Theo các chuyên gia, người Việt Nam thường có thói quen ăn mặn, và đây chính là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt căn bệnh từ trẻ nhỏ đến người già.
Theo đó, thói quen ăn mặn (ăn quá hàm lượng muối theo tiêu chuẩn) xảy ra hầu hết ở các gia đình Việt, đặc biệt là ở các vùng nông thôn với nhiều món truyền thống như mắm, kho hay dưa cà, dưa muối…Chính vì thế lượng muối đưa vào cơ thể luôn vượt ngưỡng cho phép.
Một ví dụ điển hình được Viện Dinh dưỡng Quốc gia khảo sát tại Thành phố Việt Trì (Phú Thọ) cho thấy, trung bình người dân tại đây dùng tới 15,3gram muối/ngày, trong khi đó khuyến cáo của tổ chức y tế chỉ có dưới 5gram/ngày.
“Nếu tính trung bình, người Việt chúng ta đang ăn lượng muối gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, trong khi lượng rau thì gần 30 năm, tính từ điều tra năm 1985 đến nay dường như không thay đổi, vẫn chỉ ở mức 200 gr/người/ngày, trong khi khuyến cáo là 400gr”, phó giáo sư, tiến sĩ Lê Bạch Mai – Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết.
(Ảnh minh họa)
Theo phó giáo sư Bạch Mai, thể trạng của người Việt Nam hiện nay vẫn thấp, lùn, nguyên nhân chính là do ăn uống. Theo đó, trong 30 năm qua chiều cao người Việt mới có sự cải thiện. Chiều cao trung bình hiện tại của nam giới là 164,4 cm và của nữ là 153,4 cm. Tốc độ tăng chiều cao của nam giới cao hơn nữ giới, nhưng tính trung bình mới chỉ tăng khoảng 1-1,5 cm trong một thập kỷ.
Phó giáo sư Bạch Mai cho rằng, thói quen ăn uống thừa đạm, thiếu can xi, ăn thủy sản và ăn quá mặn chính là nguyên nhân của tình trạng này, ngoài ra nguồn thức ăn không đủ can xi cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng thấp lùn của người Việt.
“Sữa là nguồn giàu canxi, dễ hấp thụ, nhưng chưa là khẩu phần bình thường trong bữa ăn mà chỉ dành cho trẻ em, người ốm, người già. Trong khi đó, cua, tôm, cá nhiều canxi, song nếu tận dụng lượng canxi từ hải sản thì phải ăn cả mai và yếm cua, cá ăn cả xương, tôm ăn cả vỏ”, tiến sĩ Mai phân tích.
Ngoài ra, ăn mặn làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với natri, ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi, dẫn đến tăng huyết áp. Việc ăn nhiều muối cộng thêm các yếu tố stress trong cuộc sống sẽ làm tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi và tăng huyết áp.
Một vấn đề khác mà các “đấng mày râu” cũng nên quan tâm đó chính là việc ăn quá mặn sẽ ảnh hưởng đến thận, trong khi đó thận là một trong những bộ phận quan trọng quyết định đến sinh lý của người đàn ông. Chính bởi vậy, việc ăn mặn sẽ gây tổn thương đến tân dịch, làm suy yếu thần sắc ảnh hưởng đến sinh lý đàn ông.
Theo các chuyên gia, để phòng chống các bệnh do thói quen ăn mặn gây ra, người dân nên hạn chế muối vừa phải trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc loại bỏ hoàn toàn muối trong bữa ăn vì nó đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể. Bởi vậy, hãy ăn một liều lượng phù hợp theo khuyến cáo của ngành y tế để bảo vệ sức khỏe là điều quan trong nhất.