52 người thuộc xã Bắc Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) đã bị một đàn chó thả rông cắn.
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến ngành y tế Hà Nội sáng ngày 14/8 ở Sở Y tế Hà Nội, giám đốc Trung tâm y tế huyện Sóc Sơn cho biết, 52 người dân tại xã Bắc Sơn của huyện đã bị chó thả rông cắn. Sự việc này xảy ra trong tháng 7 vừa qua. Sau khi cắn, một số con chó có biểu hiện mắc dại đã chết.
Ngay sau khi nhận được thông tin, trạm y tế xã Bắc Sơn đã phối hợp hướng dẫn người dân đi tiêm phòng vắc xin dại. Hiện đã có 51 người được tiêm vắc xin phòng dại. Riêng một trường hợp do kinh tế khó khăn, người dân không có tiền đi tiêm. Trạm y tế xã đã xin được tiêm miễn phí cho trường hợp này.
Sau khi nghe báo cáo về vụ việc, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền đã có ý kiến các quận, huyện, xã cần tuyên truyền người dân phải nhốt chó khi nuôi, không được thả rông. Giám đốc yêu cầu các trung tâm y tế dự phòng của các quận, huyện cần phải nắm bắt ngay trường hợp chị chó cắn và khuyến cáo người dân đi tiêm vắc xin phòng dại sớm nhất.
Theo thống kê của ngành y tế, những năm gần đây các trường hợp bị chó (mèo) dại cắn đang có xu hướng tăng lên, đồng nghĩa với việc bệnh dại gia tăng. Trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 100-150 ca tử vong do chó dại cắn, chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Cho đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu khi bệnh đã bộc phát và 100% ca bệnh dại đều tử vong.
Người dân cần tiêm phòng vắc xin dại cho chó, mèo (ảnh minh họa)
PGS.TS. Đinh Kim Xuyến(PGĐ Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn sức khỏe cộng đồng cho biết khi bị chó, mèo dại, nghi dại cắn hoặc tiếp xúc với chúng, cần phải coi đó là trường hợp cấp cứu, phải xử lý tại chỗ vết thương bằng nước xà phòng đặc, nước muối đặc, dội nước sạch nhiều lần, bôi chất sát khuẩn như cồn, cồn iốt đậm đặc... nhằm làm giảm đến mức tối thiểu lượng virus dại tại nơi xâm hại, không làm dập nát vết thương, sau đó nên đến các điểm tiêm phòng dại để được các thầy thuốc chuyên khoa khám và có biện pháp xử lý cụ thể cho từng trường hợp.
Những trường hợp bị con vật lên cơn dại hoặc nghi dại gây thương tích ở vùng đầu, mặt, cổ, đầu chi, bộ phận sinh dục..., dù vết thương rất nhẹ hoặc bị nhiều vết thương nguy hiểm, vết cắn sâu; không theo dõi được con vật..., phải được điều trị dự phòng ngay bằng vắc xin dại và huyết thanh kháng dại.
Trường hợp vết cắn rất nhẹ, xa thần kinh trung ương (xa vùng đầu), con vật đó vẫn sống bình thường, cần theo dõi con vật 15 ngày. Trong thời gian theo dõi, nếu thấy con vật có biểu hiện ốm, bỏ ăn, chết, hoặc sau cắn, con vật bỏ đi không theo dõi được..., phải tiêm vắc xin phòng dại ngay cho người bị cắn. Nếu sau 15 ngày mà con vật đó vẫn sống bình thường thì người bị cắn không cần tiêm vắc xin dại.
Để phòng tránh bị bệnh dại, PGS.TS Xuyến khuyến cáo người dân cần hạn chế nuôi chó; quản lý chó nuôi, không thả rông chó; tiêm vắc xin dại cho chó, mèo theo hướng dẫn của thú y.