Ai quan tâm nạn nhân?

Ngày 22/12/2017 09:54 AM (GMT+7)

Cho dù là người thân của kẻ sát nhân không có nghĩa họ là đồng lõa, đồng phạm. Họ sẽ tiếp tục sống như thế nào ở một xã hội lắm dị nghị và luôn dòm ngó?

Trong cuốn sách nổi tiếng The Art of Thinking Clearly (Nghệ thuật tư duy rành mạch), tác giả Rolf Dobelli có nhiều chương nói về sự không cần thiết phải nghe tin giết người, khủng bố, hãm hiếp và kết quả là con người ta hầu như không bỏ lỡ một điều gì quan trọng. Trái lại, thay vì thời gian đó ông dành đọc sách để thấy tâm tịnh hơn.

Tôi rất tâm đắc và tự hỏi tại sao chúng ta cần đọc tin giết người: để gieo nỗi lo sợ bất an cho chính mình hay để thêm cẩn trọng? Tôi thì nghĩ là không cẩn trọng thêm được gì. Có chăng chỉ là để tiêu khiển và bàn tán? Rồi thấy cuộc đời u ám, xã hội loạn lạc. Rồi chán ngán hơn...

Ai quan tâm nạn nhân? - 1

Ảnh minh họa.

Với tốc độ lan truyền của viral, các tin bà giết cháu, vợ giết chồng, tài xế hãm hiếp lan truyền kinh khủng, ai cũng bàn tán bình luận. Tôi không hề click vào một cái link nào để đọc mà chỉ nghe người ta bàn trong công ty rồi thấy trên newsfeed.

Bản thân tôi cũng thấy lo lắng, không phải cho mình hay xã hội mà lo cho những nạn nhân sau đó. Chuyện bà giết cháu, báo chí phanh phui, mọi người bàn luận vậy, thiên hạ đều tường tận, cặp vợ chồng kia sống tiếp như thế nào ở cái xã hội dị nghị dòm ngó này? Hai đứa con của người vợ giết chồng kia sẽ đi học, sẽ sống tiếp ra sao ở đất nước này? Người phụ nữ bị gã xe ôm Uber kia hãm hại, rồi cô ấy sẽ bị sang chấn tâm lý một lần nữa bởi đi đâu cũng nghe người ta bàn tán rêu rao.

Thậm chí, không ít tờ báo còn tìm đến tận nhà hay quê quán, hỏi han hàng xóm, mặc kệ người thân đang hoang mang buồn rầu cứ vào khai thác thông tin để thỏa thị hiếu của người đọc. Hầu như không ai quan tâm đến nạn nhân còn sống hay những người phải sống tiếp. Truyền thông lao vào khai thác vì tin nóng xã hội quan tâm sẽ có lượt xem cao. Người người nói chuyện như thể chuyện giải trí, xuýt xoa rồi lan truyền bàn tán bên ly cà phê hay bàn ăn trưa. Xin hãy dừng lại! Đừng chỉ vì đem câu chuyện phiếm làm quà mà góp phần làm tổn thương người khác.

Ai quan tâm nạn nhân? - 2

Ảnh minh họa.

Mỗi con người khi gây ra lỗi lầm phần đông đều thấy nặng nề, mặc cảm. Bạn thử nghĩ đến người bị xâm hại, đứa trẻ có cha mẹ giết nhau, còn đường sống nào cho họ? Họ có thể làm gì để thoát khỏi những lời bàn tán, ánh mắt săm soi của xã hội, người thân? Cho dù là người thân của kẻ sát nhân thì họ cũng là nạn nhân và liệu họ có thể sống bình thường vui vẻ trở lại hay không?

Tôi ước gì bản thân đủ giàu để xây một nơi to cách xa phố thị để tiếp nhận những nạn nhân như thế. Vì ai cũng cần và xứng đáng được sống tiếp cuộc đời còn lại thanh thản hơn.

Xin truyền thông bớt khai thác, xin người đời bớt đọc, xin bớt lan truyền những thông tin xấu độc. Được không?

Thay vì ngồi lướt hết tin cướp hiếp này đến tin giết chóc khác, rồi chặc lưỡi bàn tán qua ngày này qua tháng nọ, mọi người chú tâm làm tốt công việc mình đang có; thời gian rảnh rỗi thì đọc sách trau dồi tâm hồn và kiến thức của mình, sắp xếp thời gian để rèn luyện thể thao, giữ sức khỏe , sống tích cực, quan tâm những vấn đề thiết thực như môi trường thì năng lượng tích cực sẽ lan tỏa, tự tâm cũng thấy nhẹ nhàng đi, những vụ việc thương tâm tự khắc thuyên giảm.

Đó chính là chữa từ gốc rễ vấn đề. 

Hoàng Lê Giang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức 24h