Mẹ mất tích, bố không biết pha sữa chăm con, nên bữa ăn hàng ngày của cháu bé là bọt cơm (nước cơm) và cháo gói ăn liền.
Mẹ đi chợ mua sữa và không bao giờ trở về
Chiều ngày 29/6, nhận được tin từ BS Hoàng Thị Nguyệt – Giám đốc bệnh viện Sản – Nhi Lào Cai cho biết, cháu bé Thào Thị Yến Nhi (14 tháng tuổi, bị suy dinh dưỡng chỉ nặng 3,5kg) đang trên đường chuyển xuống Bệnh viện Nhi Trung ương, chúng tôi ngay lập tức đến bệnh viện lúc 6 giờ chiều. Vừa tới cửa viện, chúng tôi thấy chiếc xe biển số 24M đang chuyển bánh vào khu vực cấp cứu.
Đúng như dự đoán, bệnh nhân chuyển vào khoa Cấp cứu – Chống độc chính là bé Yến Nhi. Đoàn người đưa cháu bé xuống viện gồm có 3 người và không khó để nhận ra anh Thào A Lư (sinh năm 1988, người dân tộc Mông Đen) đang bước thấp bước cao chạy theo xe đẩy để vào phòng với con.
Hình ảnh 2 bố con anh Lư khi còn ở nhà.
Mặc dù theo con từ đầu đến cuối, nhưng do không biết chữ, cộng với việc ít giao tiếp ngoài xã hội, nên mọi việc từ làm thủ tục nhập viện cho đến trao đổi với bác sĩ đều do nhân viên y tế và một bạn gái làm thiện nguyện lo liệu. Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ làm thủ tục, lúc này phóng viên mới có dịp tiếp cận và trao đổi với anh Lư, cùng trao đổi với anh Lư là anh Nguyễn Văn Cương – người vừa là anh họ nhà vợ, vừa là người sát vách nhà anh Lư, đồng thời là người phiên dịch cho chúng tôi trong suốt cuộc nói chuyện.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Lư cho biết: “Cháu Thào Thị Yến Nhi hiện đã được 14 tháng tuổi. Khi sinh cháu bị yếu nên được nuôi trong lồng kính. Khi được bệnh viện Sapa cho về nhà, cháu Yến Nhi khỏe mạnh, bụ bẫm và mọi sinh hoạt như bao đứa trẻ khác. Thậm chí nhìn còn kháu hơn những đứa trẻ cùng tuổi”.
Cháu Yến Nhi khi điều trị ở BV Sản Nhi Lào Cai ngày 29/6.
Tuy nhiên, do những tháng đầu phải nuôi trong lồng kính nên mẹ cháu Nhi mất sữa và phải nuôi hoàn toàn bằng sữa ngoài, nhưng cháu đáp ứng rất tốt.
Nói về hoàn cảnh dẫn đến cơ sự như hiện tại, anh Lư mặt cúi xuống đất và nói: “Hồi đó cháu mới được 4 tháng tuổi, mẹ cháu cùng đứa con lớn ra chợ mua sữa nhưng đi mãi mà chẳng thấy trở về. Một ngày, 2 ngày, chờ đợi không thấy, tìm mọi cách cũng không được và chúng tôi ngầm hiểu với nhau rằng mẹ cháu Nhi đã bị lừa bán sang Trung Quốc và mãi mãi không về nữa”.
Gần một năm sống bằng nước bọt cơm
Theo lời kể của anh Cương, người chứng kiến toàn bộ câu chuyện của bé Nhi từ khi sinh ra đến nay, từ khi mẹ cháu mất tích, cuộc sống của hai bố con anh Lư luôn tạm bợ. Có những hôm con đói khóc anh Lư không biết phải làm sao nên hớt nước cơm để cho con ăn. Khi thấy con ốm yếu, gầy còm anh địu con ra thị trấn để xin quần áo và sữa cho con, nhiều người thương tình cũng đã cho sữa, cho tiền.
Yến Nhi đang được chăm sóc và điều trị tại BV Nhi Trung ương chiều muộn ngày 29/6.
“Nhưng trớ trêu thay, khi chúng tôi đến nhà, mặc dù sữa đã mở, hạn đã hết những bên trong vẫn còn nguyên. Khi hỏi thì anh Lư cho biết, anh không biết pha sữa như thế nào nên cứ để vậy, còn bữa ăn hàng ngày của cháu Nhi, hôm được anh Lư cho con ăn nước cơm, hôm thì xin được gói cháo ăn liền cho con ăn. Có lẽ chính vì thế cháu Nhi mới nên cơ sự này”, anh Cương tâm sự.
Nói về kinh tế, anh Lư cho biết nhà anh chỉ có 2 sào ruộng, nhưng do suốt ngày bận trông con nên không làm được gì, cuộc sống của hai bố con anh chủ yếu là dựa vào những tấm lòng của mọi người khi đi ra thị trấn để xin tiền, xin ăn.
Khi thắc mắc về việc vì sao sống giữa thị trấn du lịch nổi tiếng, lại ở bản du lịch Cát Cát, nơi có rất nhiều khách qua lại thăm quan mà lại để cháu Nhi đến cơ sự này, anh Lư cho biết không biết kêu ai cả và cứ ngày nào cũng ăn uống tạm bợ qua ngày, thậm chí giấy khai sinh của cháu từ khi sinh ra vẫn nằm trên xã mà chưa lên lấy về.
Anh Cương (bên trái) và anh Lư (bên phải) chia sẻ với phóng viên tại BV Nhi Trung ương.
Khi đang dở câu chuyện với người thân của cháu Yến Nhi, thì bác sĩ gọi vào phòng bệnh. Cùng vào và chứng kiến cảnh cháu Nhi đang được nằm trên giường bệnh, chúng tôi không ai cầm được nước mắt. Mặc dù vừa được các bác sĩ lấy máu, và phải di chuyển một chặng đường dài, nhưng do bản năng của một con người khi đói, cháu liên tục đòi ăn, và khi được bón những thìa sữa, cháu Nhi há miệng rất to để đón nhận.
Nhìn hình ảnh đó, chúng tôi và cả các bác sĩ đều mừng vì cháu ăn được như vậy sẽ có sức và đáp ứng được điều trị đồng thời mở ra nhiều hy vọng cho cuộc đời. Nhưng phía sau đó, chúng tôi cũng vô cùng quặn lòng bởi câu hỏi: Vì sao trong thời đại này vẫn có những em bé bị bỏ đói như vậy? Và nếu không có sự phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời, ngày hôm nay cháu sẽ như thế nào?
Cuối cùng, bắt tay các bác sĩ ra về chúng tôi không quên gửi lời động viên và cảm ơn các bác sĩ đã nhiệt tình cứu chữa và chăm lo cho cháu. Hy vọng nhưng ước muốn của anh Lư sẽ trở thành hiện thực: “Chắc chắn con tôi sẽ sống, chúng tôi đi xa xuống tận trung ương rồi cơ mà”.
Video cháu Nhi há miệng rất to khi được bón sữa