Bệnh nhi được đưa đến viện trong tình trạng toàn thân tím nhợt, ngừng thở … vì hóc thạch. Dù các bác sĩ đã gắp thành công miếng thạch nằm chặn ngang cổ họng nhưng đến giờ bệnh nhi vẫn đang rơi vào tình trạng hôn mê, nguy kịch.
Nguy kịch sau khi ăn thạch
Trong ca trực ngày hôm qua, bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, Khoa Nhi, BV Bạch Mai đã tiếp nhận một trường hợp cấp cứu vì hóc thạch. Bệnh nhi là bé Q.A, 6 tuổi ở Hà Nội. Bệnh nhi được đưa đến viện trong tình trạng toàn thân tím nhợt, đã có dấu hiệu ngừng thở, nhịp tim rời rạc. Các bác sĩ đã tiến hành bóp bóng cấp cứu, hút hết dịch nhầy trong mũi miệng nhưng lồng ngực của bệnh nhi vẫn không di động, không khí không thể vào phổi. Trước tình thế đó, các bác sĩ đã ngay lập tức tiến hành đặt nội khí quản và phát hiện ra trong cổ họng bệnh nhi có dị vật chắn ngang đường thở. Dị vật được lấy ra là miếng thạch to, kích thước 4x4cm, vẫn còn nguyên khối, bịt kín đường thở của trẻ.
Dù đã được lấy dị vật thành công nhưng hiện bệnh nhi vẫn đang trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy, vì thời gian thiếu oxy quá dài.
Cả miếng thạch to được gắp ra khỏi họng của bé Q.A (Ảnh bác sĩ cung cấp)
Qua khai thác người nhà, bác sĩ cho biết bệnh nhi bị hóc thạch ở trường mầm non. Cuối giờ chiều hôm qua, bé Q.A được cô giáo cho ăn thạch ở lớp, khi đang ăn cô thấy bé bị nôn trớ liên tục, người tím tái. Ngay lập tức cô giáo vội vàng bế bé đưa đi viện, cũng đúng lúc bố của bé đi đến sảnh trường học đón con về nhà như mọi ngày. Thấy con tím tái, cả cô giáo và bố Q.A vội vàng đưa bé đi cấp cứu tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai.
Bé Q.A là trẻ đẻ non khi mới 28 tuần, bị khiếm thính, chậm phát triển tinh thần nên dù đã 6 tuổi nhưng thể trạng chỉ như trẻ 3-4 tuổi. Bé mới đi học trường mầm non được khoảng 2 năm nay.
Hóc thạch ở trẻ em đáng sợ nhất!
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cảnh báo, trẻ bị hóc bất kỳ dị vật nào cũng vô cùng nguy hiểm, bởi dị vật chắn vào đường thở trẻ, dễ khiến trẻ nhanh chóng rơi vào tình trạng suy hô hấp. Nhưng hóc thạch của trẻ em nguy hiểm gấp bội phần, có thể nói là đáng sợ nhất.
Lý giải tại sao hóc thạch lại đáng sợ nhất, PGS.TS Dũng cho biết, bởi miếng thạch vốn mềm, khi trôi xuống đường thở nó dễ dàng thay đổi hình dạng, ôm chặt, bịt kín lấy đường thở của trẻ, khiến bệnh nhân nhanh chóng ngạt thở, thậm chí là tử vong ngay lập tức. Nhiều trẻ được phát hiện và đưa đi cấp cứu ngay khi bị hóc thạch nhưng vẫn không kịp, vì trẻ sẽ bị thiếu máu não trong tích tắc.
“Có cháu bé bị hóc thạch dù đã được đặt nội khí quản, gắp thành công thạch ra khỏi đường thở của trẻ nhưng vẫn không thể trả lại sự sống bình thường cho các bé được. Bởi dù có thoát khỏi lướt hái tử thần nhưng do thiếu oxy não lâu, não bị ảnh hưởng nên trẻ sẽ phải chịu biến chứng trí tuệ kém phát triển, thậm chí là sống thực vật suốt đời”, ThS Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai. |
“Trẻ bị hóc thạch, dù có ngay cổng bệnh viện thì thời gian đưa vào cấp cứu vẫn quá muộn vì chỉ cần thiếu oxy não 5 phút trở lên đã có thể ảnh hưởng đến não bộ. Trường hợp của bé Q.A, trường học chỉ cách BV Bạch Mai vài trăm mét, bố và cô giáo chỉ mất 10 phút để đưa bé đến cấp cứu tại Khoa Nhi, BV Bạch Mai nhưng vẫn không kịp. Dù bé có được cứu sống, qua cơn nguy kịch nhưng chắc chắn sẽ để lại biến chứng não”, bác sĩ Phong nói.
PGS.TS Dũng nhấn mạnh, hóc thạch ở trẻ em đáng sợ vô cùng vì hầu hết các trường hợp này đều tử vong, bác sĩ gặp nhiều khó khăn trong quá trình cấp cứu. Do miếng thạch mềm nên việc gắp được hết dị vật này ra khỏi đường thở của trẻ không hề dễ, chỉ cần một sơ suất nhỏ miếng thạch sẽ nát ra thành các viên nhỏ, càng bịt kín đường thở của trẻ. Nếu bác sĩ cứ cố gắng hút hết thạch trẻ sẽ bị thiếu oxy trầm trọng, nguy cơ tử vong rất cao. Do đó, trong trường hợp này bác sĩ phải luân chuyển liên tục giữa xông cung cấp oxy và hút dị vật.
Tại khoa Nhi, BV Bạch Mai trong những năm qua đã tiếp nhận hàng chục ca trẻ hóc thạch nhưng đến nay chỉ mới có duy nhất một ca được cứu sống thành công mà không để lại di chứng vào tháng 10/2012. Nó hiếm hoi đến mức bác sĩ gọi đây là trường hợp thoát chết một cách thần kỳ. Ca bệnh này đã đưa ra thảo luận tại Hội nghị Nhi khoa Việt – Mỹ lần thứ 4 mới được tổ chức tại Hà Nội trong tháng 4 vừa qua và được các chuyên gia nhi khoa Mỹ và quốc tế đánh giá cao.
Cho đến nay, bé Nghĩa là trường hợp duy nhất được cứu sống khỏe mạnh, không để lại biến chứng (Ảnh Mai Hương)
Trường hợp thoát chết hy hữu này là bé Lương Hữu Nghĩa, 14 tháng tuổi ở Bắc Giang. Bé may mắn thoát chết bởi nhà bé chỉ cách BV Đa khoa Bắc Giang 300m, đã được tiến hành sơ cấp cứu đúng cách trước khi chuyển bé xuống Hà Nội để gắp dị vật.
Không nên cho trẻ ăn thạch “Báo chí đã đưa ra rất nhiều cảnh báo về các trường hợp trẻ hóc thạch nhưng tôi không hiểu tại sao các bậc cha mẹ vẫn cho con ăn thạch. Thạch là món ăn có bổ béo gì đâu, trong khi sự nguy hiểm mà nó đưa lại khi trẻ ăn thì rất nhiều. Tôi nghĩ cha mẹ không nên cho trẻ ăn thạch, với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi cần tuyệt đối cấm. Bởi chỉ cần một chút sơ suất có thể phải trả giá quá đắt, bằng chính mạng sống của trẻ”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai. |
“Bé Nghĩa thoát chết thần kỳ bởi được đưa đi cấp cứu kịp thời tại bệnh viện ở rất gần nhà. Các bác sĩ ở địa phương cũng đã tiến hành cấp cứu, bóp bóng thở, đặt nội khí quản và hút truyền dịch đúng cách và chuyển bệnh nhi xuống Hà Nội ngay lập tức, không làm mất đi “thời gian vàng” cứu sống bệnh nhi, nếu không chắc bé cũng khó có cơ hội thoát chết và sống lại hoàn toàn khỏe mạnh, không để lại di chứng nào như vậy”, PGS.TS Dũng nhớ lại.
Với trẻ bị hóc thạch hay hóc bất kỳ một dị vật đường thở nào ThS Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết việc sơ cấp cứu ban đầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng, có thể nói là quyết định việc bé có thể được cứu sống hay không. Nếu thấy trẻ đang chơi hoặc đang ăn bỗng bị ho sặc sụa, ngưng thở, tím tái, mắt trợn ngược cần nghĩ ngay đến việc trẻ đang bị hóc dị vật đường thở. Khi đó, người lớn cần lập tức dốc ngược đầu trẻ xuống đất (hoặc cho trẻ nằm vắt ngang trên đùi người lớn, bụng chèn vào đùi để đầu dốc xuống đất) rồi dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật qua khỏi thanh môn hoặc tạo khe hở để trẻ dễ thở hơn. Sau đó, cần đưa trẻ đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.
Bác sĩ Nam cũng nhấn mạnh, với trẻ bị hóc cha mẹ tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ hay vuốt cổ, vuốt ngực trẻ vì các hành động này có thể khiến dị vật càng vào sâu bên trong hoặc làm trầy xước vùng họng, gây phù nề càng làm trẻ khó thở hơn.