19 năm đứng lớp với 62 học sinh đặc biệt, đến giờ bà giáo già Hồ Phương Nam vẫn nhớ như in tên và tính cách của từng học sinh.
Lớp học “có 1 không 2”
Hiện nay, ở Hà Nội có hàng chục cơ sở giáo dục dành cho các học sinh chuyên biệt mắc bệnh tự kỷ, chậm trí tuệ, tật nguyền, câm điếc… Nhưng có lẽ, chưa có lớp học nào lại đặc biệt như “lớp học tình thương” của bà giáo già Hồ Hương Nam.
Lớp học này đặc biệt bởi lẽ từ hiệu trưởng cho đến giáo viên đứng lớp chỉ có một người, học sinh được tốt nghiệp, lên lớp hay lưu ban cũng chỉ có một mình cô giáo Hồ Hương Nam quyết định. Hơn thế nữa, lứa tuổi của các học sinh trong lớp cũng không đồng đều, có học sinh nay đã 34 tuổi, có học sinh đã học được 19 năm mà vẫn bám trụ lại chưa chịu ra trường.
Bà giáo già gắn bó với những học sinh đặt biệt suốt 19 năm qua.
Nhưng có lẽ, điều ghi lại dấu ấn nhiều nhất ở lớp học được đặt tại Trường THCS An Dương (Yên Phụ -Tây Hồ - Hà Nội) đó chính là mỗi học sinh đều mang trong mình một căn bệnh khác nhau, người thì bị động kinh, người thì tự kỷ, có cháu lại mắc bệnh down hoặc khuyết tật về chân tay.
Dù mỗi em một hoàn cảnh, nhưng cô giáo già Hồ Phương Nam suốt 19 năm qua ngày nào cũng lên lớp, dạy các em con chữ, dạy các em vượt qua bệnh tật, vượt qua chính mình để làm người có ích cho xã hội.
“19 năm qua, tôi đã dạy tổng cộng 62 học sinh, hiện lớp học vẫn duy trì với 17 cháu, trong đó có 10 cháu thiểu năng trí tuệ, 2 cháu mắc bệnh down, 2 cháu mắc bệnh tự kỷ, một cháu bị liệt vận động. Do lớp vô cùng đặc biệt nên quá trình dạy và học của cô giáo – học sinh cũng phải theo một giáo án đặc biệt”, bà Hồ Phương Nam cho biết.
Theo đó, với 17 học sinh đang theo học, bà Nam phải có 17 giáo án khác nhau, vì mỗi học sinh một trình độ, một nhận thức khác nhau, nên không thể có một giáo án chung cho lớp học được. Thậm chí, trong thời gian đầu dạy học bà Nam còn “giật mình” bởi chính những học sinh của mình.
Mỗi học sinh có một giáo án khác nhau.
“Có những hôm tôi đang dạy học, tự dưng học sinh trèo lên bàn nhảy nhót ầm ĩ, do gặp lần đầu tiên tôi không biết phải xử lý thế nào, đó là trường hợp cháu bị lên cơn động kinh.
Hay như trường hợp học sinh khi được bố mẹ đưa đến lớp liên tục chỉ thẳng tay vào mặt cô giáo nói liến thoáng một câu gì đó không rõ nghĩa, nếu phải những người yếu tim hay dễ xúc động, chắc họ sẽ ôm mặt khóc tu tu và chẳng dám đứng lớp nữa”, bà Nam kể lại.
Theo bà Nam, đó cũng chính là những điểm khó khăn nhất mà bà gặp phải khi đứng lớp, nhưng dạy mãi thành quen, rồi mọi thứ cũng vào khuôn khổ và tình cảm cô – trò thêm gắn bó, thậm chí không thể rời xa. “Giờ đây, tôi hiểu tính cách của từng cháu và chỉ cần tôi có cử chỉ gì là các cháu nhận ra ngay, nên việc dạy và học thuận lợi hơn nhiều so với những ngày đầu gây dựng”, bà Nam chia sẻ.
"Lớp học này nếu chỉ dạy chữ thôi thì sẽ không thể thực hiện được"
Hơn 30 năm tham gia dạy học ở bậc tiểu học, dù có nhiều kỷ niệm nhưng có lẽ cũng không thể đong đầy bằng những năm tháng gắn bó với lớp học tình thương.
“Trước đây, khi còn dạy tiểu học tôi chỉ nghĩ đơn giản là truyền thụ kiến thức cho các em. Nhưng từ khi dạy ở lớp học tình thương, tôi phải đi vận động từng nhà có con bị down, tự kỷ đến lớp học và đến khi mở được lớp tôi thấy rằng, ngoài dạy cho học sinh biết đọc, biết viết, biết tính toán thì mình phải có tình cảm, tình yêu thương với các cháu. Nếu chỉ nghĩ đơn giản dạy học không thôi thì sẽ không thể thực hiện được”, cô giáo Hương Nam chia sẻ.
Cô giáo Hồ Phương Nam khoe món quà mà học sinh tặng.
Mở lớp dạy học xuất phát từ tình thương, nên những gì bà giáo già nhận lại từ các học sinh cũng cảm động không kém, thậm chí bà đã từng rơi nước mắt khi nhận những món quà của học sinh nhân ngày 20/11.
“Hôm đó là ngày Nhà giáo Việt Nam, khi tôi vừa bước vào lớp các em học sinh mỗi người một bông hoa ùa lên ôm chầm lấy tôi và nói chúc mừng bà nhân ngày 20/11. Tôi vô cùng cảm động, nhưng cố nén cảm xúc hỏi học sinh: Thế các con lấy tiền đâu mua quà cho bà.
Các cháu cho biết, đó là tiền tiết kiệm từ những bữa sáng. Khi đó tôi đã khóc và ôm các cháu vào trong lòng”, bà Nam nhớ lại.
Ngoài ra, những hôm trái nắng trở giời, cơ thể đau nhức do bệnh tuổi già, bà Nam đến lớp với những “biểu hiện lạ”, các em học sinh không ai bảo ai người lên nắm tay, người lên hôn vào trán và chia sẻ với bà, những hành động đó quả thật nếu không xuất phát từ tình cảm, tình thương yêu thì sẽ không bao giờ có được.
Bà Nam đau đáu về người sẽ thay bà gìn giữ lớp học trong tương lai.
Cho đến tận bây giờ, khi bà Nam đã bước qua tuổi 85, sức khỏe ngày một yếu, tay bắt đầu run run, nhưng nỗi lo đau đáu của bà là tìm được một người “kế nghiệp” chăm sóc các cháu khi mình không còn đủ sức khỏe. Điều này bà đã đau đáu gần 10 năm nay nhưng vẫn chưa hoàn thành.
“Sinh lão bệnh tử, ai cũng phải trải qua, tôi lo lắm, khi không còn đủ sức khỏe nữa, ai sẽ là người dìu dắt các cháu đến với con chữ đây. Nghĩ đến cảnh lớp học “tan đàn xẻ nghé”, tôi càng cảm thấy buốt lòng vì người tốt bây giờ hiếm quá. Với họ, dạy học là “bán con chữ”, khi làm là phải có công, có lương chứ chẳng ai “điên” như tôi mà đi làm không công cả”, bà Nam ngậm ngùi.
Bà Hồ Phương Nam – 85 tuổi, ở An Dương – Yên Phụ - Tây Hồ - Hà Nội, người khai sinh ra lớp học tình thương từ năm 1988. Sau 19 năm hoạt động lớp học của bà đã tiếp nhận và dạy học cho 62 học sinh đặc biệt, trong đó các em chủ yếu mắc bệnh down, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, câm điếc. Mục đích khi mở lớp học là nhằm dạy cho các em biết đọc, biết viết, biết tính toán…đồng thời dạy đạo đức để các em vượt qua bệnh tật, hòa nhập cộng đồng. Được biết, trong 19 năm qua toàn bộ kinh phí mua đồ dùng học tập bà Hồ Phương Nam đều tự trang bị cho các em học sinh, đồng thời không thu học phí của bất cứ trường hợp nào. Với những đóng góp to lớn cho cộng đồng, bà Hồ Phương Nam đã vinh dự được nhận danh hiệu Công dân ưu tú Thủ đô, Huân chương Lao động và nhiều bằng khen của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. |