"Tâm lý nhận tội bừa" của ông Nguyễn Thanh Chấn, việc ép cung, dùng nhục hình trong vụ án oan 10 năm được giải mã dưới góc độ tâm lý.
Ông Chấn nhất mực kêu oan và nói rằng, thời điểm ký tên nhận tội là do bị ép cung? Còn các điều tra viên trực tiếp tham gia điều tra vụ án thì một mực phủ nhận rằng họ không ép cung? PV có cuộc trao đổi với các chuyên gia tâm lý, xã hội học để cùng mổ xẻ những diễn biến tâm lý phức tạp của các “bên liên quan” trong vụ kỳ án này.
Giải mã “tâm lý nhận tội bừa” của ông Nguyễn Thanh Chấn
Đó là ý kiến nhận định của chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn xung quanh tâm lý của một người không phạm tội, cũng ký nhận vào bản khai nhận. Ông Chấn đã kể trên nhiều tờ báo là bị ép, mớm cung, thậm chí còn được “dạy” để thể hiện hành vi, chi tiết thể hiện trong việc thực nghiệm hiện trường. Đối với một người bình thường, chưa từng va chạm với pháp luật, việc này sẽ dẫn đến hậu quả suốt ngày đêm không ngủ được. Tất cả những điều đó khiến ông Chấn mệt nhọc, không còn lối thoát nào cả, sự ức chế tâm lý lên đến đỉnh điểm. Trong tình trạng không còn lối thoát nào khác, bắt buộc ông Chấn phải ký vào bản nhận tội.
Sau khi chịu án oan 10 năm, ông Chấn được minh oan
Vấn đề đặt ra là ông Chấn có bị ép cung thật hay không? Các điều tra viên viết tường trình nói họ không ép cung. Sự thật đến đâu? Diễn biến tâm lý thông thường của một con người, nếu không có tội, hiếm khi tự ký nhận là mình có tội cả. Khi buộc phải ký rồi, suốt 10 năm qua, ông Chấn viết thư về gia đình vẫn viết những lá đơn để gia đình gửi đi khắp nơi kêu oan. Nếu loại trừ trường hợp bị ép cung, mớm cung thì có lẽ ông Chấn có một tâm lý duy nhất nghĩ rằng: “Nếu nhận, khai bừa, khai theo ý của người hỏi cung thì khả năng mình sẽ được giải thoát”. Tâm lý này xuất hiện khi con người ta không hiểu biết pháp luật, có sự nhầm lẫn. Chính bản thân ông Chấn trong chia sẻ với dư luận cũng nghĩ rằng “nếu khai ra thì chỉ bị khoảng 12 năm tù”. Có thể đó là một trong nguyên nhân khiến ông Chấn ký nhận tội.
Mặt khác nó còn là tâm lý chung của nhiều người khi bị tạm giam rằng “thôi cứ khai bừa đi thì có khi lại được nhẹ tội” nhưng họ không hiểu đã khai là nhận tội. Mà nhận tội là xử lý theo pháp luật. Khi đó, họ cứ nghĩ khai thành khẩn thì được giảm tội, chỉ đến khi bị xử án và lấy cái đó ra làm tội thì họ bắt đầu sợ và thấy rằng lúc đó họ nghĩ sai, nhưng nghĩ sai mà giấy trắng mực đen rồi... “Bút sa gà chết rồi”. Ông Chấn thì bảo bị ép cung, còn các điều tra viên nói không có chuyện ép cung. Bên bảo có, bên bảo không trong khi đó sự việc đã diễn ra 10 năm không chứng cứ, bây giờ, chắc chắn diễn biến tâm lý của họ rất khác nhau? Chuyên gia Nguyễn An Chất phân tích: “Tâm lý của người không phạm tội mà nhận tội, thì chỉ là hy vọng rằng nhận thì sẽ không bị tù nhiều và nhanh chóng trở về với gia đình. Một suy nghĩ dễ nảy sinh tại thời điểm đó là “ký cũng chết mà không ký cũng chết” nên cứ ký bừa đi.
Ông Chấn thắp hương trước bàn thờ tổ tiên sau khi ông đã được trả tự sau 10 năm chịu án oan
Điều đó lý giải vì sao, ông Chấn cũng đã mấy lần tự tử. Hơn nữa, tâm lý đang bị tạm giam, bị tách rời khỏi cộng đồng, người ta cần chia sẻ, muốn nói lên sự thật nhưng lại không có chỗ nào để nói cả. Ở thời điểm đó, họ thấy có lẽ nhận tội là xong chuyện và may ra thoát tội, may ra án nhẹ. Cái đó là cầu khẩn, mong muốn của người ta. Còn với các điều tra viên, nếu họ có ép cung thật mà họ không nhận là vì vị trí, vì quyền lợi của bản thân cùng với nó là thừa nhận sự yếu kém về chuyên môn của mình. Nếu giấu giếm được việc ép cung, họ sẽ hoàn thành việc phá án nhanh, được khen thưởng, được thăng tiến...”.
Nhiều “đạo diễn” cho một “kịch bản” án nghi oan
Chuyên gia xã hội học, TS. Trịnh Hoà Bình cho rằng: "Nếu xét dưới góc độ suy diễn tâm lý, phân tích những ứng xử của con người với con người, có thể đặt câu hỏi vì sao ông Chấn có thể vẽ được, diễn được, kể lại được quá trình phạm tội của mình, vì sao những lời khai của ông lại trùng khớp với lại diễn biến vụ án, mặc dù trước đây ông Chấn không biết gì cả? Chắc chắn phải có nhiều “đạo diễn”, cùng nhau xây dựng kịch bản ấy. Có thế, hồ sơ của ông Chấn mới “hoàn hảo” tại cơ quan điều tra như vậy.
Cụ thể, tâm lý của cán bộ điều tra là làm “khép” hồ sơ ở giai đoạn điều tra, có ký nhận của ông Chấn là... xong. Tức ông Chấn không thể chối cãi được và không có chứng cứ thì không thể tìm ra chuyện ép cung. Chắc chắn, ông Chấn bị một áp lực tâm lý rất khủng khiếp, hoặc có thể bị rơi vào hoảng loạn. Điều này, cũng dễ hiểu bởi chỉ nghĩ đến việc chuyển trại giam, không ăn, không ngủ, rồi bị “đầu gấu” trong trại đánh thôi cũng đủ để sợ hãi rồi.
Chưa kể việc bị đe dọa, hoặc thỉnh thoảng họ "dụ dỗ" rằng nếu khai thành khẩn, hoặc ký vào bản nhận tội thì sẽ được giảm tội, nhanh về nhà. Theo đó, trong trạng thái đang hoảng loạn thì cho dù không có tội nhưng họ sẽ vẫn ký vào biên bản lấy cung”.
Việc 6 điều tra viên đồng loạt phủ nhận việc họ đã ép cung, mớm cung, dùng nhục hình để ép ông Chấn nhận tội giết người được diễn tả như thế nào? TS.Bình thẳng thắn: “Người ta vì quyền lợi của mình trước nên mới vậy. Tâm lý của các điều tra viên là phá án nhanh, để đồng đội không thể khinh thường, để thăng tiến. Trong vụ án này, người có trách nhiệm cao nhất là ông Văn Minh- khi đó là Phó giám đốc công an Bắc Giang, bây giờ là Giám đốc. Ông ta không trực tiếp hỏi cung. Ông ta là người giỏi về tâm lý tội phạm, nhưng chưa thực sự giỏi về tâm lý người bình thường nên mới dễ dàng ký vào biên bản điều tra để gửi sang các cơ quan công tố. Đương nhiên, người ký này là người phải chịu trách nhiệm cao nhất khi phải điều tra xem có đúng lời khai của ông Chấn là đúng không và kíp điều tra đó có ép cung ông Chấn không?”.
Tâm lý “khoán việc” dẫn đến ép cung, nhục hình?
Tiến sĩ xã hội học Lưu Hồng Minh, Học viện Báo chí tuyên truyền nhìn nhận: “Dưới góc độ xã hội, khi các công việc được giao khoán cộng thêm sức ép về thời gian, thì không chỉ có ở Việt Nam mà ngay cả nhiều nước trên thế giới, việc người khác can thiệp vào để làm sai lệch kết quả vụ án là điều có thể xảy ra. Xét ở vụ án này, có hay không việc ép cung, mớm cung thì cần phải điều tra rõ ràng, nhưng ở dưới góc độ xã hội học thì mọi điều đều có thể xảy ra.
Đối với các điều tra viên, khi đang trong quá trình điều tra, họ bị sức ép về thời gian hoàn thành vụ án, khi chưa tìm được hung thủ thực sự mà lại có chứng cứ (dấu chân) “tố ông Chấn” thì theo logic, họ sẽ nghĩ ông Chấn chắc chắn là hung thủ. Đồng thời, họ coi ông Chấn chối tội cũng hết sức bình thường, vì hầu hết các tội phạm đều chối tội của mình, khi chưa có chứng cứ rõ ràng.
Theo đó, có thể vì thế những điều tra viên này sẽ phải đi theo hướng ép cung, hoặc dùng nhục hình để buộc tội ông Chấn. Quan trọng nhất bây giờ là với những người cầm cân nảy mực, phải có sự tỉnh táo, phải có sự xem xét, phân tích từ nhiều khía cạnh để làm sáng tỏ vấn đề".
Điều bình thường và bất bình thường Thực sự, muốn điều tra kíp điều tra viên có ép cung hay không cần phải có một bộ phận làm độc lập. Bởi, họ đã có tâm lý che giấu, ép cung ngay từ đầu, bây giờ không có chứng cứ, chỉ lời khai của ông Chấn, điều tra viên phủ nhận ép cung là tâm lý thường thấy. Họ không nhận là tâm lý bình thường, còn họ nhận mới là tâm lý bất bình thường. |