Để sớm tìm ra nguyên nhân sự việc, ngay trong đêm qua (29/5) các cán bộ đã vượt hàng chục km về tận gia đình có người bệnh tử vong để khám nghiệm tử thi.
Liên quan đến sự việc 18 người bị sốc phản vệ, trong đó có 7 người tử vong khi đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, sáng ngày 30/5 UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức họp báo.
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình thông tin về vụ việc tại cuộc họp báo sáng nay
Theo ông Phạm Văn Sử - Phó GĐ công an tỉnh Hòa Bình, trong đêm ngày 29/5, công an tỉnh cùng với các cán bộ của Bộ Công an đã khám nghiệm tử thi xong.
“Trong số 7 trường hợp bệnh nhân tử vong, 6 trường hợp được khám nghiệm tử thi tại bệnh viện, còn một bệnh nhân quê ở Cao Phong, đã được người nhà đưa về gia đình. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan, chúng tôi đã cử các cán bộ về tận nhà làm nhiệm vụ khám nghiệm tử thi, nhằm sớm tìm ra nguyên nhân”, đại diện công an tỉnh Hòa Bình cho biết.
Ông Trương Qúy Dương - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình cho biết, hiện 10 bệnh nhân chuyển xuống Bệnh viện Bạch Mai được nằm tại 3 khoa: Hồi sức tích cực, khoa Cấp cứu và Thận nhân tạo.
Riêng bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, trưa nay trực tiếp PGS Nguyễn Quốc Anh (GĐ Bệnh viện Bạch Mai) sẽ lên hội chẩn, đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình nơi xảy ra vụ việc nghiêm trọng khiến 7 người tử vong
“Chúng tôi một lần nữa xin lỗi người nhà bệnh nhân, xin lỗi nhân dân vì đã để xảy ra sự việc đó tại bệnh viện. Chúng tôi nhận trách nhiệm về sự việc này, sai ở đâu chúng tôi xin nhận trách nhiệm ở đó”, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình nói.
Cũng tại cuộc họp này, phía Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết đã khi đình chỉ hoạt động của khoa thận nhân tạo, đồng thời phối hợp với các bệnh viện tuyến trung ương và Hà Nội nhằm tiếp nhận để điều trị cho các bệnh nhân đang chạy thận.
“Riêng đối với đơn nguyên chạy thận nhân tạo tại bệnh viện, chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra, sửa chữa và khôi phục lại hệ thống nhằm sớm đưa đơn vị hoạt động trở lại, đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân”, Giám đốc Sở Y tế Hòa Bình nói.
Cấp cứu bệnh nhân nặng sau ca chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình
Trước một số ý kiến cho rằng nhiều khả năng nguyên nhân xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng này là do thay đường nước, ảnh hưởng chất lượng nước dùng để chạy thận, ông Dương thông tin rằng việc thay đường nước là việc làm thường xuyên, định kỳ và có test chất lượng đầy đủ. Hiện bệnh viện có hai hệ thống lọc nước RO, 1 hệ thống chung, còn 1 hệ thống lọc riêng để đưa vào chạy thận, hệ thống này có quy chẩn rất nghiêm ngặt.
Về nguyên nhân cuối cùng của sự cố, ông Dương cho biết tuy đã khám nghiệm tử thi xong, nhưng việc đánh giá nguyên nhân và đưa ra kết luận cuối cùng phải do hội đồng chuyên môn đưa ra. “Tôi chưa dám khẳng định gì vào lúc này, tất cả phải đợi kết luận điều tra cuối cùng của các cơ quan chức năng”, ông Dương nói.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình xác nhận đến thời điểm này đã có 7 bệnh nhân tử vong, 11 bệnh nhân đang cấp cứu. Trong đó 10 bệnh nhân đã được chuyển xuống BV Bạch Mai, còn 1 bệnh nhân nặng vẫn đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.