Bé trai L.G.B, ở Cà Mau được đưa đến cấp cứu tại BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) trong tình trạng khắp người sưng vù vì bị ong vò vẽ đốt 60 vết. Nguy hiểm hơn bệnh nhi đã bị suy đa phủ tạng, phải điều trị lọc máu liên tục để giữ tính mạng.
Bác sĩ tại Khoa Cấp cứu – Hồi sức, BV Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh nhi được đưa đến cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng rất nguy kịch.Theo lời kể của người nhà, bé B đang chơi trong vườn nhà thì bị đàn ong võ vẽ bay ra đốt với khoảng 60 vết.
Ngay lúc đó, người nhà phát hiện đã đưa bé B đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương trong tình trạng vàng da, khắp người sưng phù vì vết ong đốt. Nguy hiểm hơn, bé B còn bị đi tiểu ra máu, bắt đầu rơi vào trạng thái lơ mơ, khó thở. Nhận thấy tình trạng của bệnh nhi diễn biến nặng các bác sĩ tại bệnh viện địa phương đã chuyển tiếp em lên cấp cứu tại BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM).
Bệnh nhi nhập viện tại BV Nhi Đồng 1 trong tình trạng lơ mơ, mê, khó thở tím tái, vàng da, vàng mắt, tiểu ra máu … Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi đã bị tổn thương phổi nặng, suy đa phủ tạng (suy thận, suy gan), rối loạn đông máu …
Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành cho bé B thở oxy và tiến hành lọc máu liên tục để giữ tính mạng cho bệnh nhi. Rất may, sau 48 giờ lọc máu liên tục, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch: tình trạng suy hô hấp được cải thiện, em đã tỉnh táo hơn, bớt vàng da, vàng mắt …Tuy nhiên, bệnh nhi vẫn đang được tiếp tục theo dõi và điều trị những biến chứng về thận tại Khoa Thận.
Bệnh nhi bị suy đa phủ tạng vì bị ong vò vẽ đốt (Ảnh BS cung cấp)
Các bác sĩ cảnh báo, hiện tại là thời điểm trẻ nghỉ hè, trẻ không phải đi học, có nhiều thời gian rảnh rỗi nên hay được bố mẹ cho về quê chơi hoặc tự chơi ở nhà. Các em rất thích khám phá thiên nhiên nên thường ra ngoài vườn chơi, chọc phá tổ ong mà không lường trước được hậu quả của việc bị ong đốt.
Trong khi đó, các bác sĩ khuyến cáo độc tính của ong, đặc biệt là ong vò vẽ rất độc, thậm chí có thể gây tử vong.
Người bị ong đốt, ngay khi sơ cấp cứu người dân cần cho người bị đốt uống đủ nước và đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không tự ý dùng các bài thuốc dân gian, truyền miệng hoặc bôi vôi lên các vết cắn vì không có tác dụng và mất thời gian vàng để cứu bệnh nhân, đặc biệt là những người bị cắn nhiều, với các vết cắn tại vùng mặt, cổ, miệng.
Để phòng tránh bị ong đốt cần chú ý không kích động hoặc trêu ong, không làm tổn thương ong (sẽ tiết ra chất báo động đàn ong bay tới), không chọc phá tổ ong nếu thấy không cần thiết và không đảm bảo an toàn. Phát hiện sớm tổ và phá bỏ nếu ở nơi đông người, nơi nhiều người đi lại hoặc trong hộ gia đình. Nên phá ngay khi tổ mới xây (còn nhỏ, thường tháng 3-4). Khi đi vào rừng, tránh mặc quần áo sáng màu, màu sặc sỡ, không dùng nước hoa, dầu gội đầu, các mỹ phẩm... có mùi thơm và ngọt.
Khi ong bay đến thì không chạy, thay vào đó đứng hoặc ngồi im và không cử động (ong sẽ không nhìn thấy nữa). Nếu bị ong tấn công có thể dùng bất cứ loại bình xịt nào sẵn có mùi khó chịu hoặc dùng khói để xua đuổi. Cách loại bỏ tổ ong: Dùng khói, bình xịt diệt côn trùng (ví dụ bình xịt muỗi) để xua ong đi hết. Sau đó, dùng màn hoặc lưới mắt nhỏ để bọc tổ ong và gỡ đi, tránh trường hợp ong còn trong tổ. Người làm nên mặc quần áo dày hoặc áo mưa (loại nhựa dày), đầu đội mũ kín, đi găng.