Cặp song sinh dính liền được tiến hành phẫu thuật tách rời nhưng đáng tiếc chỉ có người em sống sót còn người chị không may qua đời. 20 năm sau, cuộc sống của cô gái này đã hoàn toàn thay đổi.
Vào một buổi chiều mùa đông tại quận Nhạc Thanh, thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, cậu bé Kangkang 1 tuổi đang chơi đùa với một chú chó nhỏ trước cửa siêu thị, vọng đằng xa tiếng nói của một cô gái: "Đừng chạy đi xa". Ông Jia Jinfa, giám đốc phẫu thuật sơ sinh tại Bệnh viện Nhi Đại học Chiết Giang, vừa xuống xe nhìn thấy cảnh này đã vô cùng xúc động và thốt lên: "Đứa trẻ này giống hệt Beibei". Trong chuyến đi này, ông Jia cùng các đồng nghiệp tới thăm một người vô cùng đặc biệt mà họ gọi là "em gái Beibei".
Năm 2000, cô Huang Lanjuan sống tại quận Thụy An, thành phố Ôn Châu, đã hạ sinh 2 bé gái, đáng tiếc lại là một cặp song sinh dính liền. Ngay sau đó, cặp song sinh được đưa tới Bệnh viện Nhi của Đại học Chiết Giang và được xác định bị dính liền từ rốn đến vùng chậu. Cả hai có tim, gan, thận và bàng quang độc lập nhưng lại có nhiều dị tật ở hệ tiêu hóa, hệ sinh sản và đường tiết niệu. Trong đó, bé Beibei không có hậu môn và trực tràng bẩm sinh, chung ruột non và ruột già với người chị gái.
Hai bé gái song sinh dính liền chào đời năm 2000.
Sau đó, 2 chị em đã được tiến hành ca phẫu thuật tách rời. Đáng tiếc do sức khỏe quá yếu, người chị gái đã qua đời, chỉ còn cô em gái Beibei sống sót. Suốt 2 năm sau đó, Beibei phải trải qua 3 cuộc phẫu thuật nữa để tái tạo bộ phận sinh dục.
Mặc dù vậy, cuộc sống của Beibei vẫn không được như người bình thường. Trong 10 năm tiếp theo, đáng lẽ Beibei phải được tới bệnh viện thăm khám thường xuyên nhưng gia đình lại để mất liên lạc. Mãi tới năm 2013, bố mẹ đưa cô đi tái khám, các y bác sĩ mới nhận ra Beibei là đứa trẻ năm xưa sống sót sau ca phẫu thuật tách rời. Beibei cũng là đứa trẻ dính liền sống sót đầu tiên tại tỉnh Chiết Giang.
Nhìn thấy đoàn y bác sĩ tới thăm, cô Beibei và mẹ vô cùng bất ngờ, suýt chút nữa rơi nước mắt. Mẹ của cô nhanh chóng mời khách vào nhà, đem đồ uống ra ngồi nói chuyện. Mẹ cô Beibei xúc động nói: "Ông chính là ân nhân lớn nhất của Beibei".
Bé Kangkang, con trai của cô Beibei.
Do thể chất của mình, cô Beibei luôn nghĩ mình là người khác biệt, không thể nào mong đợi một cuộc sống như người bình thường, thế nhưng bước ngoặt đã đến vào năm cô 18 tuổi. Do thường xuyên phải nằm viện trị bệnh, lực học yếu đi, dẫn tới chán nản nên Beibei đã lựa chọn kết thúc việc học ở tuổi 16. Năm 2018, cô xin vào làm tại một nhà máy sản xuất linh kiện ở quận Nhạc Thanh và may mắn gặp anh Xiao Liu, hơn cô 3 tuổi. Anh Xiao Liu là người trực tiếp hướng dẫn công việc cho Beibei và cả 2 phải lòng nhau từ đó.
Khi đã thân thiết hơn, cô Beibei đã thành thật kể rằng mình là một đứa trẻ từng được tách ra từ cặp song sinh dính liền. Cô vẫn luôn che giấu những khiếm khuyết cơ thể của mình vì mặc cảm, ấy vậy mà anh Xiao Liu lại hoàn toàn không để tâm. "Anh ấy không chán ghét tôi, ngược lại còn đối xử với tôi tốt hơn, tôi rất cảm động", cô Beibei nói trong niềm hạnh phúc.
Cô Beibei và con trai của mình.
Khi tình yêu lớn dần, cô Beibei còn nhận được niềm vui lớn hơn khi nghe bác sĩ thông báo: "Cô đã có thai". Tuy nhiên, đi kèm với niềm vui sướng lại là sự lo lắng bởi cô Beibei bị dị tật tử cung, vốn là tử cung hai sừng, tức là hai bên tử cung có phần nhô lên giống như sừng và trong lòng tử cung có một vách ngăn, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng sinh sản.
Từ đó, cô Beibei và anh Xiao Liu xác định chỉ tập trung vào đứa con. Mọi chuyện vẫn tạm ổn cho đến tuần thứ 29, bác sĩ nói rằng tim thai bất thường, có thể phải mổ gấp. Tuy nhiên, cô Beibei từ chối vì cho rằng đứa con ở trong bụng mẹ thêm ngày nào sẽ cứng cáp ngày đó. Không phụ lòng mong đợi, em bé ở lại trong bụng cô tới tuần thứ 34 6 ngày và chào đời bằng phương pháp mổ. May mắn là cả 2 mẹ con đều an toàn và mạnh khỏe, bé trai được đặt tên là Kangkang.
Ông Ji Chai, Phó Giám đốc Khoa Y tế Trẻ em của Bệnh viện Nhi Đại học Chiết Giang, cũng nằm trong đoàn tới thăm gia đình cô Beibei, đã đánh giá tình trạng sức khỏe cho bé Kangkang và thấy rằng cậu bé 1 tuổi khá khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng.
Cô Beibei tự hào nói: "Thằng bé được thừa hưởng mũi của bố nên cao, không giống như tôi có sống mũi thấp".
Gia đình cô Beibei chụp ảnh cùng đoàn bác sĩ.
Đoàn y bác sĩ đã tới thăm gia đình cô Beibei, đồng thời kiểm tra tình trạng sức khỏe của cô. Hiện tại, cô Beibei cơ bản có thể tự đi vệ sinh, các vấn đề thể chất đã được khắc phục. Tuy nhiên, cô Beibei còn gặp một chút vấn đề về tinh thần. Cô ấy có mạng lưới xã hội hẹp, ít bạn bè và sống khép kín. Nguyên nhân là do năm 2003, bố mẹ cô ly hôn, cô Beibei cùng bố tới Quý Châu sinh sống một thời gian nhưng không nhận được sự quan tâm sát sao cả về tinh thần lẫn sức khỏe, hơn 2 năm sau cuối cùng mới được về sống với mẹ tại quê nhà.
Trải qua nhiều khó khăn mà nhiều người không thể tưởng tượng được, cô Beibei có lẽ vẫn cần thêm thời gian để vết thương lành lại. Cô chia sẻ rằng tiếng bú sữa và tiếng bập bẹ học nói của con chính là âm thanh mà cô thích nghe nhất mỗi ngày.