Một tổ chức ở Anh đang kêu gọi mọi người ủng hộ việc cấm bấm lỗ tai cho trẻ sơ sinh và trẻ chập chững biết đi. Họ đã thu thập được hơn 30.000 chữ ký từ những người quan tâm.
Đồng tình hay phản đối việc bấm lỗ tai cho trẻ nhỏ là một trong những vấn đề gây chia rẽ sâu sắc trong các cộng đồng. Thực tế bấm lỗ tai không chỉ đơn giản như là việc thay đổi kiểu tóc, nhưng quá nhiều bà mẹ coi nó là chuyện bình thường bắt nguồn từ lịch sử gia đình, những kỷ niệm thời thơ ấu hoặc muốn con mình trông cá tính hơn.
Kiến nghị được đưa ra bởi một người người mẹ có con gái 8 tuổi. Cô khẳng định rằng việc bấm lỗ tai cho các bé là một hình thức đối xử tàn ác với con mình, gây đau đớn và sợ hãi cho trẻ nhỏ. Nó không phục vụ mục đích nào khác ngoài việc đáp ứng ý thích của cha mẹ.
Bấm lỗ tai là đối xử tàn ác với con?
"Khi tôi khoảng 10 tuổi, tôi đã thấy một em gái nhỏ bé thét lên một tiếng kinh hoàng ngay trước mặt tôi. Tôi ước chừng em bé đó chỉ khoảng 2 tuổi. Mặc cho em vô cùng hoảng sợ, mẹ và người cô vẫn tiến hành bấm lỗ tai cho em. Bây giờ, khi nghĩ lại, tôi cảm thấy sợ hãi những gì đã xảy ra hôm đó. Tôi không phải là một người mẹ hoàn hảo, nhưng nếu con của tôi đã la hét như thể tôi đang lột da nó thì tôi sẽ ngừng làm bất cứ điều gì đang tiến hành", người mẹ này bày tỏ.
Tuy nhiên, trên Facebook, nhiều người cho rằng đó là một nét văn hóa của từng dân tộc. Họ đưa ra lập luận:
"Vợ tôi và các chị em của cô ấy đã bấm lỗ tai trước khi họ biết đi. Đây là một nét văn hóa của Hungary, vì vậy các mẹ Hungary khăng khăng muốn giữ tục lệ này. Tôi nghĩ đó là một ý tưởng tốt và chúng tôi sẽ làm tương tự cho các con để duy trì truyền thống".
Chia sẻ này đã thu hút được sự quan tâm lớn của cộng đồng và đã xảy ra một cuộc tranh luận gay gắt:
Có người đặt ra câu hỏi: "Các bé gái bị cắt một phần bộ phận sinh dục (FGM) cũng là văn hóa?".
- "FGM là điều không thể so sánh với việc bấm lỗ tai. Đừng có kích động".
Và cuộc thảo luận nóng vẫn tiếp tục:
- "Bấm lỗ tai cho một đứa trẻ sơ sinh là tội ác. Tại sao chúng ta lại gây đau đớn cho các bé. Con của bạn không phải là một phụ kiện thời trang".
- "Cả hai tai con gái 12 tháng tuổi của tôi đều đã được bấm lỗ tai. Và tôi biết tôi đang làm gì, hãy để mẹ con tôi làm theo cách của mình!!".
Và một comment khác:
"Rõ ràng là nó mang lại cho đứa trẻ sự tự kỷ".
Vậy, sự thật là gì?
Chắc chắn có nhiều nền văn hóa trên thế giới quan niệm việc bấm lỗ tai ở trẻ nhỏ là một tiêu chuẩn, đôi khi họ làm điều đó trước cả khi đứa trẻ rời bệnh viện lúc mới sinh. Tục lệ này có ở khắp nơi, từ châu Phi đến châu Âu, châu Á, Nam Mỹ.
Đối với văn hoá Hindu, bấm lỗ tai cho trẻ sơ sinh được coi là một nghi lễ văn hóa. Nó dùng để chứng minh rằng em bé đó là một phần của bộ lạc giống như cha mẹ và các anh chị em của bé.
Ở Úc, không có độ tuổi tối thiểu hợp pháp cho việc bấm lỗ tai nếu bạn được sự đồng ý của cha mẹ. Trên thực tế nhiều vùng đã áp đặt quy định riêng, thường là trên 6 tháng tuổi. Trong bang Queensland, pháp luật cho phép cha mẹ bấm lỗ tai cho con cái mà không cần sự đồng ý. Đơn giản vì đứa bé đó còn quá nhỏ. Tuy nhiên, điều này đã dấy lên một làn sóng phản đối: Làm thế nào để biết các bé có đồng ý hay không?
"Về cơ bản, tôi tin rằng việc bấm lỗ tai không phải là việc để tôi nói với các con của mình là nên hay không nên. Chúng có thể tự quyết định điều đó khi chúng lớn và có nhận thức về bản thân.
Con gái tôi đã có lúc định bấm lỗ tai, nhưng sau đó nó đã không xảy ra. Lúc đó bé lên 6 tuổi và nói là nhất định muốn bấm lỗ tai. Con bé đã mất cả một khoảng thời gian dài tìm hiểu kinh nghiệm của mọi người về vấn đề này. Sau đó, nó nhận ra đó là một việc rất đau đớn.
Nếu bấm lỗ tai, sẽ có những lúc bị đau nhói và mưng mủ tai. Và theo thời gian, khi con bé ở độ tuổi 60, dái tai sẽ chảy xệ mà không thể cứu vãn được. Con tôi biết được tất cả điều đó và tất nhiên, tôi sẽ không phản đối nếu con vẫn quyết định đeo những cái "móc thịt người" đó.