Ba ‘vũ khí’ tiêu diệt ung thư cổ tử cung ở phụ nữ

Ngày 17/03/2016 00:10 AM (GMT+7)

Phát hiện ung thư cổ tử cung càng sớm, khả năng chữa khỏi càng cao và “vũ khí” khắc tinh của bệnh ung thư cổ tử cung đó chính là: phẫu thuật, xạ trị và hóa trị liệu.

Ung thư cổ tử cung là một trong nhưng căn bệnh có tỷ lệ mắc cao hàng đầu ở phụ nữ, điều đáng nói hơn đây là căn bệnh đang ngày càng gia tăng về số lượng, đặc biệt là những nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, để hiểu đúng nguyên nhân gây bệnh, cách phòng tránh cũng như điều trị bệnh thì không phải người phụ nữ nào cũng biết. Chính vì lý do đó, chúng tôi giới thiệu tới quý bạn đọc tuyến bài về căn bệnh ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Tuyến bài này sẽ là những ý kiến, nhận định của các chuyên gia bác sĩ về nguyên nhân, triệu chứng, sự nguy hiểm cũng như cách phòng tránh căn bệnh này.

>> Ám ảnh căn bệnh khiến 9 phụ nữ tử vong mỗi ngày ở Việt Nam

>> Những dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung ở phụ nữ

>> Uống thuốc tránh thai 10 năm nguy cơ bị ung thư cổ tử cung cao

>> Quan hệ tình dục có nguy cơ bị nhiễm virus ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh có thể xảy ra với bất kỳ phụ nữ nào, đặc biệt bệnh thường gặp ở phụ nữ ở 35 – 40 tuổi trở đi. Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung là một trong số những loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ lứa tuổi 15 – 44 . Đây là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong cuộc đời của một người phụ nữ với nhiều thiên chức lớn lao: làm vợ, làm mẹ, là người chăm sóc gia đình và hơn thế nữa, ở độ tuổi này phụ nữ cũng đồng thời đã tạo dựng được sự nghiệp của mình.

Một điểm hết sức lưu ý của căn bệnh này, đó chính là bệnh không xảy ra đột ngột mà âm thầm trải qua các giai đoạn từ lúc nhiễm HPV, gây nên những biến đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung, các tổn thương tiền ung thư rồi đến ung thư, kéo dài trung bình từ 10 – 15 năm.

Đặc biệt giai đoạn tiền ung thư hầu như không có triệu chứng gì, do đó chị em không thể nhận biết mình mắc bệnh nếu không đi khám phụ khoa. Khi đã ở những giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể có những biểu hiện như ra huyết trắng có mùi hôi, có lẫn máu, chảy máu âm đạo sau giao hợp hoặc sau khi làm việc nặng dù không đang ở chu kỳ kinh nguyệt.

Ba ‘vũ khí’ tiêu diệt ung thư cổ tử cung ở phụ nữ - 1

Nặng hơn có thể chảy dịch có lẫn máu ở âm đạo, kèm theo đau bụng, lưng, vùng chậu và chân. Nếu chị em thấy mình có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên thì hãy đến gặp bác sĩ ngay. Không nên coi thường và bỏ qua những triệu chứng này. Khi các triệu chứng bị bỏ qua thì ung thư sẽ có thời gian để tiến triển đến những giai đoạn muộn hơn và việc điều trị sẽ càng khó khăn.

Hiện nay, với những tiến bộ của y khoa hiện đại, căn bệnh này có thể được chữa khỏi nếu bệnh được phát hiện sớm. Tuy nhiên ở giai đoạn muộn ung thư cổ tử cung lại rất khó chữa.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Duy Hiển – nguyên phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương, để điều trị bệnh ung thư cổ tử cung thì phụ thuộc hoàn toàn vào giai đoạn bệnh. Có 3 “vũ khí” cơ bản được sử dụng đơn lẻ hoặc phối hợp 2 hoặc cả 3 để điều trị căn bệnh này đó là: phẫu thuật, xạ trị và hóa trị liệu (dùng thuốc độc tế bào để tiêu diệt tế bào ung thư).

Phó giáo sư Hiếu cũng cho biết, đối với ung thư cổ tử cung, xạ trị có thể áp dụng cho mọi giai đoạn vì tế bào ung thư nhạy cảm với các tia bức xạ trong khi ngoại khoa không thể giải quyết được.

Với giai đoạn sớm, nếu bệnh nhân còn trẻ, còn nhu cầu sinh con và có điều kiện theo dõi tiến hành khoét chóp cổ tử cung, nếu khoét còn tế bào ung thư thì phải chuyển từ cắt tử cung toàn bộ và vét hạch chọn lọc.

Với giai đoạn ung thư tại chỗ, có thể dùng phương pháp phẫu thuật (phẫu thuật qua âm đạo, phẫu thuật cắt tử cung qua ổ bụng). Trong trường hợp tổn thương đã lan rộng vào âm đạo thì nên xạ trị.

Khi ung thư cổ tử cung đã ở giai đoạn cuối (giai đoạn muộn, rất muộn), khối ung thư đã xâm lấn và lan rộng đến bàng quang, trực tràng, niệu quản… và di căn sang phổi, xương, gan,…Lúc này, vai trò của phẫu thuật hoặc phối hợp xạ trị, hóa trị chỉ là chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng cho bệnh nhân.

Cuối cùng bác sĩ Hiểu cho biết, việc tiên lượng và điều trị cho bệnh nhân hoàn toàn phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. 100% phụ nữ được chữa khỏi khi tổn thương ở dạng vi thể (tổn thương nhỏ, quan sát bằng kính hiển vi mới thấy), 80-90% khỏi bệnh khi chẩn đoán ở giai đoạn I, 75% khỏi bệnh cho giai đoạn II, tỷ lệ này giảm xuống còn 15% khi ở giai đoạn III và thấp hơn khi ở giai đoạn IV.

Khi bệnh nhân đã di căn, tiên lượng chỉ sống được khoảng 5 năm, vì vậy việc sàng lọc phát hiện tổn thương tiền ung thư và ung thư giai đoạn sớm là vô cùng quan trọng để nâng cao tỉ lệ chữa khỏi cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung.

Để giúp chị em hiểu đúng hơn về nguyên nhân gây bệnh, cách phòng tránh cũng như điều trị bệnh Ung thư cổ tử cung, Tạp chí Tạp chí Điện tử Khám phá phối hợp với trang thông tin điện tử Eva.vn tổ chức Giao lưu trực tuyến về căn bệnh Ung thư cổ tử cung.

Buổi tư vấn diễn ra vào lúc 14h ngày 25/3/2016  với sự tham gia của 2 chuyên gia hàng đầu về Ung thư cổ tử cung:

- Bác sĩ Lê Văn Quảng, Phó Trưởng khoa Ung Bướu và Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Đại Học Y.

- Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trưởng Viện sức khỏe sinh sản và Gia đình

Độc giả quan tâm đến vấn đề này có thể gửi câu hỏi cho chuyên gia TẠI ĐÂY.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thời sự