Các nhà khoa học chỉ ra biện pháp tốt nhất để sống sót trong trường hợp thang máy rơi tự do xuống đất.
Ngày 18.7, tại một tòa nhà ở quận Hải Châu, Đà Nẵng đã xảy ra sự cố thang máy chở 10 người bị rơi tự do từ tầng 6 xuống đất, khiến các bệnh nhân bị thương, trong đó có 2 người bị các chấn thương nặng ở cột sống và xương đùi, xương gót chân.
Xét về mặt thống kê, tai nạn thang máy là vô cùng hy hữu, với tỉ lệ xảy ra tai nạn khi đi thang máy chỉ ở mức 0.00000015%. Phần lớn các tai nạn thang máy gây tử vong và thương tích xảy ra trong quá trình lắp đặt và bảo dưỡng của công nhân, tiếp theo là những người bị kẹt ở cửa thang máy hoặc hụt chân khi thang máy dừng ở giữa hai tầng.
Thang máy rơi là nỗi ám ảnh của nhiều người. Ảnh minh họa
Các thang máy hiện đại ngày nay đều được trang bị những tính năng an toàn để ngăn chặn những cú rơi tự do “tử thần”. Các thang máy này đều được trang bị hệ thống kiểm soát tốc độ, khi phát hiện tốc độ đi xuống của thang máy quá nhanh, hệ thống này sẽ kích hoạt phanh hãm ở đường ray hành trình.
Ngoài ra, những thang máy này còn được trang bị từ 4-8 sợi cáp chắc chắn, mỗi sợi cáp đủ khỏe để giữ thang mà không bị đứt. Mặc dù vậy, nếu xui xẻo bị rơi vào trường hợp 0.00000015% trên và đứng trong một chiếc thang máy ngay lúc nó rơi tự do, mọi người cần làm gì để đảm bảo an toàn cho tính mạng của mình?
Một số người thường có quan niệm rằng nếu họ kịp thời nhảy lên vào đúng tích tắc trước khi thang máy chạm đất, họ sẽ không chịu lực va đập quá mạnh và sẽ an toàn.
Nhiều người cho rằng nhảy lên đúng lúc khi thang máy rơi sẽ an toàn
Để kiểm tra tính hiệu quả của phương pháp này, kênh Discovery đã làm một thực nghiệm với hình nộm trong thang máy. Hình nộm này được gắn một thiết bị lò xo để giúp nó “nhảy” lên trước khi thang máy chạm đất.
Tuy nhiên, trong một chiếc thang máy đang rơi tự do với vận tốc 82 km/h, dù đã nhảy lên đúng thời điểm, hình nộm vẫn bị đập xuống sàn thang với vận tốc kinh hoàng đủ để gây chết người. Các nhà khoa học lý giải rằng khi nhảy lên như vậy, bạn chỉ giảm tốc độ rơi tự do được 5-6 km/h, trong khi phải hứng chịu nguy cơ đập đầu lên trần thang và vẫn rơi xuống với những vết thương trầm trọng hơn.
Theo đó, muốn được an toàn bằng biện pháp này, bạn phải nhảy lên với vận tốc lớn hơn vận tốc rơi của thang máy, điều không thể đối với khả năng của con người.
Việc nhảy lên trong thang máy chỉ càng làm cho vết thương của bạn càng trầm trọng
Một số người cho rằng họ cần phải đứng gập đầu gối, kiễng gót chân trong thang máy để giảm bớt xung lực khi va chạm. Hiện hiệu quả của phương pháp này đến đâu vẫn chưa được kiểm chứng, nhưng các nhà khoa học chỉ ra rằng khi làm vậy, bạn sẽ khiến cơ thể phải hấp thụ lực theo chiều dọc, làm tăng nguy cơ gãy xương, đặc biệt là xương đùi khi gặp chấn động ở tốc độ cao.
Giải pháp hữu ích nhất mà các nhà khoa học chỉ ra là nằm dài ra trên sàn thang máy, với phần lưng tiếp xúc với sàn, dùng tay che mặt và đầu để tránh bị những mảnh vỡ rơi vào. Với tư thế này, khi thang máy tiếp đất, xung lực sẽ được dàn đều khắp cơ thể bạn, bảo vệ các phần xương dài như xương sống và xương đùi khỏi lực tác động quá lớn. Khi bị rơi từ độ cao quá lớn, các phần xương nhỏ hơn như xương sườn có thể vẫn bị gãy, nhưng những bộ phận trọng yếu của cơ thể sẽ được bảo vệ.
Nằm xuống trên sàn thang máy là giải pháp sống sót tốt nhất
Với phương pháp này, mặc dù các bộ phận nội tạng vẫn bị hấp thụ lực, nhưng các nhà khoa học chỉ ra rằng đây là phương pháp tốt nhất để sống sót trong một vụ rơi thang máy.
Trong trường hợp không thể nằm dài trên sàn thang máy, lời khuyên của các nhà khoa học là nếu bạn mang theo hành lý, valy, hãy kê thật nhiều hành lý ở dưới chân để chúng hấp thụ bớt lực tác động, đồng thời nắm chặt vào thanh ray bên trong thang máy để giảm bớt lực đập xuống.