PGS Văn Như Cương cho rằng không nên cứ bắt buộc trường học phải có 16 lớp. Nên để các em học sinh tiếp tục học ở trường cũ rồi tiếp tục tìm phương án giải quyết.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với Nhà giáo Văn Như Cương (Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh – Hà Nội) xung quanh sự việc 600 học sinh tại Hương Bình, Hương Khê, Hà Tĩnh bị cha mẹ bắt nghỉ học để phản đối sáp nhập trường.
Là một nhà giáo, thầy có suy nghĩ gì khi thấy 600 học sinh tại Hà Tĩnh phải nghỉ học từ đầu năm học đến nay?
Đương nhiên, là một người dạy học, tôi cảm thấy sốt ruột thay cho những phụ huynh cũng như cơ quan giáo dục. Rõ ràng việc để học sinh thất học là điều không thể chấp nhận được.
Thưa thầy, việc sáp nhập trường học dẫn đến cha mẹ không cho học sinh tới trường cho thấy điều gì?
Tôi cho rằng ở đây có sự đối đầu bất thường giữa người dân với chính quyền địa phương.
Tỉnh muốn hoàn thành kế hoạch chủ trương giáo dục. Tuy nhiên, tôi nghe nói, trước đó, chính quyền địa phương không bàn bạc với người dân. Đùng một cái, chính quyền xã thông báo chuyển trường. Như vậy, chính quyền địa phương thực hiện chưa chuẩn.
Chính quyền lại còn đưa ra biện pháp rất nặng nề. Cán bộ xã có con em không chịu đi học phải nghỉ việc không lương để ở nhà vận động. Bao giờ con em đi học thì cán bộ đó mới được đi làm trở lại. Thậm chí chính quyền còn gọi một số người lên làm việc.
PGS Văn Như Cương
Tuy nhiên, sự phản ứng của người dân cũng quá khó hiểu. Họ có lý khi cho rằng không muốn con phải đi học xa. Nhưng không chỉ học sinh trường cấp 2 Hương Bình mà cả tiểu học, mẫu giáo đều bị phụ huynh bắt nghỉ học. Trong khi đó, theo chủ trương, chỉ học sinh cấp 2 chuyển trường. Các phụ huynh còn lấy lý do, học hết tiểu học sang cấp 2 lại phải chuyển trường nên cho nghỉ luôn.
Điều đó cho thấy họ cố tình tạo áp lực đối với chính quyền để không phải chuyển trường. Thậm chí người dân còn canh gác đề đề phòng chính quyền phá dỡ trường.
Theo thầy nguyên nhân của sự bất thường ở đây là gì?
Tôi không thể biết được mâu thuẫn đó là gì. Không rõ từ trước, giữa chính quyền và nhân dân Hương Bình có mâu thuẫn gì không. Nhưng phản ứng của người dân là hơi quá đà.
Cơ quan quản lý vẫn phải tìm hiểu kỹ hơn, tại sao giữa chính quyền và nhân dân lại có sự mâu thuẫn quyết liệt như thế.
Nếu ở cương vị của chính quyền địa phương, theo thầy, nên giải quyết thế nào?
Lãnh đạo Bộ Giáo dục Đào tạo rồi cả Phó Thủ tướng chỉ đạo đưa học sinh trở lại trường. Nhưng đến nay, chẳng có ai có cách nào cả.
Tôi thấy chính quyền đã có biện pháp là đưa ô tô buýt đến chở các em đi học. Nhưng chỉ có 3 em học sinh lên xe. Phụ huynh thắc mắc cũng hợp lý. Bây giờ có xe đưa đi học nhưng việc này có duy trì lâu dài hay không?
Tôi cho rằng, việc chính quyền đưa xe buýt đón học sinh cũng gây khó hiểu. Kinh phí dành cho xe buýt đưa đón từ đâu ra? Rồi nhiều nơi khác, học sinh đi học xa, chính quyền cũng điều xe buýt đón?
Nghị quyết của tỉnh là một trường tối thiếu 16 lớp. Sở, Phòng Giáo dục phải thực hiện đúng chủ trương. Nhưng theo tôi, các cơ quan này cần vận dụng linh hoạt đối với một số trường hợp. Ở những nơi mà học sinh đi học xa quá, cơ quan quản lý không nên cứ nhất thiết bắt buộc trường học phải có 16 lớp.
Tôi tán thành ý kiến của ông Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội) rằng "nếu chưa giải quyết được thì tạm thời giữ nguyên như cũ". Sau đó, chính quyền bàn bạc, thuyết phục người dân để có cách giải quyết hợp tình hợp lý hơn.
iệc sáp nhập trường có vẻ như sẽ không chỉ diễn ra ở Hương Khê Hà Tĩnh. Theo thầy, liệu chuyện học sinh nghỉ học như thế này có thể xảy ra ở nơi khác?
Theo tôi biết, trường Hương Bình có cơ sở khá khang trang. Tuy nhiên theo chủ trương của Hà Tĩnh, mỗi trường học phải có ít nhất 16 lớp. Trong khi đó, học sinh của trường chỉ đủ khoảng 8 lớp.
Thực tế, càng ngày số lượng học sinh ở nông thôn càng giảm đi. Nhiều người trẻ ngày nay thường thoát ly quê hương lên thành phố sinh sống, đẻ con. Vì vậy trường ở thành phố ngày càng đông trong khi ở nông thôn ngày càng giảm.
Việc sáp nhập trường sẽ còn diễn ra ở nhiều nơi ở nông thôn. Vì vậy cơ quan quản lý sẽ phải tính toán để tránh những hiện tượng tương tự xảy ra.
Vậy nếu thử đặt cương vị là cha mẹ của các em học sinh, thầy sẽ làm thế nào?
Quả thật là khi mình rơi vào hoàn cảnh thực tế mới hiểu hết được. Khi nóng nảy vì một sự việc nào đó, có thể tôi cũng xử sự như thế. Sau đó tôi vẫn phải nhìn vấn đề một cách thấu đáo. Tuy nhiên, việc con trẻ được đến trường vẫn là điều quan trọng nhất.
Cũng cần nhìn nhận, nếu càng ngày lớp học càng ít đi, học sinh buộc phải sáp nhập trường. Vì vậy, phụ huynh buộc phải chấp nhận việc con cái đi học xa. Không còn cách nào khác.
Ở cương vị một nhà giáo, thầy có cho con số 16 lớp hay 8 lớp trong một trường là quan trọng không? Điều đó có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục?
Số lớp cũng khá quan trọng. Một trường học có đủ số lớp, số giáo viên, học sinh nhất định thì việc vận hành mới hoàn chỉnh. Nếu ít quá, việc phân bổ giáo viên, kinh phí,... sẽ khá khó khăn. Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt, việc 8 lớp hay 6 lớp vẫn có thể khắc phục được.
Ở một số nước mà chúng ta xem trên truyền hình, nhiều vùng làng mạc cũng chỉ có một hai lớp học. Chúng ta có thể vận dụng theo cách đó không?
Đó người ta gọi là điểm trường. Các điểm trường nhỏ này đều thuộc hệ thống của một trường lớn. Đây cũng là một cách vận hành có thể giải quyết được. Sáp nhập trường nhưng không dịch chuyển.
Xin cảm ơn thầy!