Bà cụ 80 tuổi với lớp học miễn phí ở giữa Sài Gòn

Ngày 26/10/2015 00:09 AM (GMT+7)

Ở cái tuổi đáng ra phải được dưỡng già thì bà Lữ Thị Lê Nương (80 tuổi, ngụ TP.HCM), vẫn ngày ngày cặm cụi lên lớp “dòm ngó” lũ trẻ và chăm bẵm cho chúng từng chút một với ý nguyện gieo con chữ cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Suốt 16 năm qua, người dân sống gần con đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7, TP.HCM) đã quá quen với hình ảnh cụ bà tóc bạc phơ, lưng còng, bước chậm rãi khi đội mưa, lúc đội nắng đến lớp học đặc biệt của mình để dạy chữ miễn phí cho những học sinh khuyết tật. Bà con nơi đây hay gọi bà với cái tên thân mật là bà Mười.

Lớp học tình thương

Đến thăm “Lớp học tình thương bà Mười” vào một buổi sáng Sài Gòn dịu nắng, vừa bước vào cổng, chúng tôi đã nghe thấy tiếng các em nhỏ râm ran tập đọc, tập hát vui vẻ và đều nhịp theo thầy cô giáo.

Điều làm chúng tôi ngạc nhiên là hình ảnh một bà cụ tóc bạc phơ, với khuôn mặt tròn, nụ cười luôn nở trên môi chăm chú nhìn các em học bên lớp học của mình.

Bà cụ 80 tuổi với lớp học miễn phí ở giữa Sài Gòn - 1

Bà Mười hằng ngày vẫn cố gắng đến lớp học cùng với các em

Khi được hỏi về lớp học tình thương này, bà Mười tâm sự: “Vào một buổi trưa năm 1999, khi tôi đang đi chợ về, vô tình nhìn thấy một nhóm sinh viên tình nguyện đang dạy một nhóm trẻ con tập đọc, tập viết ngoài vỉa hè đầy nắng. Điều ấy làm tôi không sao ngủ được, thương các con vất vả phụ cha mẹ mưu sinh mà không được đến trường”.

Sau nhiều lần suy nghĩ, bà Mười tình nguyện đi quyên góp tập vở, bút viết cho các em. Dần dần, tình thương các em ngày càng lớn hơn với bà. Muốn các em được đến trường như bao trẻ khác, bà Mười đã đề xuất với chính quyền, mở lớp học tình thương cho các em và tâm nguyện của bà đã trở thành hiện thực.

Bà cụ 80 tuổi với lớp học miễn phí ở giữa Sài Gòn - 2

Lớp học tình thương của bà Mười được các tình nguyện viên đến dạy cho các em

Nhận “đất”, bà Mười một mình động các mạnh thường quân và kêu gọi tình nguyện viên cùng nhau xây dựng cơ sở vật chất cho lớp học. Người góp bàn, người góp ghế, người đóng tủ sách, người tặng quạt máy... Tất cả những cố gắng to lớn của bà và sự giúp đỡ nhiệt tình của mọi người đã được đền đáp bằng thành quả là hai lớp học khang trang ra đời với đầy đủ trang thiết bị phục vụ lũ trẻ.

Trải qua nhiều khó khăn, thay đổi, hiện nay lớp học đã được chính quyền cấp cho một vị trí ở số KE 45 Huỳnh Tấn Phát, quận 7 (gần chợ Tân Thuận) và trở thành cái tên Trung tâm học tập cộng đồng phường Tân Thuận Tây.

 “Hằng ngày được thấy các con trong bộ đồ trắng, đến lớp học ê a cố gắng học tập tôi vui lắm,... Các em học ở đây chủ yếu là con em của dân chài mưu sinh bên bờ sông quận 7, không có tiền để các em đến trường. Tôi đi vận động từng người đưa các con đến lớp học này”, bà Mười cho biết.

Khơi nguồn cảm hứng

Việc làm của bà Mười khiến nhiều người dân cảm phục. Nhiều người trong xóm, cùng nhau quyên góp từng quyển vở, cuốn sách, chiếc áo trắng cho các em đến với lớp học,...

Lớp học đã có nhưng điều khiến bà Mười lại đau đáu suy nghĩ là cần thêm những người dạy cho các em học tập tốt hơn. “Hằng ngày, tôi đến lớp dạy các em tập viết, tập đọc,... mà trong lòng cứ lo lắng nhiều điều, cần phải nâng cao việc học cho các con nhiều hơn nữa. Nhưng thật may mắn khi một thời gian sau, các bạn sinh viên tình nguyện biết đến lớp học và đến dạy học cho các con”.

Bà cụ 80 tuổi với lớp học miễn phí ở giữa Sài Gòn - 3

Những nét chữ của các em được các bạn tình nguyện ân cần nắn nót.

Một số thầy cô có tuổi và có kinh nghiệm giảng dạy cũng được bà Mười mời về dạy học cho các em lớp lớn và chuẩn bị thi lên lớp. Với số tiền hổ trợ ít ỏi vài trăm ngàn đồng/tháng nhưng các thầy các cô vẫn nhiệt tình và đam mê với công việc giảng dạy thiện nguyện của mình suốt nhiều năm nay.

Hiện nay, lớp học của bà Mười dạy từ lớp 1 – 5, số lượng các em học sinh từ 10 – 15 em. Vì hoàn cảnh khó khăn phải lo việc mưu sinh hàng ngày, các em đến lớp đến lớp rất bấp bênh. Hiểu được nỗi vất vả đó, hằng ngày bà bên chiếc xe đạp tàn của mình đi đến từng nhà vận động các em đến lớp.

Bà cụ 80 tuổi với lớp học miễn phí ở giữa Sài Gòn - 4

Nhìn các em châm chỉ học tập bà Mười càng vui hơn khi tuổi già

Ngoài ra, để vận động những đứa trẻ ngỗ nghịch, ham chơi lêu lỏng đến lớp, bà đến từng ngõ ngách vận động cha mẹ chúng, lên từng chiếc ghe, con thuyền để phân tích thiệt hơn cho tương lai lũ trẻ. Bà một mình đến các cấp chính quyền trình bày và xin làm giấy khai sinh, thẻ học sinh, thẻ xe buýt cho từng đứa trong lớp học để chúng có đầy đủ giấy tờ và hưởng các chế độ đãi ngộ của nhà nước. Tất cả đều là tự nguyện và bà Mười đã trở thành một người hùng như thế.

Qua sự giới thiệu của Phòng giáo dục và đào tạo quận 7, Ban giám hiệu Trường tiểu học Phù Đổng đã chấp nhận hỗ trợ về chuyên môn cho lớp học tình thương. Hàng năm tiến hành tổ chức thi lên lớp và tốt nghiệp cho các em, đồng thời cấp học bạ đúng tiêu chuẩn của ngành giáo dục. Đây là cơ sở để các em tốt nghiệp cấp 1 và có cơ hội tiếp tục vào học trường cấp 2 công lập.

Dù đã ở tuổi 80, bà Mười vẫn cố gắng đến với lớp học, bà tâm sự: “Tuy sức khỏe không cho phép, thường xuyên đến với lớp học nữa. Nhưng vì nhớ tiếng cười đùa, tiếng ê a đọc từng câu chữ,... đó là niềm vui khi cuối đời của tôi”.

Thanh Ngọc
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Việc tử tế