Sáng sớm nay ở vùng biển ngoài khơi phía Đông Nam đảo Lu-Dông (Philippines) hình thành một cơn bão có tên quốc tế là Pakhar.
Lúc 4 giờ sáng nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 124,8 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-dông (Philippines) khoảng 330km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo đến sáng sớm mai, bão Pakhar di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 04 giờ ngày 26/08, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 121,0 độ Kinh Đông, ngay trên miền Trung đảo Lu-dông (Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Hình ảnh bão mới Pakhar trên hình ảnh mây vệ tinh
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 04 giờ ngày 27/08, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 116,0 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 600km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 13.Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 6, sau đó là vùng áp thấp suy yếu từ bão số 6 nên từ chiều tối 23/08 ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, vùng núi có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa tính đến 19h ngày 24/08 phổ biến 50-100mm, có nơi cao hơn như Yên Thủy (Hòa Bình) 113mm, T.p Hà Giang 161mm, Yên Minh (Hà Giang) 141m, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 109mm,…
Hà Nội mưa lớn, đề phòng ngập lụt (Ảnh minh họa)
Trong đêm nay và sáng mai (25/8) ở các tỉnh Việt Bắc và Tây Bắc tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 40-70mm, riêng Lai Châu có nơi trên 100mm. Từ chiều mai mưa lớn ở vùng núi Bắc Bộ giảm dần.
Do mưa lớn, dọc khắp các tỉnh trung du, vùng núi phía Bắc đối mặt với nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất: Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang.
Ngập úng ở vùng trũng, vùng thấp và các đô thị có khả năng xảy ra tại nhiều nơi như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Nội.