Gần đây, các chuyên gia an toàn thực phẩm Anh đã phát hiện ra 60% thịt gia cầm trong các siêu thị của quốc gia này đều chứa vi khuẩn campylobacter gây chết người.
Cơ quan kiểm soát thực phẩm Anh đang bị cáo buộc che đậy sự thật này sau khi các chuyên gia biết được toàn bộ số thịt gia cầm trong siêu thị đều đã được cơ quan trên kiểm định.
Campylobacter là loại vi khuẩn gây rối loạn dạ dày, nôn mửa và tiêu chảy khi đi vào cơ thể người. Theo số liệu chính thức, ở Anh, mỗi năm có tới 280.000 người bị ngộ độc và hơn 100 trường hợp tử vong do vi khuẩn này gây nên. Chi phí để điều trị cho các trường hợp mắc bệnh và chi trả bảo hiểm cho những bệnh nhân tử vong do vi khuẩn campylobacter gây nên lên tới trên 25 tỉ VNĐ mỗi năm.
Vi khuẩn campylobacter nhìn dưới kính hiển vi
Các chuyên gia và người tiêu dùng Anh đang vô cùng bức xúc với phát hiện này. Họ cho rằng Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) và Chính phủ nước này đang đặt lợi ích thương mại và doanh nghiệp lên trên sức khỏe cộng đồng. Phát hiện này như minh chứng cho sự thất bại của FSA trong quá trình thực hiện những hứa hẹn về việc cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng kể từ năm 2009.
Các cuộc thử nghiệm được thực hiện với 853 mẫu thịt gia cầm tung ra thị trường hồi tháng 2 và tháng 4 vừa qua. 60% trong số 853 mẫu thịt này được phát hiện chứa vi khuẩn campylobacter, trong đó có 16% chứa vi khuẩn gây chết người ở mức độ rất cao.
Các chuyên gia an toàn thực phẩm khuyến cáo, cho tới khi tình trạng này được khắc phục triệt để, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách làm sạch thịt gia cầm khi mua về và chế biến kĩ trước khi sử dụng.
Logo của Cơ quan dịch vụ Tài chính Anh (FSA)
Đầu năm nay, khi được tiết lộ về các cuộc khảo sát sắp tiến hành, FSA đã thông báo sẽ công bố danh sách những siêu thị bán thịt gia cầm bị nhiễm vi khuẩn chết người. Người tiêu dùng đã hy vọng, những nhà cung cấp thịt gia cầm bị “đánh động” bởi tuyên bố trên và sẽ chấm dứt việc bán lẻ thực phẩm nhiễm vi khuẩn campylobacter.
Tuy nhiên, các quan chức trong ngành thực phẩm, thậm chí có người cho rằng, ngay cả văn phòng Thủ tướng Chính phủ cũng muốn bưng bít sự thật này khi không cho phát hành danh sách siêu thị bán gia cầm nhiễm loại vi khuẩn nguy hiểm. Sau đó, FSA đã quyết định giữ bí mật danh sách này mà không màng tới sự an toàn của người tiêu dùng.
Sau khi có kết quả chính thức từ cuộc khảo sát, bí mật xung quanh việc bán thịt gia cầm nhiễm vi khuẩn chết người bị phanh phui khiến nhiều chuyên gia an toàn thực phẩm và người dân vô cùng thất vọng.
Ông Erik Millstone, giáo sư về chính sách khoa học tại Đại học Sussex nói: “FSA đã không giữ lời hứa với người dân Anh. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng không thể tin tưởng FSA được nữa khi cơ quan này đặt lợi ích của ngành công nghiệp thực phẩm lên trên an toàn của người dân”.
Người dân nên tự bảo vệ mình bằng cáh chế biến kĩ các loại thịt gia cầm trước khi sử dụng
Giáo sư về chính sách thực phẩm tại Đại học Thành phố, ông Tim Lang nhận định: “Đây là một thất bại đáng buồn của chính sách thực phẩm Anh. Một phần tư thế kỷ sau khi Anh nhận được bài học về mức độ “nhiễm khuẩn” của gia cầm, chúng ta lại phải đối mặt với tác nhân gây bệnh thông qua thịt gia cầm tồi tệ hơn”.
Trong khi đó, các tập đoàn bán lẻ ở Anh lại khẳng định trách nhiệm bài trừ vi khuẩn campylobacter nằm ở người tiêu dùng bởi họ có thể tự bảo vệ mình bằng cách xử lý sạch sẽ và chế biến kỹ lưỡng thịt gia cầm trước khi sử dụng.
Ông Andrew Opie, Giám đốc một công ty thực phẩm giải thích: “Chúng tôi đang nỗ lực nhưng lại vấp phải khó khăn rất lớn từ phía nguồn cung ứng. Không phải chỉ giải quyết ngày một ngày hai là xong việc vì gia cầm bị nhiễm vi khuẩn campylobacter từ môi trường tự nhiên”.
Việc thịt gia cầm ở các siêu thị nước Anh nhiễm vi khuẩn chết người bị phanh phui khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang và thất vọng. Đây là vụ bê bối thực phẩm lớn thứ hai trong vòng 2 năm qua sau vụ thịt ngựa giả bò gây nhức nhối ở quốc gia châu Âu vốn nổi tiếng là nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm này.