Án oan chấn động: 9 trai trẻ bị 'cướp' tương lai

Ngày 15/11/2013 06:40 AM (GMT+7)

Sau khi được minh oan, 9 thanh thiếu niên bị bắt oan - người đang tuổi ăn học phải bỏ học, người làm công nhân thì không được nơi làm việc cũ tiếp nhận…

Anh Phan Văn Thương (SN 1989, ngụ xã Phú Trung, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) cho biết, Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước vừa trả nốt 237,137 triệu đồng còn lại trong tổng số tiền mà đơn vị này phải bồi thường cho anh Thương vào đầu tháng 11/2013. Anh Thương là người cuối cùng trong 9 thanh thiếu niên bị Công an huyện Đồng Phú bắt oan vào cuối năm 2008 và bị truy tố 2 tội "Cướp tài sản" và "Cướp giật tài sản".

Bắt "tốc hành”, điều tra cẩu thả

Năm 2008, trên địa bàn huyện Đồng Phú xảy ra một số vụ cướp giật tài sản. Đến cuối tháng 12/2008, Cơ quan CSĐT Công an huyện bắt Nguyễn Văn Hùng (SN 1993, ngụ xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú).

Chỉ dựa vào lời khai của Hùng, những ngày cuối năm 2008 đến ngày 6/1/2009, Công an huyện bắt khẩn cấp 8 thanh thiếu niên, gồm: Lương Văn Trọng (SN 1990), Lương Văn Sang (SN 1989), Lương Văn Hận (SN 1993, là 3 anh em ruột), Trương Quang Lâm (SN 1990, cả 4 cùng ngụ xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng), Đỗ Văn Đại (SN 1991), Lê Văn Huy (SN 1991), Nguyễn Như Tùng (SN 1992) và Phan Văn Thương (SN 1989, cả 4 cùng ngụ xã Phú Trung, Bù Gia Mập). Ngày 6/1/2009, Công an huyện Đồng Phú ra quyết định khởi tố các bị can.

Án oan chấn động: 9 trai trẻ bị cướp tương lai - 1

Sau khi bị bắt giam, cuộc đời của Sang và Thương đã rẽ sang một ngả khác.

Theo kết luận điều tra (KLĐT) của Công an huyện Đồng Phú, 9 bị can nêu trên đã gây ra 11 vụ cướp giật tài sản. Tuy nhiên, trong bản KLĐT này có tới 8 vụ cướp giật tài sản không có bị hại (trong đó có 4 vụ không xác định được vật chứng ở đâu).

Đặc biệt, có 2 vụ KLĐT khẳng định các bị can cướp 2 xe gắn máy nhưng lại không có người bị cướp cũng như vật chứng là 2 chiếc xe máy! Và Cơ quan CSĐT cũng không làm rõ nhiều tình tiết ngoại phạm của các bị can như trường hợp bị can Lương Văn Trọng. Vào ngày 25/12/2008, anh Trọng ở nhà của thầy dạy cắt tóc tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (cách hiện trường vụ cướp khoảng 100 km) và cùng thầy với một số người khác xem bóng đá, sau đó cùng đổ ra đường cổ vũ rồi cùng về nhà ngủ. Thế nhưng, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đồng Phú vẫn quy kết anh Trọng cùng một số bị can đi cướp xe!

Nhận thấy trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT và Viện KSND huyện Đồng Phú để xảy ra nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng, chưa làm rõ nhiều tình tiết ngoại phạm, vụ án không có bị hại, không có vật chứng nhưng vẫn ghép tội cho người khác…, nên TAND huyện Đồng Phú trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại. Đến ngày 1/8/2011, Viện KSND huyện Đồng Phú ban hành quyết định "Đình chỉ vụ án hình sự" đối với 9 bị can nêu trên. Lý do vì qua quá trình điều tra không đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của 9 bị can trên.

Mờ mịt đường tương lai

Ngày 11/3/2012, sau hơn 7 tháng được trả tự do, 9 thanh thiếu niên bị bắt oan mới được Viện KSND huyện Đồng Phú (đại diện cơ quan giải quyết bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước) mời tới để… thương lượng và việc thương lượng bồi thường phải nhờ đến luật sư!

Theo kết luận điều tra của Công an huyện Đồng Phú, 9 bị can đã gây ra 11 vụ cướp giật tài sản. Tuy nhiên, trong bản kết luận điều tra này có tới 8 vụ cướp giật tài sản không có bị hại, trong đó có 4 vụ không xác định được vật chứng ở đâu.

Theo đó, gia đình những người bị bắt oan yêu cầu mức bồi thường từ 128 triệu đồng đến trên 180 triệu đồng. Riêng trường hợp anh Phan Văn Thương, trước khi bị bắt đang làm công nhân cạo mủ cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, nên anh Thương đòi bồi thường 855 triệu đồng. Tuy nhiên, qua thương lượng, Viện KSND huyện Đồng Phú chỉ đồng ý mức bồi thường cho anh Thương 211,359 triệu đồng, Sang 80.358.510 đồng, Trọng 75.680.362 đồng, Hận 78.660.795 đồng, Lâm 79.038.065 đồng, Huy 80.433.964 đồng và Tùng số tiền 118.387.326 đồng.

Thiệt thòi trong việc đòi tiền bạc đã là một chuyện, còn chuyện tương lai của những người bị bắt oan cũng rất mịt mù. Trước khi bị bắt, Lâm đang học lớp 11 Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Bù Đăng). Khi được trả tự do, Lâm như người mất hồn, nên không thể tiếp tục học. Bỗng nhiên con đường học vấn của một thanh niên bị cắt ngang bởi sự tắc trách của cơ quan điều tra! Lâm cho biết hiện em vào rẫy làm thuê, mỗi ngày thu nhập từ 150.000 - 200.000 đồng, nhưng rất ít bạn bè vì mặc cảm.

Còn anh Phan Văn Thương, trước khi bị bắt làm công nhân cạo mủ cao su tại tổ 11 Nông trường Nghĩa Trung thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng với thu nhập 259,532 đồng/ngày (thời điểm cuối năm 2008). Sau khi được tự do và được minh oan, Thương lấy vợ nhưng vẫn không được đơn vị cũ nhận làm việc trở lại. Trong khi bố của Thương là thương binh, ảnh hưởng chất độc màu da cam thường xuyên trở bệnh, kinh tế gia đình này rất khó khăn. Thời điểm bị bắt, Thương là lao động chính nuôi cả gia đình. Nhà có 3ha đất rẫy cũng đã phải bán để sinh sống, thuốc thang cho người cha bệnh và thăm nuôi Thương trong những ngày bị tạm giam.

Theo Hoàng An (Dân Việt)
Nguồn:

Tin liên quan