9 sự kiện trong nước nổi bật năm 2021: Làn sóng COVID-19 lần thứ 4 khốc liệt chưa từng có
Một năm 2021 đi qua với rất nhiều những biến động lớn nhỏ, tác động đến mọi mặt đời sống - xã hội. Cùng điểm lại loạt sự kiện nổi bật diễn ra trong năm vừa qua.
Ngày 27/4 đánh dấu khởi đầu của làn sóng dịch thứ 4 tại Việt Nam, khi bệnh nhân đầu tiên xuất hiện trong khách sạn tại tỉnh Yên Bái. Giai đoạn đầu, dịch bùng mạnh ở Bắc Giang, Bắc Ninh, tấn công chủ yếu các khu công nghiệp rồi nhanh chóng lan rộng nhiều tỉnh thành, trở thành đợt dịch khốc liệt nhất, ngoài sức tưởng tượng kể từ khi COVID-19 xâm nhập.
Theo thống kê, trong đợt dịch này có hơn 1,67 triệu người mắc, hơn 31.000 người tử vong. Số mắc mới hàng ngày có lúc lên hơn 16.000, gấp 5 lần tổng cộng ba đợt dịch trước. Chủng Delta chiếm ưu thế trong đợt dịch thứ 4, nguy hiểm hơn các chủng trước, thời gian ủ bệnh ngắn, phát tán nhanh, khiến bệnh nhân tăng theo cấp số nhân.
TP.HCM ghi nhận ca nhiễm muộn hơn, khoảng cuối tháng 5, nhưng số ca nhiễm và tử vong tăng nhanh. Các ổ dịch cộng đồng liên tục xuất hiện do dịch đã "thấm sâu" nhiều chu kỳ. Hơn 70% số ca tử vong cả nước tập trung ở đây. Những nữ bác sĩ kể lại, họ đã ôm nhau khóc vì bất lực, khi chứng kiến bệnh nhân chết liên tục ngay trước mắt. Bất chấp họ đã dùng toàn bộ sức lực giành giật với tử thần... Thành phố trải qua những ngày "đau thương, mất mát rất lớn, chưa từng có trong lịch sử", như lời Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên.
Đối diện với tình hình số ca mắc tăng quá nhanh, số ca chuyển nặng và tử vong tăng cao, TP.HCM đã thay đổi chiến lược từ cách ly tập trung chuyển sang cách ly F0, F1 tại nhà, giảm số ca nhập viện bằng cách thiết lập các trạm y tế lưu động ở cơ sở, trang bị thêm oxy và trang thiết bị y tế; phát thuốc cho F0. Cả nước cũng thực hiện cuộc điều động chưa từng có sau chiến tranh với 300.000 lượt y bác sĩ, điều dưỡng, bộ đội, công an... vào miền Nam hỗ trợ chống dịch.
Xác định "không thể cách ly, phong tỏa mãi", ngày 11/10, Việt Nam chuyển hướng chiến lược bằng Nghị quyết 128 về Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Không theo đuổi "zero Covid" như giai đoạn trước, chiến lược mới đặt mục tiêu hạn chế thấp nhất ca nhiễm, ca chuyển nặng, tử vong, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội.
Sau hơn 2 tháng thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nhịp sống ở hầu hết địa phương đã gần như trở về bình thường. Tỉ lệ phủ vắc xin ngừa COVID-19 mũi 1, mũi 2 khá cao, người dân mạnh dạn hơn khi tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tại TP.HCM, các tỉnh phía Nam đã đón lao động từ các tỉnh lỵ đi làm trở lại, luôn đảm bảo tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử tại Việt Nam được triển khai từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022, tại cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện tại tất cả các tuyến. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nước ta, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, tạo miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Theo dữ liệu trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, cả nước đã tiêm hơn 137,5 triệu liều vắc-xin COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong đó, số liều vắc-xin COVID-19 tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là hơn 128 triệu liều với hơn gần 58 triệu liều cho mũi 2 và 1.098.225 mũi 3. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vắc-xin là 96,8% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 80,8% dân số từ 18 tuổi trở lên.
So với kế hoạch, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin COVID-19 của Việt Nam đã về đích sớm hơn dự kiến. Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đã có sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông và Giao thông Vận tải... để xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai trên quan điểm thống nhất “tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, đảm bảo an toàn, hiệu quả, công bằng và công khai; quyết tâm, nỗ lực để thực hiện hiệu quả, thành công chiến dịch tiêm chủng với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, “không bỏ phí bất cứ một liều vắc xin nào” và “không lãng phí bất cứ đồng nào từ Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 của Việt Nam”.
Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 mũi 3 và mũi 4 cho người dân.
Lễ khai giảng năm học 2021 - 2022 có lẽ là lễ khai giảng đặc biệt nhất của hơn 22 triệu học sinh, sinh viên trên cả nước. Lần đầu tiên lễ khai giảng được tiến hành online, mở đầu cho một năm học đảo lộn và gián đoạn, 22 triệu học sinh - sinh viên ở nhà nhiều hơn đến lớp.
Lần đầu tiên trong lịch sử ngành giáo dục, từ bài tập viết của học sinh lớp 1 cho đến những bài thực hành của sinh viên đại học đều được thực hiện thông qua màn hình máy tính, qua nhiều hình thức như livestream, quay video mô phỏng… Lần đầu tiên trong lịch sử ngành giáo dục, thầy cô và đội ngũ cán bộ nhà trường không quản lý, điều hành hoạt động dạy và học, thay vào đó, ông bà, cha mẹ, anh chị em trong gia đình đều là những người tham gia vào quá trình này.
Hầu hết các giáo viên phổ thông đều chưa có kinh nghiệm dạy học trực tuyến. Nhưng với tinh thần tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học, các thầy cô đã bắt tay vào triển khai phương thức dạy học đầy mới mẻ, khó khăn, và chưa từng được đào tạo một cách bài bản trước đó. Tại các gia đình, trẻ em từ chỗ bị cấm hoặc hạn chế dùng thiết bị điện tử nay buộc phải ngồi trước màn hình máy tính hoặc điện thoại nhiều giờ mỗi ngày. Cho đến nay, các em học sinh tại nhiều tỉnh thành vẫn chưa một lần được tới trường trong năm học mới.
Tuyến metro Cát Linh - Hà Đông được đưa vào hoạt động ngày 6/11 đã đánh dấu mốc là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và cũng là của cả nước được đưa vào khai thác thương mại…
Được khởi công xây dựng từ tháng 10/2011, sau tròn 10 năm, tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông (tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Việt Nam) chính thức đi vào hoạt động vào cuối năm 2021. Theo tiến độ dự án ban đầu được xác định đưa vào khai thác thương mại từ tháng 6/2015, sau rất nhiều lần lùi thời hạn, đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông mới được đưa vào vận hành nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm của Chính phủ. Từ mức đầu tư ban đầu hơn 8.770 tỷ đồng, dự án bị “đội vốn” lên hơn 18.002 tỷ đồng.
Sau 1 tháng khai thác thương mại, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (metro Cát Linh - Hà Đông) đã vận hành ổn định theo đúng kế hoạch. Các vấn đề phát sinh đã được kịp thời xử lý, không làm ảnh hưởng tới biểu đồ hoạt động của tuyến. Chậm trễ, đội vốn trong việc triển khai dự án này mang đến nhiều bài học đắt giá về quản lý, triển khai thực hiện các dự án hạ tầng vay vốn ODA.
Sau bao ngày tháng chờ đợi, người dân thủ đô háo hức trải nghiệm trên chuyến tàu cao tốc thay vì đi xe cá nhân như trước đây.
Từ đầu năm 2021 đến nay, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện 2 dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Chiến dịch cấp CCCD. Bước đầu, cả hai chiến dịch đã gặt hái những thành tựu quan trọng. Đây là dự án lớn về công nghệ số cấp quốc gia được đánh giá có những tác động lớn, tích cực đến tình hình kinh tế - xã hội và mang lại nhiều tiện ích cho người dân.
Việc cấp đổi căn cước công dân (CCCD) gắn chip đang bước vào giai đoạn 2 với mục tiêu cấp đổi 30 triệu thẻ. Trong giai đoạn một, hơn 50 triệu thẻ CCCD gắn chip đã được hoàn thành. Dự tính đến đầu năm 2022 sẽ phủ sóng toàn bộ cho công dân trên cả nước. Do dịch bệnh COVID-19, nhiều địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, cùng với đó là việc nhập khẩu con chip điện tử bị gián đoạn, đã ảnh hưởng đến tiến độ thu nhận hồ sơ công dân tại các địa phương cũng như việc in ấn, cấp phát thẻ.
Cùng lúc đó, hệ thống CSDL quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý CCCD gắn chip, do Bộ Công an chủ trì vận hành, đã sẵn sàng về kỹ thuật, dữ liệu để liên thông, chia sẻ với các bộ, ngành, lĩnh vực; và nếu được Chính phủ phê duyệt thì trong năm 2022, người dân hoàn toàn có thể hưởng lợi các tiện ích từ thẻ CCCD gắn chip.
Kết quả của 2 dự án có sự đóng góp của hàng ngàn, hàng vạn chiến sĩ lực lượng công an trên khắp mọi miền cả nước dưới sự chỉ đạo thống nhất từ lãnh đạo Bộ đến Công an các địa phương. Qua thực hiện dự án cũng cho thấy, các đồng chí rất trách nhiệm, rất sáng tạo, nếu biết khơi dậy và phát huy tốt tinh thần này thì nhiệm vụ dù khó khăn, vất vả đến đâu cũng có thể hoàn thành được.
2021 là một năm trải qua nhiều cung bậc cảm xúc của người hâm mộ bóng đá nước nhà. Thành công với tấm vé vào chơi ở vòng thứ 3 vòng loại World Cup 2022 lần đầu tiên, là thành tích rất lớn mà thuyền trưởng người Hàn Quốc cùng các cầu thủ mang lại cho người hâm mộ cũng như bóng đá Việt Nam trong suốt hành trình dẫn dắt dưới thời ông Park Hang-seo.
Sau 8 trận đấu ở Vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực Châu Á, đội tuyển Việt Nam thắng 5, hoà 2, thua 1. Thầy trò ông Park Hang-seo có được 17 điểm, ghi được 13 bàn thắng và để lọt lưới 5 bàn. Đội tuyển Việt Nam giành vé đi tiếp vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022 với tư cách là một trong 5 đội nhì có thành tích tốt nhất.
Đây là lần đầu tiên đội tuyển Việt Nam tiến đến vòng loại cuối World Cup khu vực châu Á, không chỉ là sự ghi nhận về mặt thành tích mà còn đánh dấu sự vượt ngưỡng về năng lực và tâm lý của một nền bóng đá. Việc được trui rèn với những đội bóng hàng đầu châu lục giúp các cầu thủ Việt Nam có thêm kinh nghiệm, bản lĩnh hơn, đồng thời tạo tiền đề để các đội tuyển Việt Nam tự tin hơn khi bước vào những giải đấu lớn về sau.
Ở một sân chơi quá tầm và chưa thể giành được điểm số đầu tiên, nhưng điều này không khiến người hâm mộ phiền lòng, bởi như từng nói trước đây việc có thể ra sân tranh tài, học hỏi từ các đội bóng xuất sắc nhất châu lục mới là câu chuyện đáng tự hào. Bóng đá Việt Nam đã vượt qua Indonesia, Thái Lan, Malaysia ở vòng loại World Cup 2022 để thực sự là lá cờ đầu của bóng đá khu vực, đồng thời mang đến sự tự hào không chỉ cho người hâm mộ trong nước mà còn ở cả Đông Nam Á.
Ngày 18/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) cho biết đã khởi tố ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á, bị khởi tố với cáo buộc nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19, phạm tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Các đối tượng là lãnh đạo chủ chốt Công ty Việt Á khai nhận, lợi dụng nhu cầu cấp bách test COVID của các địa phương trên cả nước nên doanh nghiệp này đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 cho các bệnh viện, CDC các địa phương. Sau đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ chỉ định thầu, xác nhận khống các báo giá để ký hợp đồng và thanh quyết toán.
Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Tổng giám đốc và các đối tượng thuộc Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá, xác định giá bán là 470.000 đồng/kít, thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố. Trong đó, Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương được chi số tiền % ngoài hợp đồng gần 30 tỷ đồng.
Đến nay, doanh nghiệp đã cung ứng kit cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố, doanh thu gần 4.000 tỷ đồng. Hiện, vụ việc vẫn đang được quan tâm và làm rõ.
Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 lần thứ 4 đã làm lực lượng lao động ở mức thấp nhất kể từ khi dịch xuất hiện. Tổng cục Thống kê đã công bố về tình hình lao động, việc làm quý III và 9 tháng đầu 2021, cho biết: Số người có việc làm giảm sâu so với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng lên mức cao nhất chưa từng thấy.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý III năm 2021 là 49,1 triệu người, giảm 2,0 triệu người so với quý trước và giảm 2,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý III năm 2021 là 65,6%, giảm 2,9 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 3,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2021 là hơn 1,7 triệu người, tăng 532,2 nghìn người so với quý trước và tăng 449,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Biểu đồ về tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm 9 tháng năm 2021. Ảnh: Tổng cục Thống kê
Làn sóng lần thứ 4 của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lây lan nhanh và kéo dài đã làm tăng tỉ lệ và số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý III/2021 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Trong đó, tỉ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị cao hơn so với khu vực nông thôn (tương ứng là 5,33% và 3,94%), trái ngược hoàn toàn với xu hướng trước đây là tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường nghiêm trọng hơn so với thành thị.
Không chỉ những người mất việc làm, mà ngay cả người lao động đang có việc cũng chịu tác động không nhỏ của đại dịch COVID-19. Trong số 26.378 người tham gia khảo sát trả lời đang có việc, 42% người trả lời cho biết hình thức làm việc của họ hoàn toàn là online, gần 29% trả lời đang làm việc với hình thức 50% thời gian online và 50% thời gian tại công sở. Tuy vậy, các chính sách và chế độ an sinh xã hội đã kịp thời được áp dụng, nhằm cải thiện tình trạng thất nghiệp, mất việc làm, hỗ trợ người lao động sớm ổn định lại công việc trong bối cảnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Năm 2021 - một năm đầy biến động, nhiều mất mát, khó khăn đã khép lại. Đêm qua, người dân nơi nơi trên khắp thế giới hân hoan chào đón năm mới 2022 với kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn, dịch bệnh nhanh qua đi để cuộc sống trở lại bình thường mới.
Tin liên quan
Ông là vị vua cuối cùng của thời Lê Sơ, lên ngôi trong bối cảnh đất nước suy yếu, loạn lạc khắp nơi. Dù ngồi ngai vàng 5 năm nhưng ông thực...
Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h
Theo cập nhật giá vàng hôm nay, ngày 22/11, thị trường vàng trong nước tiếp tục tăng rất mạnh giá vàng miếng và giá vàng nhẫn phiên thứ 5 liên tiếp.