hàng, công ty tài chính hoặc cơ sở kinh doanh có uy tín, có giấy phép hoạt động hợp pháp.
Đồng thời khi phát hiện các đối tượng có hành vi tàng trữ, lưu hành tiền giả hay các hành vi lừa đảo, trục lợi khác, cần kịp thời trình báo cơ quan Công an gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.
Lừa đảo dịch vụ tâm linh cuối năm
Trên mạng xã hội những ngày cuối năm có nhiều đối tượng tự xưng là thầy, cô… có khả năng bói toán, xem tử vi, làm lễ giải hạn, cầu tài lộc… Những người này thường yêu cầu chuyển khoản để làm lễ, giữ lộc. Nhiều người có niềm tin mù quáng, bị lừa số tiền lớn nhưng chẳng giải được hạn mà còn nợ nần thêm.
Như chị L. (Hà Nam) bị lừa hơn 300 triệu đồng vì tin vào các “đấng siêu nhiên” có thể hoá nguy thành an trên mạng xã hội. Chị nhiều lần chuyển khoản vào tài khoản của đối tượng lừa đảo để được làm lễ giải hạn, giúp công danh sự nghiệp tấn tới, tuy nhiên sau đó chị bị chặn mọi liên lạc và cũng chẳng có cái hạn nào được giải.
Chiêu thức lừa đảo của nhóm đối tượng qua dịch vụ tâm linh thường là: lập ra nhiều fanpage như xem bói online chuẩn, xem bói miễn phí, se duyên, xem tay biết ngay số mệnh, di cung hoán số, cắt tiền duyên, livestream (phát sóng trực tiếp)...
Những hình thức lừa đảo đánh vào tín ngưỡng, tâm linh nở rộ mỗi dịp sát Tết
Chuyện tâm linh tín ngưỡng vốn có những nét đẹp riêng, tuy nhiên khi bị các đối tượng xấu lợi dụng trục lợi là hành vi vi phạm pháp luật. Mỗi người dân cần hết sức tỉnh táo, không chia sẻ, tham gia các hội nhóm liên quan đến mê tín dị đoan, cảnh giác chiêu trò lợi dụng tâm linh, văn hoá bản sắc dân tộc… để trục lợi.
Cần loại trừ hành vi mê tín dị đoan, khi phát hiện có đối tượng lợi dụng để lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Lì xì cuối năm
Chiêu trò lừa đảo lì xì online cuối năm nở rộ, khiến nhiều người mất số tiền lớn. Thông qua những ứng dụng mua sắm, chơi game… trên mạng, các đối tượng mời nạp tiền để nhận lì xì gấp 10 lần số tiền bỏ ra. Nghe lời mời chào hấp dẫn này, nhiều người bị cuốn theo, chuyển tiền vào tài khoản kẻ lừa đảo. Số tiền ban đầu nhỏ, sau càng ngày càng lớn nhưng cuối cùng không thể rút được.
Chiêu thức này dễ “đánh gục” những ai nhẹ dạ cả tin và không tỉnh táo trước những món tiền rất hấp dẫn được “biếu không”.
Không nhẹ dạ cả tin vào những thông tin “nạp 1 đổi 10” trên mạng xã hội
Sự cám dỗ của chương trình lì xì online được giăng bẫy rất khéo, đặc biệt vào dịp Tết ai cũng muốn nhận may mắn, tài lộc. Chính vì vậy khi nhận được các chương trình ưu đãi, khuyến mãi, lì xì với điều kiện dễ dàng nhận tiền, số tiền gấp nhiều lần ban đầu thì bạn nên cân nhắc.
Việc nhẹ lương cao kiếm tiền cuối năm
Đây không phải là chiêu trò mới nhưng nhiều người vẫn mắc bẫy, đặc biệt dịp cuối năm khi nhu cầu về kiếm việc làm tăng thu nhập cao.
Mới đây, một người đàn ông tại Quảng Ninh bị lừa số tiền khoảng 1,7 tỷ đồng vì tin vào việc nhẹ lương cao. Ông nhận được lời mời làm cộng tác viên online tại nhà với nhiệm vụ tăng tương tác cho một sàn thương mại điện tử. Tiền hoa hồng sẽ được trả mỗi ngày.
Thấy công việc đơn giản, lại có thu nhập nên ông liên tục chuyển tiền vào số tài khoản được cung cấp để làm “nhiệm vụ”. Tuy nhiên khi đã chuyển tổng cộng 1,7 tỷ đồng, ông không rút lại được tiền gốc lẫn hoa hồng.
Các đối tượng lừa đảo thường lập các fanpage trên mạng xã hội, kêu gọi tuyển dụng cộng tác viên bán hàng, làm việc online trên các sàn thương mại điện tử và sẽ được chia hoa hồng. Yêu cầu là phải chuyển khoản, mở gian hàng trên sàn thương mại điện tử, hướng dẫn thủ tục mua hàng và chiếm đoạt tài sản.
Nhiều người bị lừa số tiền lớn vì tin vào lời mời chào “việc nhẹ lương cao” ở trên mạng
Để tránh bị lừa số tiền lớn, người dân cần đề cao cảnh giác với những lời mời chào thu nhập cao, việc dễ dàng, không cần bằng cấp. Không tìm kiếm việc ở những kênh không rõ ràng, không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mật khẩu cho bất kỳ ai. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.