5 nghề lạ lẫm chỉ có ở Việt Nam: "Khát" người làm, thu nhập đều tay nhưng ít ai biết tới

HÀ ANH - Ngày 12/06/2022 12:10 PM (GMT+7)

Trong cuộc sống mưu sinh đầy cạnh tranh, có rất nhiều công việc "độc lạ" có thể tạo ra nguồn thu nhập lớn mà vẫn luôn khan hiếm “nguồn nhân lực”.

Cuộc chạy đua khốc liệt trong thị trường lao động, khi mà thời đại công nghệ 4.0 và kinh tế công nghiệp hoá, hiện đại hoá phát triển vượt bậc. Chính vì vậy mà rất nhiều người trẻ phải đau đầu trong công cuộc tìm kiếm việc làm đầy cạnh tranh ở mọi lĩnh vực. Thế nhưng, ít ai biết rằng ở Việt Nam có vô số những công việc “độc lạ”, vừa ít cạnh tranh lại có nguồn thu nhập vô cùng hấp dẫn.

Nghề xé quần jeans 

Thời trang phát triển vượt bậc nhưng quần jeans dường như chưa bao giờ “lỗi thời”. Điển hình như tại Sài Gòn có một người đàn ông đã dành hàng chục năm cuộc đời để làm nghề "xé quần jean" thuê vẫn luôn đông nghịt khách hàng. Công việc này nghe đơn giản nhưng nó lại có thể giúp ông Trương Tấn Viễn (58 tuổi) kiếm thêm tiền trang trải nhiều thứ. 

Ông Viễn có hơn 30 năm hành nghề xé quần jeans.

Ông Viễn có hơn 30 năm hành nghề xé quần jeans.

Ông Viễn được xem là người duy nhất còn giữ lại nghề độc lạ này ở Sài Gòn. Công việc của ông cụ thể là "xé quần jean tạo kiểu cách". Cứ khoảng 3 giờ chiều, ông lại chạy xe đến đường Hồ Xuân Hương để hành nghề. Chỉ cần một dụng cụ đơn giản là kéo cắt chỉ, ông đã có thể tùy ý tạo hình cho chiếc quần jean vô cùng sáng tạo và mỗi chiếc quần jeans lại là một kiểu xé khác nhau, không hề đụng hàng với những chiếc khác. 

Mỗi mảng xé tuỳ thuộc vào độ lớn nhỏ sẽ có giá thành khác nhau, thường dao động từ 10 nghìn đồng đến 30 nghìn đồng/chiếc quần jeans. Ông Viễn tiết lộ, mỗi chiếc quần như vậy tiêu tốn của ông từ vài chục phút đến cả tiếng đồng hồ. Một ngày, ông Viễn kiếm được khoảng 250 nghìn đến 300 nghìn đồng, chưa kể việc sửa chữa và may vá các trang phục khác khiến ông có nguồn thu nhập khá “hấp dẫn”.

Ngồi im cho muỗi đốt

Tại phòng thí nghiệm thuộc Khoa Côn trùng và Động vật y học ở Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, lần lượt mỗi người đưa 2 cẳng tay hoặc 2 chẳng chân vào lồng muỗi trong thời gian từ 10 - 15 phút và thư giãn chờ muỗi đốt hút no máu. Đây thực tế là quá trình “cho muỗi ăn”, “nuôi muỗi” theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng. 

Các tình nguyện viên cho muỗi đốt.

Các tình nguyện viên cho muỗi đốt.

Bởi tại phòng thí nghiệm này, trách nhiệm của các nhà nghiên cứu là nuôi muỗi đủ chất để chúng đẻ ra những quả trứng mẩy và chắc, từ đó cho ra đời đàn muỗi mới mạnh khỏe, phục vụ cho công tác nghiên cứu. Phần này thuộc dự án đánh giá khả năng muỗi vằn (muỗi Aedes Aegypti) mang vi khuẩn Wolbachia (ít có khả năng lây truyền bệnh sốt xuất huyết) thay thế quần thể muỗi vằn tự nhiên (lây truyền bệnh sốt xuất huyết) trên đảo Trí Nguyên (tỉnh Khánh Hòa).

Công việc lạ lùng của các nhà nghiên cứu tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, khi mà nghiệp của họ đã gắn với loài côn trùng này và niềm đam mê công việc, mong muốn tìm ra một phương pháp phòng chống bệnh hiệu quả. Nhờ nuôi muỗi bằng chính việc cho chúng đốt vào tay và chân của mình, họ có được những công cụ nghiên cứu tốt nhất cho các công trình khoa học của mình.

Nghề đập phá tivi

Trên đường Lý Thường Kiệt (quận 10, TP.HCM) có một hàng những chỗ thu mua tivi, đồ điện tử cũ, cũng là nơi tập hợp của nhiều người làm một công việc nghe rất lạ lùng: Nghề đập phá tivi nhằm tận dụng những linh kiện, thiết bị còn xài được để bán lại.

Gần 20 năm qua, bà Cao Thị Thủy (SN 1948, quê Tiền Giang) ngồi tại ngã tư đường Lý Thường Kiệt - Vĩnh Viễn đã đập phá không biết bao nhiêu chiếc tivi. Hằng ngày có người chở những chiếc tivi cũ đến bán cho bà, sau khi thỏa thuận giá, bà liền tháo lớp ngoài, và những thiết bị bên trong, sau đó nếu bóng đèn tivi, các mấu sắt,... không còn sử dụng được bà sẽ đập nát ra để tận dụng sắt bán phế liệu. 

Bà Thủy bên của tiệm tivi cũ của mình.

Bà Thủy bên của tiệm tivi cũ của mình.

Chỉ với một tiệm đồ phế liệu cũ kỹ kèm theo kỹ năng “phá” tivi của mình, bà Thuỷ chia sẻ mình có thu nhập ổn định, nhẹ vốn kinh doanh và trang trải cho cuộc sống gia đình. Vì người bán không chấp nhận việc kiểm tra máy bên trong nên người mua phải quyết định theo linh cảm và sự phán đoán của mình, nếu may mắn mua đúng chiếc tivi còn tận dụng được gần hết các linh kiện, thì bà lãi khoảng 40.000 đồng/chiếc, còn không chỉ lãi khoảng 15.000 đồng đến 20.000 đồng. 

Nghề buôn nước biển

Ở Sài Gòn, nếu muốn ăn hải sản tươi sống phải đi xe tới tận biển Cần Giờ hoặc các thành phố biển lân cận. Thế nhưng với dì Đẹp, một người chuyên làm nghề buôn nước biển tại quận 4, TP.HCM thì việc thưởng thức một con cá biển còn bơi trong nước ngay cả khi đang ở trung tâm thành phố này là hoàn toàn “khả thi”.

Các can nước biển được chất lên xe.

Các can nước biển được chất lên xe.

Ban đầu, dì Đẹp mở một trạm nhỏ ngay chân cầu Kênh Tẻ để tàu thuyền vào bỏ nước biển được thuận tiện. Những chiếc tàu thuyền chở nước biển từ Vũng Tàu về Sài Gòn bằng đường sông, bơm đầy nước vào các bể chứa của dì Đẹp rồi quay đầu. Dì lại mang bán các can nước biển cho các nhà hàng, chủ vựa… kinh doanh hải sản tươi sống để bảo quản thức ăn. Từ đó đến nay, cửa tiệm nhà dì Đẹp nay đã đổ mối nước biển cho đa số nhà hàng trong Sài Gòn, trở thành tiệm kinh doanh nước biển độc lạ và lớn nhất thành phố.

Dì Đẹp còn cho biết thêm, hiện tại đại lý nước biển của dì có trên dưới 10 nhân công làm việc gồm tài công, tài xế và phụ việc... Với giá bán ra vài ngàn đồng trên một can 30 lít và 70.000 - 100.000 đồng/khối nước biển, gia đình của dì vẫn duy trì được thu nhập khá ổn định trong cuộc sống từ nghề lạ này. Hiện tại, mô hình kinh doanh của dì Đẹp đang được nhiều người áp dụng.

Nghề ngửi mít thuê

Khi trái mít trở thành loại trái cây chủ lực không chỉ ở Tây Nam Bộ mà còn ở các tỉnh phía Bắc, xuất nhập khẩu sang Châu Âu, Trung Quốc… thì nghề "ngửi mít thuê" ngày càng trở nên phổ biến hơn và được trả lương rất hậu hĩnh, thậm chí có thể lên tới hàng trăm triệu đồng một năm nếu lành nghề.

Nghề ngửi mít thuê có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày

Nghề ngửi mít thuê có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày

Cụ thể, khác với cò mít là những người dẫn vào vườn mít thu mua, những người ngửi mít thuê là người đi cùng thương lái đến vườn để xác định độ già của mít và đảm nhận công việc hái mít cho chủ vườn. Người ngửi mít thuê dùng kinh nghiệm của mình để xác định những vườn mít già, ngon và chất lượng, giảm thiểu rủi ro cho cò mít, thương lái… khi mua phải mít non hay mít nhiều xơ đen.

Vì đòi hỏi kinh nghiệm nên nghề ngửi mít thuê có mức lương rất “khủng”. Vào vụ mùa, một người thợ ngửi mít thuê có tiếng sẽ đi khoảng 2-3 vườn/ngày. Nếu có thể bẻ mít phụ chủ, họ sẽ kiếm được hơn 1 triệu đồng. Như vậy cả năm thu đến hơn trăm triệu đồng. Nghề này tuy rất hời nhưng không phải ai cũng làm được. Chỉ cần một lần hái nhầm trái còn non, bị xơ đen không ngon thì sau đó sẽ không có ai dám thuê nữa, thậm chí còn mất nghề.

Nghề lạ ở Việt Nam luôn khát người làm: Thu nhập lên tới 60 triệu đồng/tháng, cần nhất nhanh tay nhanh mắt
Dù mức lương hậu hĩnh nhưng để làm được công việc không hề đơn giản, phải ngồi một tư thế suốt 5-6 tiếng đồng hồ, vừa đau lưng, vừa mỏi mắt, đòi hỏi phải nhanh tay nhanh mắt.

Tin tức 24h

HÀ ANH
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nghề lạ