Đánh nhau, chửi bậy, gây sự với thầy cô, bạn bè... là những hình ảnh không phải hiếm trong môi trường giáo dục hiện nay. Thế nhưng, điều đáng nói là nhiều học sinh cảm thấy chuyện bạo lực học đường này quá bình thường, thậm chí, có những em còn "hồn nhiên" cổ vũ bạn đánh nhau.
Tình trạng bạo lực học đường, học sinh đánh chửi nhau, thậm chí hù dọa thầy cô giáo từ lâu đã gây bức xúc dư luận, trở thành vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội. Nhiều biện pháp răn đe được đưa ra như nhắc nhở, cảnh cáo thậm chí kỷ luật đuổi học nhưng đến giờ vẫn chưa phát huy hiệu quả. Thế nhưng, một trong những môn học tác động trực tiếp đến lời nói và hành vi của các em là Đạo đức, Giáo dục công dân thì hiện nay lại đang bị xem nhẹ, số tiết học ít, thầy cô giáo dạy qua loa... Để tìm hiểu nguyên nhân, sức ảnh hưởng của vấn nạn bạo lực học đường, vai trò của bộ môn Đạo đức trong việc góp phần giải quyết vấn nạn này, mời độc giả tham khảo loạt bài viết về tình trạng bạo lực học đường và bộ môn Đạo đức dưới góc nhìn từ phía học sinh, nhà trường, phụ huynh và các chuyên gia giáo dục. Kỳ 1: Học sinh vô cảm trước nạn đánh nhau, chửi bậy Kỳ 2: Bài học Đạo đức hay nhưng chưa kịp 'ngấm' Kỳ 3: Nhà trường không hay, phụ huynh né tránh |
Vấn nạn đánh nhau vì ngứa mắt
"Học sinh đánh nhau"; "Nữ sinh đánh hội đồng"; "Đánh bạn"; "Học sinh văng tục, chửi bậy"... chỉ cần gõ những từ khóa này trên Google sẽ cho ra một loạt các vụ đánh nhau gây chấn động thời gian vừa qua. Thật đáng buồn vì đây là những đối tượng đang còn ngồi trên ghế nhà trường, và bất ngờ hơn khi nhiều vụ đánh nhau lại ngay trước cổng trường, thậm chí ngay trong lớp học.
Hình ảnh học sinh đánh nhau ngập tràn các trang mạng (Ảnh internet).
Một trong những vụ việc gây chấn động nhất trong năm nay là vụ nữ sinh Nguyễn Thị H.P, lớp 7/5, trường THCS Lý Tự Trọng (thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) bị các bạn trong lớp đánh hội đồng. Theo video gây xôn xao đầu tháng 3 này, H.P ngồi ở bàn học với đầu tóc rối tung, miệng mếu khóc và ngay sau đó một nhóm nữ sinh đi đến nắm tóc, đánh tới tấp trong khi P. chỉ biết ngồi ôm đầu chịu trận. Lúc sau, nam sinh khác quăng chồng ghế vào đầu P.
Ngay sau khi vụ việc gây bức xúc gia đình và dư luận, Phòng GDĐT Trà Vinh đã quyết định kỷ luật cách chức với hiệu trưởng, hiệu phó trường. Tổng phụ trách và giáo viên chủ nhiệm bị kỷ luật cảnh cáo, 3 học sinh bị thôi học 1 tuần, những em còn lại bị cảnh cáo. Riêng H.P sau đó chuyển trường lên TP.HCM học tập.
Sau khi bị phát tán clip, P. và các bạn mới khai nguyên nhân dẫn đến vụ đánh hội đồng này. Một điều bất ngờ, người đứng đầu không ai khác chính lại là lớp trưởng chăm ngoan, học giỏi, hạnh kiểm tốt. Trước đó, V. - lớp trưởng sai P. đi mua đồ nhưng không nghe lời. Sau khi tiếp tục yêu cầu P. đánh nhau với một bạn khác không được, V. đã cùng 6 bạn đánh hội đồng P.
Trong số học sinh đánh P, có em Bình T. thừa nhận, hàng ngày thường xem nhiều phim bạo lực, phim xã hội đen đánh nhau.
Hình ảnh nữ sinh lớp 7 bị đánh hội đồng khiến dư luận bức xúc (Ảnh cắt từ clip)
Một vụ khác gây náo động không kém là cảnh 20 nam sinh trường THCS Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội dàn cảnh đánh nhau như phim xã hội đen. Theo tường trình của các nam sinh, nguyên nhân vụ việc xuất phát từ xích mích nhỏ, bột phát của hai nam sinh lớp 9.
Có vô vàn lý do được đưa ra ở mỗi vụ bạo lực học đường này, tuy nhiên, khi tìm hiểu nguyên nhân mỗi vụ, người lớn lại không khỏi giật mình vì các em manh động quá: đánh nhau vì muốn quay clip, đánh ghen, nói xấu trên facebook... và chỉ vì hiểu lầm.
Chửi bậy theo bạn bè
Bên cạnh những vụ việc đánh nhau, thì nói tục, chửi bậy cũng là vấn nạn khiến phụ huynh, giáo viên đau đầu. Tưởng rằng với học sinh chỉ biết nói ra những "lời hay, ý đẹp" phù hợp với môi trường học đường thì thực tế những câu chuyện bên quán nước cạnh trường, trong giờ ra chơi và đặc biệt trên trang Facebook cá nhân cũng khiến không ít người choáng.
Khi được hỏi về lý do, nam sinh N.M.T, học sinh một trường cấp 3 tại Hà Nội cho biết: "Ngồi với lũ bạn mà không nói câu nào sẽ bị chọc quê, "hai lúa"... Thế nên không muốn mình lạc loài thì em cũng phải văng vài câu, thành ra quen miệng".
Các em nói tục, chửi thề ở khắp nơi, vui vẻ chửi thề, nói xấu ai cũng chửi thề, đến khi bị thầy cô nhắc nhở cũng không quên lẩm nhẩm câu vì quen miệng.
Học sinh lập Hội ghét thầy cô trên mạng xã hội.
Đáng báo động hơn, một số học sinh dùng mạng xã hội Facebook là nơi để bày tỏ nỗi bức xúc của mình với thầy cô giáo. Rất nhiều hội nhóm mang tên "ghét thầy cô giáo" được lập ra để học sinh "xả" cơn tức giận trong khi đáng lẽ ra những người này cần được tôn trọng.
Đó cũng là lý do vì sao, ngay khi bước vào năm học mới, trường THPT Nguyễn Đức Cảnh, Thái Bình đã phải đưa ra những điều lưu ý khi lên Facebook, trong đó điều 1 là "Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những thứ viết tắt... Phải sử dụng ngôn ngữ trong sáng, thuần Việt".
Cách đây 2 năm, trường THPT DL Lương Thế Vinh, Hà Nội cũng gây xôn xao với những quy định tương tự.
Những điều lưu ý khi lên Facebook của trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (Ảnh internet).
Tuy nhiên, thay vì nói trực tiếp ra từ bậy đó, các bạn trẻ lại dùng từ viết tắt, từ lóng để diễn đạt như "chuẩn cơm mẹ nấu"; "vãi lúa"; "đậu xanh rau má"; "Cần lời giải thích"...
Mặc dù trường nào cũng quy định học sinh không được nói bậy, chửi thề nhưng thực tế ghi nhận khó có trường nào "vô trùng", kể cả với những trường nổi tiếng là ngoan, học giỏi.
Câu hỏi đặt ra là hàng ngày ngồi trên ghế nhà trường, các em vẫn được nghe giảng về bài học đạo đức, thuộc làu những quy định về chuẩn mực của một học sinh thế nhưng tại sao những vụ việc như trên vẫn thường xuyên xảy ra và ngày càng nghiêm trọng?
Kỳ 2: Bài học Đạo đức hay nhưng chưa kịp 'ngấm'