Những ồn ào của nghệ sỹ Lê Giang "Sau ánh hào quang" hay những vụ việc đau lòng như cha giết con 5 tuổi ở Gia Lai, bố bạo hành con trai 10 tuổi ... đã phần nào cho thấy cách ứng xử thiếu tinh tế của người lớn thời “hậu ly hôn”.
Câu chuyện hậu ly hôn của nghệ sĩ Lê Giang khi chương trình "Sau ánh hào quang" phát sóng vẫn đang dậy sóng mạng. Trước ống kính truyền hình, Lê Giang đã kể về những đau khổ trong cuộc hôn nhân: bị chồng bạo hành, ném từ cầu thang xuống đất… Chuyện kể trong nước mắt của Lê Giang bị chính người chồng cũ Duy Phương phủ nhận và tuyên bố kiện nhà đài. Báo chí càng vào cuộc thì sự việc càng bị đẩy lên.
Cho đến giờ, câu chuyện vẫn chưa ngã ngũ và bao thị phi không chỉ riêng Duy Phương và Lê Giang gánh chịu, mà tất cả những người thân của họ đều bị cuốn vào “vòng xoáy”. Lãnh hậu quả nặng nề, tổn thương tình cảm nhiều nhất lại chính là các con của Duy Phương và Lê Giang.
Mới nhất, tối 11/12, cậu bé 5 tuổi ở Pleiku đã bị chết oan uổng bởi chính tay người cha, chỉ vì cha mẹ cậu cãi nhau trong lần gặp lại sau khi đã “đường ai nấy đi”.
Trước đó vài ngày, vụ việc cậu bé 10 tuổi bị cha đẻ và mẹ kế bạo hành hơn một năm trời cũng làm rúng động dư luận. Người người hả hê khi bố cháu bị bắt, nhưng mấy ai nghĩ rằng, với cháu bé, nỗi đau càng chồng lên nỗi đau bởi mang tiếng có người bố độc ác và còn phải đi tù … Những vết thương đó không bao giờ liền sẹo trong tâm hồn đứa trẻ.
Ảnh minh họa
Không khó khăn gì để thấy, những câu chuyện đau lòng trên đều có điểm xuất phát chung là “văn hóa ly hôn” của người trong cuộc rất kém. Thay vì chấp nhận cuộc sống mới, những người gây nên chuyện đều cố chấp với quá khứ và tìm mọi cách để làm đau lòng người cũ.
Cậu bé 5 tuổi ở Pleiku hoàn toàn vô tội trong cuộc tranh cãi của bố mẹ. Nhưng chỉ một phút muốn vợ mình tột cùng đau khổ, người đàn ông này không từ cả hành động độc ác nhất là giết chính con đẻ của mình.
Trần Hoài Nam, người cha bạo hành bé 10 tuổi ở Hà Nội cũng thế, hắn mang con đi và cố tình cắt đứt mọi liên lạc, chỉ để làm cho mẹ cháu bé không thể gặp được con. Và, có lẽ vì những ẩn ức với người vợ cũ luôn lẩn khuất trong đầu đã khiến hắn trút hận lên người đứa con bằng những trận đòn thù.
Lê Giang cũng không ngoại lệ. Nỗi buồn với cuộc hôn nhân cũ vẫn âm ỉ trong lòng khiến chị không “để cho quá khứ chôn vùi quá khứ”. Giá chị bao dung hơn, gác lại những ngày tháng không yên ả để sống tiếp, thì sóng gió đã không đến với chị và các con của anh chị như bây giờ…
Không ai muốn hôn nhân tan vỡ. Nhưng không phải cặp đôi nào cũng may mắn được hạnh phúc đến “đầu bạc răng long”. Song tiền nhân có câu “một ngày nên nghĩa”, nên nếu không còn duyên, còn tình, vẫn còn nghĩa của bao ngày tháng tay ấp má kề, nhất là còn sợi dây nối là những đứa con, để kiềm chế và ứng xử sao cho tâm hồn con cái không hằn thêm những vết thương ân oán, mà bản thân người trong cuộc cũng không phải nặng nề.
Khi bố mẹ chia tay, con cái đã mất mát về tình cảm rất nhiều, vì thế, càng không nên để chúng thiệt thòi thêm khi luôn phải chứng kiến mối quan hệ giữa bố mẹ đầy căng thẳng. Những đứa trẻ có bố mẹ luôn giữ trong lòng nỗi hận thù sau ly hôn thường khó có thể sống vui vẻ, thanh thản và độ lượng với mọi người.
Con cái có thể không nói ra, nhưng luôn biết nhìn vào cách ứng xử của cha mẹ để chia sẻ và trân trọng hay không. Thế thì tại sao không coi nhau là bạn, để những đứa con luôn có được tình cảm ấm áp từ cả bố lẫn mẹ, mà chính người trong cuộc cũng cảm thấy thanh thản trong tâm?
Thực tế rất nhiều người đã biết chọn thái độ văn minh sau chia tay. Họ coi nhau là bạn, ốm đau, cưới xin đều có mặt. Nhiều người giữ mối quan hệ với gia đình chồng/vợ như cũ.
Không chỉ họ mà con cái họ cũng được sống trong không khí yên bình, khi bố mẹ đều có ý thức tôn trọng nhau. Cách ứng xử của họ chính là bài học lớn trong việc dạy con.
Việc ôm hận thù sau ly hôn của những vụ việc vừa xảy ra cho thấy chỉ mang lại cay đắng cho tất cả những người liên quan chứ không có ai được hạnh phúc.