Thầy cô của lớp là những nhân viên văn phòng, công chức… làm tình nguyện viên của tổ chức phi lợi nhuận Volunteer House Viet Nam (VHV) dạy cho các em.
“Học ở đây thích gấp trăm lần ở trường…”
Không bàn, không ghế, dụng cụ học của các em là tập vở và viết do chính các cô phát. Căn phòng nhỏ không đủ để lớp học gần 20 người cùng bốn giáo viên có thể thoải mái sinh hoạt nhưng luôn tràn đầy tiếng cười.
Đến với lớp học từ sự quen biết với nhiều tổ chức tình nguyện trước đó, cô giáo Thanh Loan phải rất khó khăn mới điều khiển được các em. “Tụi nhỏ rất hiếu động nên việc duy trì trật tự lớp học thật sự không đơn giản. Phải làm sao để kết hợp vừa học vừa chơi cho các em nhanh chóng hiểu bài nhưng cứ bày trò chơi thì chúng lại nháo nhào cả lên. Được cái là em nào cũng rất ham học” - cô Loan nói.
Để có thể cân bằng lượng kiến thức cho các em, các tình nguyện viên đã phải phân bố chương trình dạy sao cho phù hợp. Tình nguyện viên Quỳnh Chi, một nhân viên ngân hàng, chia sẻ: “Vì các em rất hiếu động, trình độ lại khác nhau nên chỉ việc thiết kế chương trình giảng dạy cũng đã rất đau đầu”.
Trong các em, có đứa chỉ sống với cha, có đứa thì ở với mẹ, có đứa hằng ngày phải bươn chải mưu sinh bán vé số nhưng vẫn cố gắng đến lớp. Tuấn (bé trai 12 tuổi) dù còn nhỏ nhưng đã phải ra đời sớm. Hằng ngày, sau giờ tan học em phải đi bán vé số để kiếm thêm tiền. Tranh thủ đến giờ chiều em lại chạy về để tham dự buổi học. “Em thích học tiếng Anh, ba má không có tiền để cho em đi học thêm nên em xin vào đây học với mấy cô” - Tuấn chia sẻ.
Lớp học không bàn, không ghế nhưng các em vẫn say sưa học tập. ẢNH: THANH TUYỀN
Anh Minh Hoàng, cha Tuấn, tâm sự: “Đồng tiền chúng tôi kiếm được nhiều khi còn không đủ để chi phí nên không thể cho thằng Tuấn đi học thêm được. Nghe mấy cô chú trong xóm bảo có lớp học miễn phí, vợ chồng tôi mừng lắm. Hỏi nó thì nó bảo sẽ đi học. Vậy là ba tuần nay cứ đến giờ học là nó tự thu xếp để đến lớp đúng giờ”.
Cũng như anh Hoàng, việc cho con đi học thêm là điều không thể, chị Kim Ánh xin cho hai con gái của mình đến lớp học. “Nhà không khá giả gì, hai chị em nó lại bảo học ở trường không hiểu mà tôi chẳng biết làm sao. May sao biết đến lớp học này nên tôi cho cháu đi học. Ngày nào học về nó cũng kể cho tôi nghe, bảo là hiểu rất nhanh bài vở, còn được chơi thật vui nên tôi mừng lắm”.
Dù kiến thức của các em không được vững nhưng điều khiến các tình nguyện viên kiên trì đến lớp là sự chăm chỉ và ham học của các em. “Nhiều em ra ngoài bươn chải sớm nên tính cách có phần nổi loạn. Tiếng Việt của các em còn chưa vững nên việc dạy và trò chuyện bằng tiếng Anh khiến mình nhiều lúc thấy nản. Nhưng sau tất cả, tinh thần học tập, chăm chỉ của các em khiến mình muốn gắn bó hơn nữa, mình mong sẽ tạo được cho các em hứng khởi để tiếp tục học thật tốt” - chị Loan nói.
Chính sự cố gắng của các em trong từng âm điệu, nét chữ, vượt qua sự nhút nhát để có thể nói tiếng Anh trước nhiều người khiến các tình nguyện viên hăm hở gác bỏ lại nhọc nhằn của một ngày làm việc ở các công ty, văn phòng để chạy đến với các em.
Sống sót sau trận bão tuyết ở Nepal hôm 15-10-2014, cô gái Võ Thị Mỹ Linh (26 tuổi) trở về nước và khởi xướng thành lập VHV. Mục đích của Linh là muốn giúp trẻ em ở các xóm lao động nghèo có điều kiện học tiếng Anh tốt hơn. Các tình nguyện viên của VHV là những sinh viên, những người lao động đã có công việc ổn định hoặc khách du lịch có trình độ tiếng Anh. Bắt đầu hoạt động từ tháng 2-2015, đến nay, dự án đã có hơn 500 tình nguyện viên trong nước và quốc tế đăng ký tham gia. Rất nhiều gia đình đã hỗ trợ cho mượn nhà để làm lớp học. ______________________________________ Lớp học tiếng Anh miễn phí của VHV cho trẻ em nghèo từ chín đến 12 tuổi đã thu hút nhiều người tham gia. Ở Hà Nội, đã có 50 em tham gia vào các lớp học. Còn ở TP.HCM đã có 90 em học tại bốn quận (quận Phú Nhuận và các quận 1, 5 và 7). Sắp tới, nhóm dự định sẽ mở thêm một lớp học ở quận 4. Các lớp học được tổ chức vào các thứ Hai, Tư, Sáu hằng tuần. Chị TRẦN PHẠM THANH LOAN (nhân viên văn phòng), tình nguyện viên của lớp học |