Tình trạng bạo lực học đường đang diễn biến phức tạp và nguy hiểm lại là nỗi ám ảnh với các phụ huynh, học sinh; nhiều người cho rằng, nguyên nhân là từ sự phó mặc con em của các phụ huynh cho nhà trường…
Tình trạng bạo lực học đường, học sinh đánh chửi nhau, thậm chí hù dọa thầy cô giáo từ lâu đã gây bức xúc dư luận, trở thành vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội. Nhiều biện pháp răn đe được đưa ra như nhắc nhở, cảnh cáo thậm chí kỷ luật đuổi học nhưng đến giờ vẫn chưa phát huy hiệu quả. Thế nhưng, một trong những môn học tác động trực tiếp đến lời nói và hành vi của các em là Đạo đức, Giáo dục công dân thì hiện nay lại đang bị xem nhẹ, số tiết học ít, thầy cô giáo dạy qua loa... Để tìm hiểu nguyên nhân, sức ảnh hưởng của nạn bạo lực học đường, vai trò của bộ môn Đạo đức trong việc góp phần giải quyết vấn nạn này, mời độc giả tham khảo loạt bài viết về tình trạng bạo lực học đường và bộ môn Đạo đức dưới góc nhìn từ phía học sinh, nhà trường, phụ huynh và các chuyên gia giáo dục. Kỳ 1: Học sinh vô cảm trước nạn đánh nhau, chửi bậy Kỳ 2: Bài học Đạo đức hay nhưng chưa kịp 'ngấm' Kỳ 3: Nhà trường không hay, phụ huynh né tránh |
Trách nhiệm thuộc về ai?
Quay trở lại những vụ học sinh đánh nhau, chửi thề, nói tục, nhiều người không khỏi đi đến bất ngờ này đến cái "choáng váng" khác: các em đánh nhau trước cổng trường, trong lớp học, cả khi mang trên người đồng phục trường, đeo khăn quàng đỏ, đánh bạn bằng mọi phương tiện đá đấm tay chân, ghế, guốc, đánh hội đồng như trong phim và xé quần áo, chửi bới như bậc đàn chị... Nếu như sống trong một gia đình hạnh phúc, một môi trường phim ảnh, internet trong sạch, nhà trường quan tâm có lẽ các em đã không có cơ hội học được những hành vi đầy bản năng như vậy.
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Những biểu hiện vi phạm về hành vi đạo đức của một bộ phận thanh thiếu niên đang là một trong những vấn nạn hiện nay trong xã hội ta. Đặc biệt, qua phản ánh của phương tiện truyền thông, tình trạng bạo lực trong thanh thiếu niên trong và ngoài nhà trường đang có chiều hướng diễn ra phức tạp. Một sự việc va chạm hết sức đơn giản cũng có thể dẫn đến hành vi giết người. Nguyên nhân của những hành vi tiêu cực đạo đức có nhiều bắt nguồn từ các yếu tố về giáo dục, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội, gia đình, tôn giáo, quan niệm về giá trị và môi trường sống…".
Giáo dục và môi trường sống quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của các em. Thế nhưng thực tế, sách vở dạy về Đạo đức lại hời hợt, gia đình thiếu quan tâm, nhà trường nhiều khi lại không hề hay biết. Rất nhiều vụ đánh nhau của học sinh ở lớp hay ngoài trường, nhà trường không hay biết, chỉ đến khi clip quay lại phát tán rộng rãi trên mạng, báo chí vào cuộc thì nhà trường mới xác nhận sự việc.
Ngay chính bậc phụ huynh của nạn nhân cũng chỉ thấy con có biểu hiện lạ mà không truy ra nguyên nhân, đến lúc này mới "té ngửa" oán tránh nhà trường không quản lý, còn cha mẹ của những học sinh gây chuyện thì đổ lỗi cho trường "không biết dạy".
Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh đánh nhau, đánh hội đồng rồi tung lên các trang mạng xã hội, chị Trương Thị Ánh Nga (Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội) tin rằng: “Phụ huynh thiếu tâm huyết trách nhiệm với con em, phó mặc cho nhà trường khi con mình vi phạm thì lại cố tình làm đơn chuyển trường, vì lý do đơn giản là oán ghét thầy cô giáo. Họ nghiễm nhiên mặc định rằng, trách nhiệm giáo dục trẻ em thuộc về nhà trường. Khi có chuyện xảy ra, họ lại tránh né".
Cũng theo chị Ánh Nga, học sinh đang tuổi lớn, ham làm lớn, ham làm đại ca,… một phần do nền công nghệ thông tin thường xuất hiện các cảnh phim bạo lực, sự bắt chước.
Học sinh đánh nhau, bạn bè đứng nhìn và quay clip (Ảnh internet)
Đồng quan điểm với chị Ánh Nga, anh Nguyễn Đức Trọng (Hà Đông, Hà Nội) cho rằng: “Tỷ lệ trẻ có “dính” đến bạo lực học đường nằm rất nhiều trong những gia đình không hạnh phúc hay có trục trặc nội bộ, mà nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên lại ảnh hưởng rất nhiều đến bản tính, đạo đức, nhân cách của một đứa trẻ".
Cần quan tâm đồng đều
Anh Nguyễn Châu, phụ huynh của bé Phan Thu Hằng (học sinh trường tiểu học Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Với tất cả các công dân, đều phải sống và làm việc theo pháp luật. Trong khi xã hội còn nhiều bất cập, bất công thì tuổi trẻ với tâm lý chưa ổn định sẽ rất dễ hành xử theo cảm tính, nếu như không được giáo dục, dẫn đến những hành xử tiêu cực như đánh nhau, đâm chém.
Chúng ta cần phải có bài học cụ thể, những cuộc trao đổi về nhân cách học đường để chúng thấy được có một xã hội không hẳn xấu, hay khi gặp phải chuyện không tốt, chúng tự biết cách hành xử”.
Cũng theo anh Châu, những nhà mô phạm không có gì hơn hết là phải tiếp thu cho mình những kiến thức xã hội để chỉ dẫn, truyền đạt lại cho đứa trẻ đúng hướng. Hay trong những cuốn sách dạy kỹ năng sống, đó cũng là một cách để giáo dục con trẻ. Tuy nhiên không cần thiết phải máy móc. Nhưng quan trọng, người giáo viên phải biết chắt lọc kiến thức để truyền đạt cho mỗi học sinh.
Còn theo anh Nguyễn Đức Trọng (Hà Đông, Hà Nội), chúng ta cần cho các emg phấn đấu theo các tấm gương, để đứa trẻ nhìn thấy được những cái được và chưa được của xã hội.
GS.TS Phạm Tất Dong – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng: “Lâu nay, quan hệ giữa gia đình và nhà trường có vẻ rất gắn bó, tháng nào cũng họp phụ huynh, nhận xét con cái. Việc nhận xét đó rất tốt, giúp bố mẹ biết được con mình có những ưu nhược điểm ra sao thông qua nhà trường.
GS.TS Phạm Tất Dong
Nhưng nhiều khi biết được con mình có khuyết điểm rồi bố mẹ lại chạy về bàn nhau quà cáp cho thầy để con được nâng điểm, và nghiễm nhiên sự liên kết giữa các bên với nhau lại phản tác dụng.
Như vậy là tiêm vào đầu con cái “ôi dào, mình học kém nhưng bố mẹ mình có quà cho cô rồi mà”. Thế nên, người lớn mà không “tử tế” được thì trẻ con không thể “tử tế” được.
Trong quá trình theo học, việc rèn luyện đạo đức cho học sinh cần được đặt lên hàng đầu, không thể có học sinh lưu ban do trượt Toán nhưng lại không lưu ban do trượt đạo đức.
Phải giáo dục toàn diện, về cả năng lực, phẩm chất, đưa ra các điều kiện tốt nghiệp có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Tập thể rất quan trọng với mỗi học sinh, người thầy giáo phải tạo được một tập thể vững mạnh, từ đó, tác dụng mỗi tập thể sẽ dễ dàng là điểm tựa của mỗi thành viên”.
Kỳ 4: Môn Đạo đức ở các nước được học như thế nào?