Sau bao nhiêu nỗ lực, cuối cùng gia đình chị Thu đã có tiếng cười trẻ thơ nhờ phương pháp đông lạnh trứng.
Cuối tháng 3 vừa qua, các bác sĩ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Bưu điện cùng vợ chồng chị Thu (ở Hà Nam) đã vô cùng hạnh phúc khi chào đón một “thiên thần nhỏ”, được ra đời bằng phương pháp ICSI - tiêm tinh trùng trực tiếp vào bào tương trứng. Được biết, trước khi thực hiện phương pháp này, trứng của chị Thu đã được các bác sĩ đông lạnh toàn bộ.
Theo chia sẻ của gia đình chị Thu, hai vợ chồng lấy nhau đã 5 năm nhưng chưa có con. Nguyên nhân là do chị Thu bị đa nang buồng trứng. Trước đó, hai vợ chồng cũng đã mất 3 năm chạy chữa nhưng không có kết quả, thậm chí đã 2 lần thử bơm tinh trùng vào trứng nhưng đều không thành công.
Sau 2 lần thất bại, các bác sĩ chỉ định thụ tinh bằng phương pháp ICSI. Sau khi được chỉ định, giữa tháng 6/2016, chị Thu đến Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản (Bệnh viện Bưu Điện), để chọc trứng. Tuy nhiên, lấy trứng xong, vì lý do bất khả kháng chồng chị không thể đến để lấy tinh trùng.
BS Nhã hạnh phúc khi chào đón bé gái chào đời từ trứng người mẹ được đông lạnh. Ảnh: BVCC.
“Khi đó, chúng tôi mới cử chuyên viên đi học kỹ thuật về đông rã phôi và trứng ở Nhật Bản về. Vì thế, các bác sĩ đã tư vấn gia đình thử vận may khi đông lạnh toàn bộ trứng của chị Thu để sau này dùng”, BS Nguyễn Thị Nhã – Trưởng Trung tâm hỗ trợ sinh sản cho hay.
Đến tháng 7/2016 các bác sĩ đã tiến hành lấy tinh trùng của người chồng và rã đông trứng của người vợ được đông lạnh trước đó 1 tháng. Sau đó, tiến hành thụ tinh bằng phương pháp ICSI. Chị Thu được bác sĩ chuyển 2 phôi vào tử cung.
Sau 22 ngày chuyển phôi, kết quả siêu âm cho thấy, chị Thu đã có túi thai, 28 ngày có tim thai…Đến cuối tháng 3/2017, gia đình vô cùng hạnh phúc khi đón bé gái nặng 3,3kg chào đời.
Theo BS Nguyễn Thị Nhã, ca đông trứng thành công này sẽ tạo cơ hội làm mẹ cho nhiều chị em phụ nữ trẻ tuổi mắc bệnh hiểm nghèo. Đặc biệt là những căn bệnh ung thư, khi mà bệnh nhân phải điều trị bằng hóa chất, xạ trị.
Ngoài ra, đông lạnh trứng còn mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ hiện đại, giúp lưu giữ một số lượng trứng có chất lượng tốt khi tuổi người mẹ còn trẻ.
“Ngày nay, nhiều phụ nữ mải mê công việc hoặc chưa gặp được người đàn ông của đời mình nên lỡ đi cơ hội làm mẹ. Về mặt sinh học, số lượng và chất lượng trứng giảm mạnh khi tuổi của người phụ nữ càng cao. Số nang noãn của buồng trứng giảm sâu ở phụ nữ trên 35 tuổi. Nguy cơ bất thường về nhiễm sắc thể (hội chứng Down, Turner) ở con cũng tăng lên với người mẹ lớn tuổi. Vì thế, việc thực hiện kỹ thuật đông trứng sẽ giúp chị em phụ nữ có được trứng ở thời điểm tốt nhất”, BS Nhã chia sẻ.