Ở Hàn Quốc, học sinh được chú trọng học đạo đức chuyên sâu về nét truyền thống dân tộc, trong khi đó ở Đức lại nhấn mạnh việc tuân thủ theo luật pháp...
Tình trạng bạo lực học đường, học sinh đánh chửi nhau, thậm chí hù dọa thầy cô giáo từ lâu đã gây bức xúc dư luận, trở thành vấn nạn nhức nhối của toàn xã hội. Nhiều biện pháp răn đe được đưa ra như nhắc nhở, cảnh cáo thậm chí kỷ luật đuổi học nhưng đến giờ vẫn chưa phát huy hiệu quả. Thế nhưng, một trong những môn học tác động trực tiếp đến lời nói và hành vi của các em là Đạo đức, Giáo dục công dân thì hiện nay lại đang bị xem nhẹ, số tiết học ít, thầy cô giáo dạy qua loa... Để tìm hiểu nguyên nhân, sức ảnh hưởng của nạn bạo lực học đường, vai trò của bộ môn Đạo đức trong việc góp phần giải quyết vấn nạn này, mời độc giả tham khảo loạt bài viết về tình trạng bạo lực học đường và bộ môn Đạo đức dưới góc nhìn từ phía học sinh, nhà trường, phụ huynh và các chuyên gia giáo dục. Kỳ 1: Học sinh vô cảm trước nạn đánh nhau, chửi bậy Kỳ 2: Bài học Đạo đức hay nhưng chưa kịp 'ngấm' Kỳ 3: Nhà trường không hay, phụ huynh né tránh |
Ở mỗi quốc gia trên thế giới có nền văn hóa riêng, vì vậy, môn Đạo đức cũng từ đó được chú trọng ở những điểm khác nhau. Dưới đây là chia sẻ của những người Việt đang sinh sống tại nước ngoài và cả người bản địa về môn học này:
Ở Nhật: Bài học hay không chỉ ở nội dung mà ở cách dạy
Nguyễn Thị Thu, Nghiên cứu sinh ĐH Tsukuba Nhật Bản, chia sẻ về việc học sinh Nhật học đạo đức như thế nào trên Cẩm nang Kilala (Trang tư vấn du học Nhật Bản). Theo nghiên cứu sinh này, người Nhật cho rằng “Sách giáo khoa Đạo đức đảm đương vai trò vô cùng quan trọng, đó là nuôi dưỡng tính nhân văn trong mỗi con người, dạy trẻ em biết suy nghĩ cho người khác, bên cạnh những bài học về bản thân, cách giao tiếp xã hội, ý thức quy phạm, để từ đó các con tự tin tạo dựng một cuộc sống tích cực, tốt đẹp hơn”.
Bìa sách giáo khoa Đạo đức của học sinh Nhật
Bài học Hãy là một thành viên tích cực trong gia đình
Ngay nội dung của sách giáo khoa Đạo đức lớp 1,2 ở Nhật, có thể thấy rằng từ lớp nhỏ nhất, các em đã được dạy đầy đủ các bài học đạo đức và kỹ năng cơ bản để xây dựng nên những con người có phẩm cách cũng như một xã hội văn minh.
Trên lớp, các học sinh sẽ đọc câu chuyện rồi cùng nhau suy nghĩ, viết ý kiến cá nhân vào chỗ trống, chia nhóm để thảo luận. Về cơ bản, cô giáo chỉ là người giúp học sinh tổ chức thảo luận hoặc đưa ra câu hỏi thôi chứ không thuyết giảng. Dù đúng dù sai thì mỗi em đều có thể trình bày nhận thức của mình. Nếu sai, cô giáo có thể tìm cách hỏi han và trao đổi để giúp học sinh ấy nhận ra.
Điều cơ bản của tiết đạo đức là “để học sinh bày tỏ suy nghĩ riêng của các em về vấn đề này, chia sẻ với các bạn về việc thực hành nó trong cuộc sống hàng ngày...”. Ngoài ra, các em còn về nhà trao đổi, hỏi han người lớn trong gia đình hoặc hàng xóm. Vì thế, SGK Đạo đức ở Nhật không chỉ dùng trong nhà trường mà còn cần sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình, người thân, hàng xóm và cả khu dân cư nơi học sinh ở.
Hãy luôn chào hỏi người khác với thái độ thân thiện
Trang đầu tiên SGK lớp 1, 2 bao giờ cũng là tự giới thiệu bản thân thông qua các câu hỏi. Ví dụ với học sinh lớp 1 sẽ là đồ ăn em thích ăn nhất, việc gì em giỏi nhất, điều gì em quý trọng nhất, kỷ niệm vui nhất của em là gì, em thích chơi trò gì nhất, giấc mơ sau này của em?... Học sinh lớp 2 sẽ có câu hỏi giống hệt như vậy. Vì có thể qua thời gian mỗi em sẽ thay đổi trong suy nghĩ và sở thích của mình. Những câu hỏi đại khái như vậy sẽ giúp người khác hình dung được cá tính và con người mỗi học sinh. Trang cuối là tự bản thân ghi lại những việc mình đã học được, làm được và ý kiến của người thân.
Mỗi cuốn SGK Đạo đức gồm nhiều bài học, đưa ra đề tài dưới hình thức câu chuyện, và có phần để học sinh ghi lại những điều đã thực hành, hoặc ghi ý kiến, nhận xét của người thân hoặc người xung quanh về bài đạo đức đó của trẻ. Và những người soạn sách nhắn nhủ rằng “Bất kỳ ở đâu, bất kỳ khi nào, bao nhiêu lần đi nữa các em hãy giở cuốn sách đạo đức, để suy nghĩ xem trong cuộc sống điều gì là quan trọng nhất đối với chúng ta, và hãy phát huy nó trong đời sống của bản thân mình”.
Cha mẹ cũng có thể dùng nó để dạy dỗ con cái. Có thể nói, điều khác biệt nhất trong việc dạy Đạo đức trong nhà trường ở Nhật Bản không chỉ là nằm ở nội dung, mà còn cách giảng dạy thiết thực và sinh động. Chính vì vậy, để lại dấu ấn rất sâu sắc trong tâm hồn và ý thức của mỗi học sinh.
Ở Hàn Quốc - Coi trọng tiết học truyền thống
Theo chia sẻ của một sinh viên Hàn Quốc, môn học Đạo đức ở đây bắt đầu từ bậc tiểu học. Tuy nhiên, một số trường có thể bắt đầu dạy những bài học đạo đức đầu tiên ở bậc mầm non do cơ chế tự chủ trong giáo dục.
Đặc biệt các trường mầm non quốc tế, nơi trẻ em được tiếp xúc nhiều với văn hóa phương Tây, nhà trường luôn bố trí một tiết học đạo đức truyền thống Hàn Quốc hàng ngày. Điều đáng nói là một số trường mầm non quốc tế hoàn toàn dạy bằng tiếng Anh trong chương trình nhưng riêng môn Đạo đức dạy bằng tiếng Hàn.
Một tiết học ở Hàn Quốc. (Ảnh BBC)
Trong những tiết học này, trẻ được dạy về lịch sử truyền thống đạo đức của Hàn quốc, cách các phép lịch sự cơ bản, cách cư xử với mọi người xung quanh và đặc biệt trẻ được dạy tôn trọng người lớn tuổi hơn.
Lên đến bậc trung học, học sinh được học về những vấn đề chuyên sâu hơn về đạo đức trong xã hội hiện đại ví dụ như sự khác biệt về suy nghĩ giữa các thế hệ trong cùng một gia đình. Hàn Quốc muốn xây dựng một xã hội văn minh trong xu thế toàn cầu hóa nhưng luôn muốn giữ lại các nét đạo đức truyền thống.
Đạo đức truyền thống của Hàn Quốc bắt nguồn từ các quan điểm của Nho giáo, tuy nhiên ngày nay họ cũng đưa vào các quan điểm của Phật giáo và Kito giáo trong các giờ học đạo đức, học sinh có thể thảo luận tuy nhiên thường vẫn là giáo viên thuyết trình là chính.
Chính vì vậy, học sinh quốc gia này rất ngoan, ít có trường hợp đánh nhau mà ngược lại răm rắp nghe theo lời thầy cô, thấy người lớn thì cúi rạp xuống chào, vào quán ăn được mang đồ ra cũng nói lời cảm ơn...
Ở Đức - Đánh giá con người qua thước đo tuân thủ luật
Chị Vũ Thu Hương, từng có thời gian sinh sống và có con gái học mẫu giáo tại đây chia sẻ, ở Đức không có môn nào tên Đạo đức nhưng các giáo viên dạy học sinh thông qua các lễ hội, các quy định pháp luật. Đức là quốc gia thực hiện nghiêm túc và coi trọng luật lệ chứ không kiểu "Phép vua thua lệ làng".
Đã là luật thì không phải cãi, không thanh minh. Ngay cả chính bố mẹ đèo con đi trên đường mà vượt đèn đỏ thì sẽ bị giữ xe lại và "xỉ vả" kiểu: "Anh/chị đang làm hại con". Nếu mình không tuân thủ theo luật, nhà trường ngay lập tức sẽ nhắc nhở "Không đủ tư cách dạy con". Người ta đánh giá con người qua thước đo tuân thủ luật và cống hiến cho loài người.
Học sinh Đức coi trọng luật lệ (Ảnh DW)
Những gì ngoài luật thì quốc gia này lại khá thoải mái. Ví dụ ở lớp, học sinh không gọi cô giáo là "cô Hằng"; "cô Huệ"... mà gọi bằng tên như Cathy... Nhưng nếu học sinh sai phạm quy định ngay lập tức phải ra "ghế xấu" để ngồi. Một tiết học ở Đức vô cùng thoải mái, các em muốn làm gì cũng được miễn là hoàn thành xong nhiệm vụ cô giáo giao. Vì vậy việc bị phạt ngồi một chỗ khiến các em vô cùng bí bách và cảm thấy xấu hổ.
Thứ hai các em học Đạo đức thông qua lễ hội như lễ hội người dân da đỏ, lễ hội hóa trang... Và đặc biệt là học về tình yêu quê hương đất nước bằng các môn như Địa lý, Lịch sử. Thế nhưng không phải như mình nặng nề là nói "Con yêu đất nước, yêu tổ quốc"... mà nói rằng "Những người tuân thủ luật lệ là những người yêu nước".
Ở Nga - Học đạo đức kèm với giáo dục thể chất
Du học sinh Nguyễn Hà Duy, sinh viên đại học Tổng hợp Quốc gia Astrakhan, Nga cho biết:
Ở bên Nga không có môn đạo đức như ở Việt Nam mình. Họ dạy đạo đức vào những tiết ngoại khóa. Người Nga họ tự lập từ bé nên đa phần luôn làm chủ hành vi của mình. Nếu không thích nhau hay có mâu thuẫn xảy ra, họ thường nói thẳng với nhau, giải quyết vấn đề ngay lúc đó chứ ít xảy ra tình trạng đánh nhau sau giờ học.
Lớp học ở Nga (Ảnh: Sandia)
Bản tính họ vốn thẳng thắn, họ rất thích khuyến khích người khác, hiếm có trường hợp chê bai, bôi nhọ xúc phạm nên bạo lực học đường rất ít.
Không chỉ ở Nga, ở các nước khác họ dạy học sinh một môn gọi là PSHE (Personal Social Health & Economic Education), dạy về kỹ năng sống để quản lý cuộc sống của mỗi người. Họ dạy về lòng nhân ái, sự sẻ chia, giới tính, cách ứng xử... Thông thường việc dạy học đạo đức sẽ đi kèm với giáo dục thể chất.
"Vấn đề hình thành nhân cách và các yếu tố chi phối việc hình thành nhân cách của học sinh, sinh viên quá phức tạp. Theo tôi những hiện tượng học sinh, sinh viên nói tục, chửi bậy, đánh nhau, thiếu trung thực, thiếu khoan dung và thiếu lòng nhân ái cần được nghiên cứu sâu hơn. Điều quan trọng chúng ta muốn mô hình con người Việt Nam sẽ phải như thế nào với các đặc trưng về phẩm chất đạo đức, năng lực khi chuẩn bị bước vào đời. Chúng ta muốn xây dựng một tòa nhà cao bao nhiều tầng, hình thức kết cấu thế nào… thì phải có thiết kế kiến trúc mô hình tổng thể. Tương tự như vậy, khi thiết kế được mô hình con người Việt Nam trong thế kỷ này thì chúng ta có điều kiện để toàn xã hội nói chung và ngành giáo dục cùng “thi công” mô hình con người ấy. Đối với một số quốc gia khác, trong quá trình làm chính sách giáo dục cần quan tâm học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia khác, nhưng có lưu ý là mỗi quốc gia có một nền văn hóa khác nhau, có thể học hỏi lẫn nhau, nhưng không thể đứng ở nền văn hóa này phán xét nền văn hóa khác… Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ Giáo Dục và Đào tạo. |
Kỳ 5: Cần đưa Giáo dục công dân trở thành môn thi