Để trẻ em bị xâm hại đứng lên tố giác là việc không hề đơn giản; có những cháu bé bị xâm hại nhiều lần nhưng vẫn không dám nói ra sự thật.
Sáng 13-12, tại Đà Nẵng, diễn đàn Đối thoại phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái được tổ chức dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ. Tại đây, các đại biểu đã bày tỏ sự lo lắng trước các vấn nạn bạo lực gia đình, bạo lực học đường, tình trạng xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái hiện nay.Trẻ em gái: Nạn nhân của bạo lực
Ở Việt Nam, nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ công bố năm 2010 cho thấy 34% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết họ đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục, 58% phụ nữ chịu ít nhất một trong ba dạng bạo lực về thể xác, tình dục hoặc tinh thần ít nhất một lần trong đời.
Bà Hoàng Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng, cho biết tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc toàn xã hội. Trẻ em gái không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình mà còn là đối tượng dễ bị buôn bán, lạm dụng tình dục và bạo lực ngoài môi trường gia đình.
Theo thống kê của Sở VH-TT Đà Nẵng, từ 2009-2013, Đà Nẵng xảy ra hơn 1.100 vụ bạo lực gia đình, trong đó hơn 90% nạn nhân là phụ nữ và trẻ em gái. “Những vụ án mạng liên quan đến bạo lực là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta. Chúng ta không thể thờ ơ với tình trạng bạo lực đang hằng ngày, hằng giờ xảy ra và cướp đi sinh mạng của những phụ nữ và những đứa trẻ vô tội” - bà Hương nói.
Đề cập tới vấn nạn bạo lực học đường, đại diện Hội Phụ nữ TP tỏ ra lo lắng: “Bạo lực học đường ngày càng trở nên nghiêm trọng, gây bức xúc cho xã hội. Cần phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này?”.
Trả lời, phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết trong hai năm qua, TP xảy ra hai vụ bạo lực nổi cộm và đã được xử lý nghiêm khắc. Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, rà soát các quy chế, nội quy ở các cơ sở giáo dục. Đồng thời, Sở tổ chức các lớp tập huấn cho các giáo viên chủ nhiệm, bảo vệ nhà trường các kỹ năng ứng phó cần thiết khi học sinh gây gổ, đánh nhau tại trường học.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cho biết đơn vị này đã phối hợp với nhiều địa phương tổ chức lớp tập huấn cho các bảo mẫu những kỹ năng về chăm sóc trẻ để hạn chế các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
70% vụ xâm hại trẻ em là do người thân - ảnh 1Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tại diễn đàn Đối thoại phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Ảnh: TÂM AN
Tác động tiêu cực của mạng xã hộiThống kê của Công an TP Đà Nẵng cho biết từ năm 2012 đến 2016, TP có 78 vụ xâm hại trẻ em. Trong đó, nạn nhân chủ yếu là trẻ em gái và đa số là bị xâm hại về tình dục. Theo bà Lê Thị Tám, Chủ tịch Hội Từ thiện và Bảo vệ trẻ em TP Đà Nẵng, có tới hơn 70% các vụ xâm hại trẻ em là do người thân và người chăm sóc trực tiếp gây ra. “Điều đáng nói là để các cháu tự đứng lên tố giác là không đơn giản. Có cháu bị xâm hại nhiều lần những vẫn không dám nói sự thật” - bà Tám nói.
Bà Nguyễn Thị Cảnh, Phó Chánh án TAND TP Đà Nẵng, nói các vụ giao cấu với trẻ em có nhiều nguyên nhân mà trước hết là do ảnh hưởng từ mạng xã hội. “Qua xét xử các vụ việc, nhiều em thừa nhận là có xem các hình ảnh, clip xấu trên mạng rồi làm theo. Hiểu biết pháp luật của các em còn rất hạn chế. Nhiều em nghĩ cứ có tình cảm yêu đương thì quan hệ và sẽ không bị xử lý, đến khi nghe tòa phân tích thì mới òa khóc” - bà Cảnh cho hay.
Nguyên nhân thứ hai, bà Cảnh cho rằng là do gia đình buông lỏng quản lý. “Con gái 13, 14 tuổi mà nửa đêm cha mẹ vẫn để đi lang thang ngoài đường là không ổn. Nguyên nhân thứ ba là từ rượu bia, chất kích thích. Cuối cùng là do sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận người dân” - bà Cảnh nói.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết bên cạnh những mặt tích cực thì mạng xã hội cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ như kích thích, cổ vũ những hành vi bạo lực, đồi trụy... Ông Thơ đề nghị các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục để người dân, nhất là giới trẻ sử dụng mạng xã hội có ý thức và trách nhiệm hơn.
“Nhiều gia đình hiện vẫn để con cái nghịch iPad, iPhone cả ngày mà không có sự giám sát, quản lý của cha mẹ. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm. Bởi một khi cha mẹ không kiểm soát được con xem gì, nghe gì thì con cái sẽ rất dễ bị ảnh hưởng bởi cái xấu” - ông Thơ cho hay.
Tình trạng trẻ bị nhồi nhét kiến thức, áp lực về học hành, thi cử là có thật. Trẻ em phải được vui chơi, học tập để phát triển toàn diện. Nhưng thực tế, nhiều cháu đang phải chịu những áp lực học hành kinh khủng. Có cháu cứ nghĩ tới trường, lớp là sợ hãi. Chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc xem đây có phải là hành vi bạo lực hay không. Nếu đúng, các sở, ban ngành liên quan cần nghiên cứu để đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng này. Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng |