Những loại rau này vốn mọc dại ở ven đường, ven sông, dân nhổ bỏ đi vì không có giá trị nhưng nay được chiều người ưa chuộng nên người dân đem về trồng.
1. Rua rút
Rau rút (có nơi gọi là rau nhút) trước đây loại cây mọc hoang rất nhiều ở các ao hồ, đồng ruộng ở Việt Nam. Đây là loại cây chỉ sống được ở môi trường nước, ưa ánh sáng, sinh trưởng và phát triển nhanh vào mùa hè và mùa thu.
Nhìn bề ngoài, lá của rau rút gần giống với lá cây me nhưng nhỏ hơn. Phần thân không cao nhưng tỏa rộng, nổi trên mặt nước và phát triển rất nhanh. Nhiều người lúc dọn ao, dọn ruộng phải nhổ bỏ đi vì rau nhút mọc um tùm.
Rau rút là loại cây mọc hoang ở ao hồ
Ngày nay, cây rau rút hiện không chỉ mọc hoang nữa mà đã có người trồng, đem lại thu nhập cao cho người nông dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Chia sẻ trên báo Dân Việt, ông Phan Văn Sỏi (ở ấp Hồi Trinh, xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) cho biết cách trồng rau rút cũng khá đơn giản, chọn những gốc rau khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, buộc đều khoảng vào những cây trúc hoặc sậy để giữ không cho trôi mất. Sau 30 ngày, rau sẽ phát triển, bò lan khắp mặt nước.
Ông Sỏi cho biết với 6.000m2 rau nhút, bình quân mỗi tháng ông thu nhập trên 30 triệu đồng, trừ hết các chi phí gồm phân, thuốc và công lao động còn lời khoảng 25 triệu đồng. So với trồng lúa, trồng rau rút cho lợi nhuận cao gấp 6 lần.
Ông Ngởi cho biết ông có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm nhờ trồng rau rút
Còn ông Nguyễn Văn Ngởi (ở Cà Mau) cho biết ông xây dựng mô hình trồng rau rút chuyên canh ở 5 công ruộng, thu nhập trên 300 triệu đồng/năm. Rau rút có thể trồng quanh năm, nhưng vụ chính bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch.
Rau nhút dùng nấu canh chua hay nhúng khi ăn lẩu. Giá bán trên thị trường hiện nay khoảng 22.000 đồng/0.5kg, tức 1kg có giá khoảng 44.000 đồng/kg.
2. Rau càng cua
Ở Việt Nam, trước đây rau càng cua vốn là loại rau mọc bờ rào, trong vườn, thường được người dân nhổ bỏ vì nghĩ là cỏ dại. Rất ít gia đình biết ăn loại rau này.
Rau càng cua thuộc thân thảo, cao 20-40cm. Lá có hình trái tim, bò lan mặt đất có nhiều nhánh nhỏ. Thích nghi với điều kiện sống tự nhiên từ lâu nên rau càng cua có thể sống ở nhiều môi trường kể cả mọc ở vách tường, mương...
Hiện nay, rau càng cua được chiều người ưa chuộng, bắt đầu gây "sốt" tại Việt Nam từ năm 2017. Giá của nó vì thế dao động từ 70.000-110.000 đồng/kg, tùy vùng miền.
Những năm gần đây, các bà nội trợ còn tranh thủ trồng rau càng cua trong vườn, thậm chí trồng cả trên sân thượng hay dưới gốc cây cảnh.
Chị Nguyễn Hà Thu (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay đây là cây dại mọc đầy ở quê chị. Trước đây, chị toàn nhổ vất đi vì nghĩ chúng không ăn được. Khi lên thành phố sinh sống, chị mới thấy rau càng cua được bán tại các cửa hàng rau sạch hay ngoài chợ với giá rất cao. Chị mua về ăn thử, lạ miệng nên cả nhà chị đều ưa thích.
Rau giòn, dai, có vị mặn, ngọt, chua. chế biến món ăn như làm các món salad kèm thịt bò...hoặc làm các món trộn, xào, luộc đều được.
3. Cây cà đắng
Cây cà đắng vốn là một loại cà dại mọc nhiều trong rừng, trên nương rẫy của người đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Cây cà đắng thấp lẹt đẹt dưới đất, quả cà đắng có màu xanh và vị nhẩn nhẩn đắng đặc trưng, kích thước to hơn quả cà pháo và thường hơi dài ra, cuống quả có gai nhọn, ruột có nhiều hạt.
Trước đây cây mọc dại, bây giờ được các đồng bào Tây nguyên mang về trồng xen trong những rẫy cà phê để bán. Ở Tây Nguyên, cà đắng được xem là món đặc sản và dễ tìm thấy trong hầu hết các nhà hàng .
Chia sẻ với báo Tiền Phong, chị Đinh Thị Ngân (ở Đắk Lắk) - một người chuyên hái cà đắng bán cho thương lái - cho biết trung bình 1 tuần chị đi hái cà đắng 2-3 lần, mỗi lần 15-30 kg. Nếu bán cho thương lái huyện sẽ có giá 15 nghìn đồng/kg, còn 25 nghìn đồng/kg bán cho mối ở TP.HCM.
Chị cho biết thêm, để cà không bị giập, đen, thương lái thường gọi đặt trước để chị cắt và nhập trong ngày. Khi cắt phải cắt nguyên chùm, chọn chùm không quá non, cũng không quá già. Thời điểm thu cà đắng nhiều nhất là từ tháng 3 đến tháng10 âm lịch. Ngoài đi hái quanh đường, chị còn trồng cà đắng sau vườn để chủ động cung cấp khi thương lái đặt hàng. Dù cà mọc dại hay cà trồng thì vẫn có vị đắng như nhau bởi chúng đều hấp thụ khí hậu, thổ nhưỡng Tây Nguyên.
4. Rau móp
Rau móp (còn gọi là móp gai) vốn là một loại cây nước hoang dại thường mọc ở các bờ mương, kênh rạch, rất dễ sinh trưởng và phát triển.
Chục năm trở lại đây, rau mớp đã thành một món ăn đặc sản, giúp người nông dân Nam Bộ thoát nghèo bền vững. Tận dụng kênh, mương trong vườn, nông dân nhổ rau móp dại về trồng.
Theo thông tin trên báo Dân Việt, năm 2019, tại ấp Bốn Phú (xã Trung An, Củ Chi, TP.HCM) có 300 hộ trồng loại rau dại này, với tổng diện tích lên tới 32ha. Thời gian qua, rau móp không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây giúp nhiều hộ vươn lên khá giả, giàu có.
Ông Hai Sừng (Võ Văn Sừng) - một người dân trồng rau móp ở xã Trung An - cho biết cứ luân phiên, mỗi ngày ông hái hơn 50 kg rau móp. Với giá bán như hiện nay khoảng hơn 20.000 đồng/kg, trừ công hái ông thu được gần 2 triệu đồng.
Mặc dù là rau dại, sức phát triển tốt, nhưng khi được trồng rau móp vẫn được bón phân, phun thuốc. Khi thu hoạch chỉ lấy cọng non. Mỗi cọng dài từ 30-40cm.
Nếu rau móp trồng hiện có giá 20.000 đồng/kg, thì rau móp dại mọc ven sông, kênh rạch có giá gấp đôi. Bởi cọng to, dài và nhất là rau sạch. Hiện, tại xã Trung An vẫn còn khoảng vài chục người đi hái rau móp dại. Rau móp sau khi hái về sẽ được sơ chế, đóng bao chờ thương lái đến lấy.
5. Rau tầm bóp
Rau tầm bóp mọc hoang dại khắp nơi xen kẽ với các loài cây dại khác ở bụi rậm, hàng rào, khi thì mọc trên các quả đồi. Thời chiến tranh, tầm bóp là loại rau “cứu đói” cho bộ đội và người dân.
Giờ đây, rau tầm bóp trở nên quen thuộc với cả người dân thành phố. Nhiều nơi, người dân đem rau tầm bóp về trồng và mang lại thu nhập đáng kể. Trên thị trường, rau tầm bóp được bán với giá 30.000 - 45.000đ/kg.
Rau tầm bóp được bán với giá 30.000 - 45.000đ/kg
Chị Hồng (xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất (Hà Nội) cho biết loại rau này được trồng rộng rãi ở các thửa ruộng của nhiều hộ nông dân trong xã Hạ Bằng. Tầm bóp trở thành món rau được ăn hàng ngày, có thể mua bất kỳ ở chợ nào trên địa bàn huyện, không còn là đặc sản hiếm ở Thạch Thất như trước.
"Một mớ tầm bóp được bán ngoài chợ có giá từ 5.000-7.000 đồng, mớ to từ 10.000 đồng trở lên. Rau được các nhà hàng đặt mua với số lượng lớn nên tầm bóp rất sẵn trong thực đơn của các nhà hàng, trong đó có món lẩu hay những món xào...”, chị Hoa cho biết.
Còn anh Hà Văn Khương (ở xã Tòng Đậu, huyện Mai Châu, Hòa Bình) cho biết trồng rau tầm bóp khá dễ, ít khi bị sâu rầy phá hại. Gần đây tầm bóp được người tiêu dùng rất ưa chuộng bởi có thể chế biến thành nhiều món ăn lạ miệng..., thu hái đến đâu bán hết đến đó, nhiều khi rau không kịp lớn để hái bán.
"Với 6.000m2 đất trồng các loại rau ngắn ngày, ngày nào gia đình tôi cũng có thu nhập, bình quân 1 năm tôi có lời gần 70 triệu đồng tùy vào giá cả thị trường", anh Khương tiết lộ.