PGS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết, người dân Việt Nam vẫn còn phong tục đụng lợn trong những ngày tết và sau mỗi lần đụng lợn đó lại “chén” tiết canh, hậu quả là gia tăng các ca mắc liên cầu lợn trong dịp tết.
Chia sẻ với phóng viên về tình hình mắc bệnh liên cầu lợn do trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, PGS.TS Nguyễn Văn Kính – GĐ Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trung bình hàng tháng bệnh viện tiếp nhận 1-2 ca liên cầu lợn; trong đó riêng dịp giáp Tết số mắc thường tăng cao do tiêu thụ tịt lợn tăng lên.
“Tôi chỉ tính riêng từ Tết Dương lịch đến nay bệnh viện tiếp nhận 4 ca bệnh (đều ở miền Bắc), đều trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn nguy hiểm, nguyên nhân do ăn tiết canh”, PGS Kính cho biết.
Theo PGS Kính, ở miền Bắc do tập quán của người dân Tết đến thường mổ lợn và ăn đụng lợn giữa các gia đình với nhau, sau khi mổ lợn xong thì lại ăn tiết canh để lấy “hên” (quan niệm ăn tiết canh màu đỏ, nên cả năm sẽ được may măn – p/v) và tết thường hay ăn “thịt sống” (ăn nem chua, nem chạo, thính –p/v) vì thế số lượng bệnh nhân mắc bệnh liên cầu tăng lên trong dịp tết.
PGS.TS Nguyễn Văn Kính - GĐ Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
"Trong tháng 2, số ca mắc liên cầu lợn sẽ tăng nhanh hơn nữa do người dân có thói quen đụng lợn, ăn tiết canh, thịt sống vào dịp Tết, trong khi những con lợn mang vi cầu khuẩn liên cầu đều không có biểu hiện bệnh", PGS Kính cảnh báo.
Lý giải vì sao ở miền Nam ít có ca mắc bệnh do liên cầu lợn, PGS Kính cho biết: “Ở trong Nam do đặc điểm thời tiết nóng, họ ít ăn tiết canh nên số ca mắc liên cầu lợn rất ít. Theo tôi, truyền thông, báo chí phải tích cực tuyên truyền cho người dân để từ bỏ thói quen này. Nhưng tôi cũng phải khẳng định, để từ bỏ thì cũng phải dần dần chứ không thể ngày một, ngày hai”, PGS Kính nói.
Đồng thời, PGS Kính cũng cho biết, các bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn nặng sẽ mất nhiều thời gian điều trị bệnh, đặc biệt chi phí nằm viện có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Không chỉ có vậy, bệnh liên cầu lợn còn nguy hiểm ở chỗ có thể dẫn đến tử vong nếu điều trị muộn.
Theo thống kê, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 7%. Những người bị mắc bệnh chết còn do nhiễm độc tố vi khuẩn, gây hiện tượng sốc. Có người chỉ qua 3 ngày đã bị sốc nhiễm khuẩn, nhưng có người phải 10 ngày mới diễn biến nặng như vậy, tùy vào cơ địa của từng người. Chính vì vậy, để phòng bệnh, người dân cần lưu ý ăn chín uống sôi; không ăn tiết canh và các sản phẩm từ lợn chưa nấu chín...
Cũng liên quan đến vấn đề này, trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch mùa Đông Xuân và Tết Nguyên đán mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng bày tỏ lo ngại về dịch bệnh liên cầu khuẩn do ăn tiết canh, các bệnh sán do ăn nem chua, nem chạo, rau ngổ, cần… trong dịp Tết. Để phòng bệnh, Bộ trưởng lưu ý người dân cần ăn chín uống sôi; không ăn tiết canh và các sản phẩm từ lợn chưa nấu chín.
Theo thống kê của ngành y tế, trong năm 2015, nước ta ghi nhận 96 ca mắc liên cầu khuẩn, trong đó 13 ca tử vong; số mắc tăng 51 ca, tử vong tăng 5 trường hợp so với năm 2014. Nguyên nhân do tập quán ăn tiết canh, ăn thịt sống cũng như ăn uống không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, trong khi hầu hết lợn mang vi khuẩn liên cầu lợn không có biểu hiện bệnh.
Khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng chống bệnh liên cầu lợn ở người: 1. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…). 2. Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. 3. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng. 4. Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Tiêu huỷ lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. 5. Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. |