Án oan 10 năm: Hành trình minh oan cho chồng

Ngày 13/11/2013 11:27 AM (GMT+7)

10 năm vác đơn kêu oan cũng là quãng thời gian chị Nguyễn Thị Chiến (vợ anh Nguyễn Thanh Chấn) âm thầm điều tra, thu thập chứng cứ chờ ngày minh oan cho chồng.

Chúng tôi đến nhà anh Chấn, chị Chiến vào buổi chiều tà. Trong căn nhà ẩm mốc, cũ kỹ theo thời gian, anh Chấn tiếp chúng tôi bằng bình trà pha vội, còn vợ anh – chị Chiến nằm trên giường với sự mệt mỏi. Phải chăng quãng thời gian 10 năm mòn mỏi kêu oan, sức chị đã kiệt, lực chị đã cạn bởi sự gian khổ, khó khăn hay là những vết thương cả về thể xác và tinh thần.

Án oan 10 năm: Hành trình minh oan cho chồng - 1

Nếu không nhờ bằng Tổ quốc ghi công của người cha thì không biết số phận anh Chấn đã đi về đâu.

10 năm ròng vác đơn kêu oan!

Bản án sơ thẩm và phúc thẩm của tòa đều kết luận Nguyễn Thanh Chấn phạm tội giết người và kết án chung thân. Với bản án đó, gia đình anh Chấn rất buồn và chị Chiến - người vợ tần tảo, chịu thương chịu khó, chịu mọi cay đắng tủi nhục đội các lá đơn đi khắp nơi kêu oan cho chồng.

Chị Chiến với niềm tin vững chắc: Nguyễn Thanh Chấn không phải hung thủ của vụ án. Bởi lẽ, gia đình bà đã phân tích những điểm bất cập trong kết luận của cơ quan chức năng như: “Khi so sánh và đối chứng với kết quả xác định dấu chân của Nguyễn Thanh Chấn thuộc diện nghi vấn, về kích thước cơ học của hai dấu bàn chân bên phải và bên trái gần đúng kích thước những dấu vết để lại tại hiện trường của vụ án mạng đêm 15/8/2003”, thì kết luận này không có cơ sở.

Hơn nữa, vân tay của hung thủ để lại ở nhiều nơi tại hiện trường nhưng trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra không lấy vân tay ở bất kì nơi nào, đó là điều vô lý…Theo bà Chiến, một người nông dân cũng thấy điều đó là vô lý. "Từ bé tôi mới thấy chuyện lấy dấu chân tại hiện trường như vụ của Chấn".

Và những lá đơn “kêu oan” được gửi đi khắp nơi, tới cả Công an huyện Việt Yên, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao… có những nơi không ai trả lời hoặc có những cơ quan chỉ trả lời sơ sài là "tôi đã nhận được đơn của bà Nguyễn Thị Chiến ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang, chúng tôi sẽ xem xét và giải quyết".

Điều đó, nhiều khi khiến bà Chiến nản và chỉ đợi một ngày nào đó kẻ giết người lương tâm cắn rứt sẽ ra đầu thú. Nhưng nghĩ tới án oan của ông Chấn bà lại dặn lòng tiếp tục cố gắng.

Âm thầm điều tra, thu thập chứng chờ ngày minh oan cho chồng

Vác đơn kêu oan nhưng không thấu đến trời cao, chị Chiến cùng với sự giúp sức của gia đình đã âm thầm tự tiến hành các cuộc điều tra với mong muốn một ngày nào đó sẽ rửa sạch tội cho chồng mình.

Chị Chiến cho biết, vào một ngày trong tháng 12/2012 ông Nguyễn Quang Hiền (tức là bố của chị Nguyễn Thị Lành) đã đến nhà chị Chiến và đã tiết lộ ra một câu nói “anh Chấn oan quá!” để từ đó khiến trong chị có nhiều nghi vấn cần phải làm sáng tỏ.

Từ câu nói của ông Hiền đã tạo động lực để chị Chiến tiếp tục điều tra và khoanh vùng đối tượng nghi ngờ trong vụ án của chồng chị. Những đối tượng mà chị nghi ngờ nhất chính là những người con rể của làng Me, theo chị, ở làng Me lúc bấy giờ có tất cả là 8 người ở rể nhưng qua sự sang lọc và cuối cùng người chị nghi ngờ là Lý Văn Chúc (bố ruột Lý Nguyễn Chung).

Để có bằng chứng chứng minh tội trạng của ông Chúc chị Chiến đã mua một cái máy ghi âm rồi sau đó nhờ cậu ruột của mình mang lên gia đình nhà ông Chúc để nói chuyện và tìm kẽ hở của vụ án nhưng việc không thành. Đến lần 2 người em cậu của chị Chiến đã một lần nữa cầm máy ghi âm lên để nói chuyện với gia đình ông Chúc. Lần này em cậu đã ghi âm được cuộc nói chuyện giữa gia đình ông Chúc với mình nhưng do để máy ghi âm để quá xa nên việc nghe lại không được rõ và cuối cùng, đích thân chị Chiến đã phải trực tiếp đến để gặp và nói chuyện với gia đình ông Chung, đến đây chị Chiến đã kẹp máy ghi âm vào cuốn sổ mà mình mang theo và chị đã ghi âm được hết câu chuyện cũng như biết được Lý Nguyễn Chung chính là hung thủ thật sự của vụ án.

Khi biết được Lý Nguyễn Chung chính là hung thủ của vụ án, chị Chiến chưa vội công bố cũng như báo cáo cơ quan điều tra mà chị lại âm thầm điều tra nơi sinh và nơi ở hiện tại của Chung. Qua đó, chị Chiến biết được Chung sinh ra và lớn lên tại huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, sau khi gây ra vụ án Chung đã bỏ vào Tây Nguyên với sự giúp sức của người cha và cuối cùng là sinh sống ở thôn Đoàn Kết, xã Eakamut, huyện Eakar, tỉnh Đắc Lắc cùng với người vợ đang mang thai của mình. Để điều tra được thông tin về nơi ở của Chung ở Đắc Lắc, chị Chiến đã phải nhờ một người cùng quê với mình giả vờ vào trong Tây Nguyên bán chỉ với lý do muốn vào chơi nhà Chung nên đã hỏi xin địa chỉ qua người bố của Chung.

Khi biết đích xác Chung chính là hung thủ của vụ án, tìm ra được địa chỉ nơi sinh và nơi sống hiện tại của Chung, đến ngày 4/7/2013 chị Chiến đã gửi 12 lá đơn kêu oan khẩn cấp gửi lên các cơ quan chức năng tố cáo tội ác của Lý Nguyễn Chung cũng như đưa ra bằng chứng chứng minh Chung chính là hung thủ thật sự của vụ án.

Đến ngày 1/8/2013, chị Chiến đích thân cầm lá đơn gửi lên các cơ quan điều tra là Cục Hình sự của Bộ Công an đề nghị xem xét vụ án của chồng mình. Từ khi viết đơn tố cáo tội ác của Chung, chị Chiến cũng gửi chuyển phát nhanh lá đơn, bằng chứng tố cáo tội ác của Chung cũng như địa chỉ cho cơ quan điều tra huyện Eakar. Và cuối cùng Chung đã bị CQĐT bắt khi về thăm nhà tại huyện Eakar.

10 năm kêu oan, chị Chiến cùng với gia đình đã phải chịu những tổn thương rất lớn không chỉ vật chất mà còn cả về tinh thần. Chị Chiến cho biết, trong 10 năm kêu oan chị đã phải vay mượn trên 170 triệu đồng tiền mặt, còn chưa kể chị, em trong gia đình đã phải cắm 3 sổ đỏ để mượn tiền đưa cho chị Chiến đi kêu oan cho Chồng. Cũng trong thời gian gần 3 năm sau vụ án, trong một lần chị Chiến cùng con gái đi tiếp tế cho chồng đã gặp phải một vụ tai nạn khiến cho chị bị rách 2 miếng to ở đùi, còn con gái chị thì ngất lịm đi.

Án oan 10 năm: Hành trình minh oan cho chồng - 2

Vết rách ở đùi của chị Chiến do vụ tai nạn khi cùng con gái lên tiếp tế cho anh Chấn

Thời gian gần đây, khi cơ quan báo chí thông tin việc Lý Nguyễn Chung ra đầu thú thì chị Chiến cho là không đúng, bởi chính chị là người điều tra ra vụ án, những chứng cứ chị gửi cho công an như là “làm cỗ bắc lên cho công an uống rượu” (theo lời chị Chiến), trên cơ sở bằng chứng mà chị Chiến đưa ra là quá rõ ràng cho tội chứng của Lý Nguyễn Chung và đến đây, việc của CQĐT chỉ đơn giản là bắt đối tượng về điều tra lại vụ án.

Theo Đức Nguyễn (Đời sống & Pháp luật)

Tin liên quan