Áp lực học tập khiến nhiều bạn trẻ mắc hội chứng overthinking: Chuyên gia đưa lời khuyên trước kỳ thi THPT Quốc gia

H.A - Ngày 14/06/2024 12:00 PM (GMT+7)

"Với các bạn học sinh sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, thay vì lo lắng về kết quả thi cử hãy tập trung vào quá trình ôn tập. Kết quả có ra sao, các em nên học cách chấp nhận và hiểu rằng bản thân đã cố gắng hết sức mình", thạc sĩ Võ Minh Thành chia sẻ.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, áp lực về học tập, thi cử khiến nhiều học sinh, sinh viên bị mắc kẹt trong vòng xoáy của những suy nghĩ, đặc biệt là áp lực về tâm lý. Điều này lặp đi lặp lại nhiều đến mức chúng gây cản trở đến cuộc sống. Không ít học sinh, sinh viên hiện nay mắc một hội chứng mang tên overthinking. 

Đánh vật với chuyện học, điểm số "đè nặng" đôi vai

Chia sẻ với phóng viên, N.T.L (20 tuổi, sinh viên một trường đại học ở Hà Nội) bày tỏ cảm thấy vô cùng lo lắng, thậm chí còn có thái độ tiêu cực về kết quả học tập, định hướng tương lai và các mối quan hệ xung quanh. 

T.L cho hay, dù đã cố gắng chăm chỉ học tập nhưng cuối kỳ học vừa qua, kết quả của em vẫn không được như mong đợi. Thay vì chia sẻ hay tìm cách giải quyết, T.L lại tự dằn vặt bản thân, bỏ bữa và luôn có suy nghĩ rằng mình kém cỏi so với bạn bè đồng trang lứa. "Em kỳ vọng rằng sẽ đạt điểm cao trong kỳ thi lần này để dành được học bổng. Nhưng kết quả lại không như mong muốn, em cảm thấy rất thất vọng. Mấy ngày nay, em luôn trong trạng thái buồn bã, căng thẳng, hoài nghi năng lực của bản thân", T.L chia sẻ.

Lo lắng thái quá, nhiều bạn học sinh rơi vào trạng thái căng thẳng khi đạt kết quả không như mong muốn, hoặc bị so sánh với bạn bè (Ảnh minh họa)

Lo lắng thái quá, nhiều bạn học sinh rơi vào trạng thái căng thẳng khi đạt kết quả không như mong muốn, hoặc bị so sánh với bạn bè (Ảnh minh họa)

Tương tự như N.T.L, bạn L.V.A (19 tuổi, ở Thái Bình) chia sẻ, bản thân mất ngủ suốt 1 tháng qua khi nghĩ đến tương lai. Trước đó, anh chàng này quyết định bảo lưu chuyên ngành Quản trị kinh doanh sau một năm học vì cho rằng lựa chọn này không phù hợp. Tuy nhiên đứng trước định hướng sắp tới, V.A lại cảm thấy mất phương hướng.

"Theo đuổi tiếp thì thấy không hợp nhưng giờ bỏ ngang lại không biết tương lai sẽ học và làm gì. Chuyện này em cũng chưa dám kể với bố mẹ. Em căng thẳng, mệt mỏi tới nỗi bạn bè cũng không biết phải động viên thế nào. Em đã cố gắng nghĩ thoáng ra nhưng quả thực không biết làm thế nào mới tốt", V.A bộc bạch.

Thạc sĩ tâm lý Võ Minh Thành, Giảng viên khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM giải thích: “Khi đối mặt với nhiều vấn đề trong cuộc sống, nhiều bạn trẻ rơi vào trạng thái suy nghĩ quá nhiều về một sai lầm trong quá khứ và lo lắng thái quá về những chuyện ở tương lai. 

Thạc sĩ tâm lý Võ Minh Thành tâm sự với các bạn học sinh về những cách giải tỏa áp lực trong học hành, thi cử

Thạc sĩ tâm lý Võ Minh Thành tâm sự với các bạn học sinh về những cách giải tỏa áp lực trong học hành, thi cử

Hiện nay, overthinking đang có xu hướng gia tăng, trở thành vấn đề sức khỏe tinh thần nghiêm trọng với giới trẻ. Mỗi khi gặp phải những chuyện không như ý, một số bạn có xu hướng nghĩ nhiều về vấn đề đó đến mức mất ăn, mất ngủ gây ảnh hưởng đến những hoạt động khác trong cuộc sống. 

Điều đáng nói, những suy nghĩ này không giúp ích cho việc giải quyết vấn đề đang gặp phải mà lại trở nên rắc rối và khó giải quyết hơn. Những bạn trẻ này dễ rơi vào trạng thái mắc kẹt trong chính suy nghĩ của bạn thân. Đó chính là những biểu hiện của hội chứng có tên overthinking”.

"Thay vì lo lắng, hãy cố gắng ôn luyện hết sức có thể"

Trong quá trình tư vấn tâm lý, Thạc sĩ tâm lý Võ Minh Thành đã gặp khá nhiều trường hợp các bạn học sinh, sinh viên mắc hội chứng overthinking. Đa số các bạn suy nghĩ quá nhiều về nhận xét của người khác với bản thân mình, quá bận tâm về việc làm sao để hài lòng mọi người... nên mới rơi vào trạng thái căng thẳng quá mức. Một số trường hợp khác lại suy nghĩ quá nhiều về việc học tập, thi cử, chọn trường, chọn nghề, suy nghĩ miên man, mông lung nhưng không có kế hoạch, giải pháp hành động cụ thể.

Một số dấu hiệu cho thấy người trẻ đang mắc hội chứng overthinking:

- Phân tích, suy nghĩ quá nhiều về mọi khía cạnh của một vấn đề và không thể dừng lại.

- Dành quá nhiều thời gian để suy nghĩ về những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ hoặc lo lắng về tương lai mà không tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc ở hiện tại. 

- Có cảm giác lo lắng mà không có lý do cụ thể hoặc căn cứ rõ ràng.

- Suy nghĩ quá nhiều có thể gây rối loạn giấc ngủ, khó khăn trong việc thư giãn.

- Suy nghĩ, lo lắng quá nhiều làm mất tập trung và hiệu suất làm việc.

- Luôn có một cảm giác mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần.

Hội chứng overthinking có thể gây ra các hệ quả nghiêm trọng, thạc sĩ Võ Minh Thành chia sẻ thêm: "Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của việc suy nghĩ quá mức là tâm trạng tiêu cực, tinh thần kiệt quệ, nhìn thấy rõ thần sắc trên gương mặt và đặc biệt là ánh mắt. Những người bị overthinking tự đặt câu hỏi cho bản thân liên tục dẫn đến việc đánh giá, phê phán tiêu cực về hành động và quyết định của mình.

Bên cạnh đó, việc suy nghĩ quá nhiều có thể dẫn đến những vấn đề về tâm lý như trầm cảm, khó ngủ, rối loạn ăn uống, lạm dụng chất kích thích. Khi bị overthinking, người bệnh sẽ khó vượt qua các cảm xúc và tâm lý tồi tệ. Điều này gây ảnh hưởng tới cuộc sống, giao tiếp hàng ngày. Theo nghiên cứu, tình trạng này có thể làm cho vùng trước trán của não hoạt động quá mức, ảnh hưởng tới khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề".

Theo thạc sĩ Võ Minh Thành, một trong các dấu hiệu có thể nhìn thấy rõ nhất là thần sắc trên gương mặt và đặc biệt là ánh mắt

Theo thạc sĩ Võ Minh Thành, một trong các dấu hiệu có thể nhìn thấy rõ nhất là thần sắc trên gương mặt và đặc biệt là ánh mắt

Để thoát khỏi "căn bệnh", thạc sĩ Võ Minh Thành đưa ra lời khuyên, các bạn trẻ cần tìm hiểu nguyên nhân gây ra các suy nghĩ quẩn quanh. Từ đó, bản thân mới có thể chủ động kiểm soát, hạn chế rơi vào trường hợp suy nghĩ mất kiểm soát. 

Mỗi bạn trẻ cần tìm cách thay đổi cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề theo xu hướng tốt đẹp. Hướng sự tập trung tới mặt tích cực nhất, từ đó ắt tìm ra giải pháp tối ưu nhất. 

"Không nên so sánh mình với người khác mà mình chỉ nên so sánh mình của giai đoạn hiện tại với mình của giai đoạn trước đây có thay đổi gì hay không thôi. Với các bạn học sinh sắp bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, lời khuyên dành cho các em chính là thay vì lo lắng về kết quả thi cử hãy tập trung vào quá trình ôn tập. Hãy cố gắng ôn luyện hết sức có thể. Kết quả có ra sao các em nên học cách chấp nhận và hiểu rằng bản thân đã cố gắng hết sức mình. 

Hiện nay có rất nhiều phương thức xét tuyển để lựa chọn ngành học vào các trường cao đẳng, đại học, thậm chí học nghề để đi làm luôn. Mỗi năng lực khác nhau sẽ đều có những con đường đi phù hợp. Vì thế, các em hãy hài lòng với khả năng hiện tại của bản thân”, thạc sĩ Võ Minh Thành chia sẻ.

Gặp nữ Thủ khoa của kỳ đánh giá năng lực ở Hà Nội: Em chăm chỉ luyện nhiều đề thi nhất có thể
Nữ sinh Nguyễn Mai Trúc (lớp 12A5 trường THPT Chương Mỹ A - Hà Nội) đã đạt thành tích xuất sắc khi là một trong hai thí sinh đạt 129/150 điểm, cao...

Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia

Theo H.A
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giáo dục