Ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu, đột quỵ, tăng huyết áp... là những bệnh thường gặp trong dịp Xuân về, Tết đến, chỉ đứng sau tai nạn giao thông.
Tết là dịp đoàn tụ gia đình trong không khí đón Xuân rộn ràng, vui vẻ. Nhưng nếu không biết cẩn trọng phòng ngừa, không tiết chế, điều độ trong sinh hoạt, ăn uống khó tránh khỏi những vấn đề về sức khỏe, biến niềm vui thành nỗi đau vào những ngày đầu năm mới.
Hãy đề phòng đừng để vào viện nằm những ngày đầu xuân. Ảnh: Người bệnh đưa vào cấp cứu và chấn thương sọ não tại BV Chợ Rẫy
Ám ảnh ngộ độc rượu
Các chuyên gia y tế cho biết trong danh sách cấp cứu trong những ngày tết, đứng ngay sau tai nạn giao thông (TNGT) là ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu. Ngày xuân nhiều người uống “thả phanh” dẫn đến tình trạng ngộ độc ngày càng tăng buộc phải vào bệnh viện (BV). Năm nào cũng vậy, không chỉ các phòng khám đa khoa cấp cứu 24/24, các khoa cấp cứu tại các BV ở TP HCM như Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Đại học Y dược… cũng phải tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc rượu từ mọi nơi chuyển về.
Thói quen đi lễ chùa đốt hương cầu may cũng tạo ra nguy cơ đối với không ít người có vấn đề về đường hô hấp. Các bác sĩ lưu ý người bị hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay có bệnh tim mạch nên hạn chế đi vào chỗ đông người, chỗ khói nhang mù mịt, thiếu thoáng khí. |
Theo bác sĩ Trương Thế Hiệp, Phó Khoa cấp cứu BV Chợ Rẫy, trong dịp Tết 2015, các trường hợp nhập viện cấp cứu TNGT tại đây chủ yếu liên quan đến rượu bia. Số ca bị ngộ độc thực phẩm ở TP HCM và các địa phương chuyển đến cũng tăng gấp 7 lần so với năm 2014.
Những ca nhập viện vì ngộ độc rượu không chỉ đe dọa tính mạng người bệnh mà còn khiến người thân mất ăn, mất ngủ và mất cả những ngày tết. Ngộ độc rượu có thể để lại nhiều di chứng tàn phá sức khỏe, thậm chí nguy kịch đến tính mạng.
Các bệnh nhân ngộ độc rượu nhập viện trong tình trạng mê man, nôn, thậm chí chảy máu dạ dày do uống lượng rượu quá nhiều, gây ngộ độc cấp, có trường hợp tử vong vì uống phải rượu pha methanol. Vụ ngộ độc rượu nếp 29 tại Hà Nội xảy ra cách đây chưa lâu làm hàng loạt người tử vong vì rượu chứa methanol là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người.
Những bệnh nhân hay “gõ cửa” bệnh viện
Theo các chuyên gia, ngoài những bệnh xảy ra bất cứ lúc nào như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim thì nhóm bệnh thường gõ cửa BV nhất vào dịp này là bệnh tăng huyết áp mãn tính, tiểu đường, hô hấp, gút. Theo TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não BV Nhân Dân 115, vào dịp Tết, khi thời tiết trở lạnh thì số lượng bệnh nhân nhập viện doxuất huyết não lại tăng cao.
Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh nhân sử dụng chất kích thích, thuốc lá, rượu bia quá độ. Điều này tác động trực tiếp tới huyết áp, làm huyết áp tăng. Trong não có rất nhiều mạch máu nhỏ, khả năng chịu áp lực kém. Đặc biệt, với những người bị cao huyết áp, nhất là người lớn tuổi, một số mạch máu đã bị xơ vữa, khi huyết áp tăng cao, việc xuất huyết là khó tránh khỏi.
Ngoài nguyên nhân sử dụng chất kích thích, thời tiết thay đổi cũng làm cho các mạch máu co lại, dẫn tới tăng huyết áp, gây xuất huyết não. Người cao tuổi có nhiều nguy cơ bị xuất huyết não khi thời tiết thay đổi đột ngột. Mặt khác, khi trời lạnh, các cụ ông, cụ bà thường ít vận động, dẫn tới tăng cân và đây cũng là yếu tố làm huyết áp tăng cũng như tăng nguy cơ bị đột quỵ.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, cảnh báo thức ăn thừa đạm, chất béo, ngọt khiến không ít người bị rối loạn tiêu hóa, thậm chí bị tiêu chảy nặng, ngộ độc. Những người đang mắc các bệnh mạn tính tiểu đường, tim mạch, huyết áp... do ăn uống quá đà, không kiểm soát bản thân, dẫn đến tình trạng bệnh chồng thêm bệnh.
Nhiều hiểm họa “rình” trẻ nhỏ
Những ngày tết khiến “đồng hồ sinh học” bị đảo lộn và cũng là thời điểm có nhiều hiểm họa rình rập trẻ nhỏ. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốcBV Nhi đồng 1 TP HCM, cho hay trong hàng chục loại tai nạn trẻ nhỏ vào dịp Tết như bỏng, điện giật, té cầu thang, hóc dị vật, ngạt nước… thì bị bỏng chiếm tỉ lệ cao nhất. Hằng năm, cứ vào dịp Tết, BV này tiếp nhận vài chục trường hợp như vậy.
Nguyên nhân do người lớn lo tiếp khách nên ít để mắt đến trẻ con. “Có những đứa trẻ chui vào nhà vệ sinh, bị té úp mặt vào những xô chứa nước nên bị ngạt nước. Nhiều gia đình có có tâm lý khi không thấy trẻ trong nhà thì chạy sang nhà hàng xóm tìm, sau khi tìm không thấy mới về lại nhà lục tìm tận các ngóc ngách mới phát hiện trẻ đang thoi thóp trong nhà vệ sinh. Việc phát hiện chậm trễ khiến trẻ bị ngạt nặng, toàn thân tím tái, thậm chí bịsuy hô hấp, tử vong”, bác sĩ Tiến cảnh báo.
Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng Khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1, thời tiết lạnh cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, nhất là viêm phế quản. Từ những loại vi-rút thông thường có thể gây viêm mũi, viêm họng, đến những loại vi rút nặng hơn có thể gây cúm.
Để phòng ngừa cho trẻ tránh mắc các bệnh trong mùa lạnh ở dịp Tết này, bác sĩ Tuấn khuyên các bậc cha mẹ có con nhỏ từng mắc bệnh hen suyễncần phải cho trẻ chủng ngừa cúm, chủng ngừa phế cầu. Trong thời gian này, nếu các trẻ mắc suyễn đang điều trị thuốc thì cho dù có bất kỳ lý do nào cũng tuyệt đối không được giảm liều hay ngưng thuốc và cần đưa đến bác sĩ khám lại tình trạng suyễn của bé.
Theo bác sĩ Diệp, do đặc điểm tăng trưởng mỗi ngày nên trẻ em phải được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, do hệ tiêu hóa của trẻ yếu nên rất dễ bị ngộ độc thực phẩm trong những ngày Tết. Các gia đình thường trữ trong tủ lạnh nhiều loại thực phẩm nên dễ xảy ra tình trạng ô nhiễm chéo giữa thực phẩm sống và thực phẩm chín, trẻ ăn vào dễ bị bệnh đường tiêu hóa.